Cũng không nằm ngoài dự đoán, hội nghị năm nay đã không ra tuyên bố chung như những lần trước, phản ánh thực tế những mâu thuẫn còn tồn tại và quan điểm khác biệt của ba nước đối với một số vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều tín hiệu tích cực khi cả ba nước đều thể hiện mong muốn giải quyết những bất đồng để duy trì "thế chân vạc" địa chiến lược Nga - Trung - Ấn như một đối trọng giữ cân bằng cho các quan hệ quốc tế.
Ngoài cam kết phối hợp hành động chặt chẽ nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức chung toàn cầu về chính trị và kinh tế, đặc biệt tại diễn đàn Liên hợp quốc khi Ấn Độ đảm đương vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2021-2022, các bên cũng nhất trí tổ chức cuộc họp đầu tiên cấp bộ trưởng quốc phòng Nga - Trung - Ấn trong năm nay.
Cho dù trước hội nghị, cả Nga và Ấn Độ khẳng định xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya không nằm trong chương trình nghị sự, song thực tế cho thấy Nga đang đóng vai trò đáng kể để giúp hạ nhiệt "những cái đầu nóng" của hai "người khổng lồ” châu Á.
Bằng chứng là sau cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng, Moskva thông báo đón hai bộ trưởng quốc phòng của Ấn Độ là ông Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đến dự lễ diễu binh mừng 75 chiến thắng phát xít Đức, có sự tham gia của binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc. Trước khi diễn ra cuộc thương lượng Ấn - Trung hôm 6/6, Ngoại trưởng Ấn Độ đã thông báo cho Đại sứ Nga tại Ấn Độ, Nikolay Kudashev về "những tiến triển mới nhất" của tình hình dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC). Sau vụ đụng độ ngày 15/6, Đại sứ Ấn Độ tại Nga, D. Bala Venkatesh Varma cũng đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov.
Một nhà ngoại giao Nga cho biết, động lực để Nga giúp cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là do mối quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á này là trung tâm sự trỗi dậy của khu vực Á - Âu; cũng như sự nổi lên của trật tự thế giới đa cực, nơi không một quốc gia đơn lẻ nào có thể thống trị. Moskva đã khởi xướng ý tưởng liên kết 3 nước lớn nhất lục địa Á - Âu là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ trong một "tam giác chiến lược" như một đối trọng có khả năng cân bằng quyền lực trong một thế giới ngày càng đa cực, đa trung tâm.
Với Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại và là nhà đầu tư châu Á lớn nhất. Đổi lại, Trung Quốc cũng xem Nga như là một cường quốc về nguyên liệu và một bạn hàng quan trọng. Có thể nói, kinh tế là một "cơ sở chiến lược mới" cho mối quan hệ Nga - Trung thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh. Trong khi đó, quan hệ Ấn - Nga lại có lịch sử lâu dài từ 7 thập niên qua. Hai bên đã duy trì hợp tác chặt chẽ trong một số lĩnh vực, trong đó, quốc phòng là cột trụ vững chắc nhất cho mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn. Nga hiện là nguồn cung cấp đều đặn và đáng tin cậy vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ấn Độ (ước tính chiếm khoảng từ 60 - 70%).
Ngoài ra, Nga cũng muốn đề cao vai trò trung tâm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nga cùng hầu hết các nước Trung Á là thành viên; coi đây là nền tảng cho hệ thống toàn cầu “hậu phương Tây”. Nga thực sự lo ngại căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tiêu cực với SCO mà còn cả với nhóm các cường quốc mới nổi BRICS mà 3 nước này cùng tham gia.
Về phía Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù hai cường quốc lớn nhất châu Á này luôn cạnh tranh lợi ích và quan hệ thường xuyên căng thẳng, song có thể thấy hai nước vẫn phát đi thông điệp cố gắng dàn xếp bất đồng và tránh kịch bản đối đầu quân sự. Ngay trước thềm cuộc họp RIC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này và Ấn Độ đã nhất trí tiến hành các biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến ba bên ngày 23/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nga, Ấn Độ và Trung Quốc luôn ủng hộ việc xây dựng các mối quan hệ giữa các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, nhằm đảm bảo sự ổn định toàn cầu và thịnh vượng chung. Ba nước không chấp nhận việc sử dụng các biện pháp đơn phương để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế, nhất là khi các biện pháp này dẫn đến cách tiếp cận sử dụng vũ lực. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga tin rằng việc tận dụng và kết nối tiềm năng của ba nước sẽ tiếp tục đóng vai trò ổn định quan trọng trong các vấn đề thế giới, giúp cộng đồng quốc tế giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề cấp bách của thời đại và thiết lập các nguyên tắc đa phương.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Trung - Nga - Ấn đều là những cường quốc kiên trì chính sách tự chủ chiến lược. Ba nước cần nắm bắt tốt xu hướng hợp tác chung đều là đối tác, cơ hội của nhau, cần nhận thức chính xác và xử lý thỏa đáng các yếu tố nhạy cảm tồn tại trong quan hệ song phương, duy trì đại cục quan hệ. Ông Vương Nghị cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của Nga tổ chức hội nghị bộ trưởng quốc phòng RIC đầu tiên để nâng cấp hợp tác về an ninh và quốc phòng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng "những tiếng nói hàng đầu" cần hành động một cách chuẩn mực bằng việc tôn trọng luật pháp quốc tế và công nhận lợi ích của các đối tác. Ông cũng thúc đẩy mạnh mẽ vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong quá trình ra quyết sách tại các tổ chức quốc tế như LHQ và trong mô hình mà Ấn Độ mô tả là "một trật tự thế giới đa phương được cải cách".
Diễn ra ngay sau loạt vụ đụng độ gây thương vong lớn tại khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ ở Himalaya, có thể nói hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao RIC lần thứ 16 này mang tính biểu tượng cao. Dù vẫn còn tồn tại một số căng thẳng, nhưng cả ba nước rõ ràng đều tìm cách hóa giải xung đột và mâu thuẫn nội bộ, đưa định dạng theo mô hình "thế chân vạc" này trở nên hiệu quả hơn và đủ mạnh để giúp nâng tầm vị thế mỗi thành viên, nhất là khi các mục tiêu chiến lược hiện nay của Ấn Độ ngày càng xa cách với những ưu tiên của Trung Quốc. Với vai trò và ảnh hưởng của mình, Nga đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi, kết nối tiềm năng và sức mạnh của mỗi nước nhằm đảm bảo RIC tiếp tục là một “tam giác chiến lược” ở lục địa Á - Âu với tiếng nói có sức nặng trong các vấn đề khu vực và thế giới.