Cuối cùng nước Mỹ đã phê duyệt và bắt đầu chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 cho cộng đồng. Những nhóm ưu tiên, gồm nhân viên y tế và cư dân viện dưỡng lão, là những người đầu tiên nhận vaccine. Và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, hầu khắp nước Mỹ sẽ được chủng ngừa vào cuối mùa Hè năm 2021.
Nhưng trên thực tế, việc cấp phép và triển khai chiến dịch không có nghĩa nước Mỹ được bảo đảm rằng người dân sẽ được chủng ngừa nhanh chóng, kể cả khi đất nước đang đi đúng con đường đánh bại virus SARS-CoV-2.
Thay vào đó, theo các chuyên gia, Mỹ vẫn đối mặt với hai thách thức quan trọng.
Thứ nhất, Mỹ phải sản xuất và phân phối vaccine cho trên 300 triệu người dân. Học giả Crystal Watson, tại Trung tâm An sinh Y tế Johns Hopkins cho biết: “Đây sẽ là một chiến dịch chủng ngừa hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Mỹ”. Thách thức hậu cần không chỉ nằm ở việc sản xuất ra đủ số liều vaccine cần thiết, mà còn ở việc vận chuyển và bảo quản vaccine ở mọi nơi trong điều kiện nhiệt độ siêu lạnh, sau đó là đưa vaccine đến với người dân. Nếu mỗi người cần 2 liều, thì khó khăn này sẽ nhân đôi.
Trong trường hợp Mỹ có thể vượt qua được trở ngại về hậu cần, thì thách thức lớn thứ hai sẽ gây trở ngại: Họ cần thuyết phục người dân tiếp nhận mũi tiêm. Các cuộc thăm dò cho thấy có tới một nửa người Mỹ còn do dự trước cơ hội được tiêm phòng COVID-19. Những người này cần được giải tỏa những mối lo ngại của họ, trong đó có lo lắng về việc quy trình phát triển vaccine nhanh chóng có thể phải “hy sinh” an toàn, dẫn đến các tác dụng phụ không mong đợi. Cả giới chức y tế và các bác sĩ sẽ phải thuyết phục cộng đồng lý do tại sao việc mọi người cần thiết phải tiêm vaccine dù họ không cảm thấy COVID-19 là mối đe dọa với bản thân.
Các chuyên gia cho rằng, cách thức nước Mỹ giải quyết cả hai thách thức này có thể quyết định việc dịch COVID có còn lan tràn vào cuối năm 2021, thậm chí 2022 hay không. Đó cũng là điều quyết định nước Mỹ có thể trở về trạng thái bình thường hay không và bao nhiêu sinh mạng sẽ được cứu sống, hay mất thêm.
Thách thức 1: Sản xuất và phân phối vaccine
Sản xuất vaccine cho hơn 300 triệu người dân trong vài tháng là điều nước Mỹ chưa từng làm trong lịch sử. Công cuộc đó đòi hỏi đủ nguyên liệu thô cho các liều vaccine và đủ nhà máy để sản xuất ra chúng. Số vaccine khổng lồ này sau đó được mua và vận chuyển đến toàn bộ 50 tiểu bang. Các bang sẽ phân phối vaccine tới các cơ sở khác nhau, dựa trên mức độ ưu tiên và cần thiết. Điều đáng nói là toàn bộ vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh thích hợp. Các hệ thống truyền thông và chăm sóc sức khỏe cần được thiết lập để thực hiện việc lập danh sách ưu tiên và đảm bảo tất cả mọi người đều nhận được mũi tiêm thứ hai, đúng 3 tuần sau.
Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi nguồn lực tài chính vô cùng lớn từ chính phủ liên bang. Các chính quyền bang và địa phương đang kẹt tiền sau gần một năm lao đao kinh tế vì dịch, trong khi chưa rõ chính phủ liên bang có đủ lực hay không. Một số quan chức cho biết, các bang cần 8,4 tỉ USD cho nỗ lực này, nhưng cho đến giờ mới chỉ được cấp 340 triệu USD.
Hoạt động vận chuyển và bảo quản vaccine cũng là một thách thức lớn khi vaccine của Pfizer/BioNTech đòi hỏi giữ ở -70 độ C khi vận chuyển. Các nhà thuốc, bệnh viện, cơ sở lưu trữ sẽ phải mua các tủ đông và tủ lạnh mới. Khó khăn càng chồng chất hơn ở các vùng nông thôn, địa phương nhỏ, nơi chi phí cho hậu cần sẽ rất tốn kém.
Một thách thức tiếp theo là việc đưa người dân trở lại nhận liều vaccine thứ hai sau 3 tuần. Theo các dữ liệu trước đây thì có tới 50% người quên mũi tiêm thứ hai khi chủng ngừa viêm gan B. Điều này có thể gây hậu quả lớn khi đại dịch vẫn đang diễn ra. Ngoài ra, phía chính quyền cũng phải đảm bảo liều vaccine thứ hai sẵn sàng phục vụ người dân đúng thời điểm.
Thách thức 2: Thuyết phục người dân tiêm chủng
Vấn đề không chỉ là sản xuất và phân phối vaccine. Bởi khi khi đã có vaccine nhưng không có người tiêm thì chẳng có nghĩa lý gì.
Một câu hỏi là vấn đề chi phí. Nếu vaccine quá đắt, một số người có thể bỏ qua. Chính phủ liên bang đã lên kế hoạch đảm bảo vaccine miễn phí cho tất cả mọi người, nhưng có thể một bộ phận, đặc biệt là những người không có bảo hiểm, có thể sẽ không được ưu đãi.
Ngay cả khi vaccine miễn phí cho mọi người thì vẫn còn những vấn đề khác.
Các cuộc thăm dò cho thấy một số lượng đáng kể người Mỹ - chiếm tới một nửa, theo thăm dò của Viện Gallup – có thể miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm chủng. Con số này dường như đang thay đổi khi các các nghiên cứu sơ bộ cho thấy vaccine rất hiệu quả. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 11 cho thấy 60% người Mỹ nói họ sẽ tiêm vaccine, tăng so với 51% hồi tháng 9.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa còn rất nhiều người đang hoài nghi.
Không xét đến những người phản đối tiêm chủng nói chung, thì vẫn có nhiều lý do dễ hiểu hơn cho những hoài nghi về vaccine COVID hiện tại. Đây là vaccine phòng một loại virus mới, được phát triển và sản xuất trong một thời gian ngắn kỷ lục. Vì vậy nếu chỉ tìm cách làm mọi người thấy xấu hổ khi không tiêm vaccine thì sẽ không hiệu quả. Công chúng cần được thuyết phục rằng vaccine an toàn và hiệu quả.
Điều đó sẽ đòi hỏi sự minh bạch, thừa nhận không chỉ lợi ích của vaccine mà còn cẩ những tác dụng phụ có thể xảy ra. Với vaccine COVID-19, một số người có thể sẽ bị ốm trong vòng vài giờ sau mũi tiêm, không đe dọa tính mạng hoặc nguy hiểm, với các triệu chứng đã ghi nhận như mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là giới chức và nhân viên y tế phải thông báo rằng các triệu chứng là bình thường và tạm thời, là dấu hiệu cho thấy vaccine đang thực sự phát huy tác dụng và có giá trị lợi ích trong việc tránh được một căn bệnh nguy hiểm hơn nhiều.