Lúc bà May đắc cử, bà đưa ra đường lối lãnh đạo rõ ràng. Nhiệm kỳ của bà không chỉ xoay quanh việc đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), nó còn tập trung vào cuộc chiến chống “sự bất công bùng cháy” trong lòng quốc gia này.
Thế nhưng vào tối 27/3, bị tuyệt vọng bởi Brexit giống ông Cameroon, nữ chính trị gia đã thừa nhận rằng bà không thể làm thêm điều gì nữa để chống lại sự bất công, trao quyền cho phụ nữ và xây dựng một xã hội bình đẳng hơn.
Bà tuyên bố với các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ sẽ chuyển khỏi Phủ Thủ tướng ngay khi Brexit được phê chuẩn, để lại nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ trong tương lai với châu Âu đầy phức tạp cho nhà lãnh đạo khác. Quyết định của bà đã mở đường cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong đảng Bảo thủ để giành lấy chiếc ghế Thủ tướng Anh.
Theo Fox News, đó là một thời khắc cay đắng đối với bà May, người trong gần 3 năm qua đã “cày cuốc” con đường đơn độc để đạt thỏa thuận với EU. Sau hai lần bị Hạ viện phủ quyết, bà đã đem chức vụ Thủ tướng Anh ra đánh đổi để các nghị sĩ ủng hộ kế hoạch của bà.
Những gì bà dự đoán là một khoảnh khắc của sự chiến thắng – thỏa thuận Brexit được thông qua - đã biến thành một khoảnh khắc buồn.
Nhiệm vụ của bà khi lên làm thủ tướng vốn dĩ đã đầy chông gai. Bà vận động để Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 – mặc dù âm thầm – và sau đó lại được chuyển giao từ ông Cameroon để dẫn dắt Anh “ly hôn” với EU.
Bà đã sớm đặt đường hướng của mình trong các cuộc đàm phán Brexit khi bà quyết định không tìm kiếm hợp tác liên đảng cho mô hình Brexit mà bà theo đuổi. Thay vào đó, người phụ nữ 62 tuổi đặt ra một loạt “giới hạn đỏ” mà bà cam kết không bao giờ vượt quá nhằm thu hẹp những lựa chọn của bà trong quá trình đàm phán đầy khó khăn với EU.
Bà Theresa May quyết định Anh sẽ rời thị trường thống nhất của châu Âu, ra khỏi Liên minh Hải quan châu Âu và cắt đứt nhiều mối quan hệ kinh tế đã ngày càng ràng buộc Anh với Lục địa già suốt nhiều thập kỷ.
Việc theo đuổi những mục tiêu của bà cuối cùng dẫn đến một thỏa thuận phức tạp, nhưng khi các chi tiết được công khai, nhiều người trong Quốc hội – kể cả các nhân vật ủng hộ Brexit nổi bật nhất trong đảng của bà - đã phản đối. Bà nhanh chóng bị “ném đá” bởi những lá đơn từ chức, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson và Bộ trưởng Brexit David Davis.
Phe ủng hộ Brexit của đảng Bảo thủ cho rằng kế hoạch sẽ khiến Anh phải tuân theo các quy tắc của EU sau khi nước này rời đi. Họ chỉ trích bà May vì loại bỏ Brexit “mềm” mà theo đó Anh ở lại thị trường thống nhất và Liên minh Hải quan EU.
Khi đàm phán kéo dài nhiều tháng, nữ thủ tướng đã để mất cả phe ủng hộ Brexit “cứng" trong đảng của mình, mà không đưa ra một kịch bản Brexit “mềm" nào có thể làm hài lòng các cử tri Công đảng cần thiết để Quốc hội phê chuẩn kế hoạch. Kết quả: trì trệ, mất mặt và thời hạn rời EU sớm.
Đó là cái kết mâu thuẫn sau khởi đầu đầy hứa hẹn. Khi bà May lên nắm quyền tháng 7/2016, bà đã vượt qua những nhân vật cộm cán như Boris Johnson và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove.
Sau đó bà quyết định tổ chức cuộc tổng tuyển cử định mệnh vào tháng 6/2017. Kết quả thật tồi tệ. Bà thể hiện kém trong cuộc vận động đến nỗi đảng của bà để mất tỷ lệ đa số trong Quốc hội, làm suy yếu nghiêm trọng quyền lực của bà cũng như trực tiếp dẫn đến tình trạng khó khăn bà phải đối mặt bây giờ: Bà chỉ được phê duyệt kế hoạch nếu bà nhận được sự ủng hộ của các đảng khác.
Bà May, một chính trị gia quyết đoán và cứng rắn, đã phải thừa nhận tối 27/3 rằng bà không thể làm tốt nhiệm vụ của mình nếu gặp cản trở hoặc “lời ra tiếng vào”. Hiếm người nghi ngờ sự kiên cường và cam kết của bà đối với một chích sách phát triển dịch vụ công. Sự nghiệp của bà không bị xáo trộn bởi những bê bối cá nhân hay vấn nạn tham nhũng. Nữ chính khách cũng nhận được lời khen ngợi vì dám nhận vị trí đòi hỏi trách nhiệm vô cùng lớn dù bị bệnh tiểu đường.
Tất cả những yếu tố trên nhằm củng cố khoảnh khắc xúc động khi bà nói với các thành viên đảng Bảo thủ rằng bà sẽ từ chức sớm. Ông George Freeman, cựu cố vấn của bà May, kể rằng nước mắt bà đã chực trào lúc thừa nhận thất bại.
Theo ông Freeman, bà Theresa May thừa nhận đã gây “nhiều sai lầm” và nói rằng bà “chỉ là con người”. Đằng sau cánh cửa đóng chặt, bà May đã nói: “Tôi van xin các bạn, những người đồng nghiệp, bỏ phiếu cho thỏa thuận và tôi sẽ ra đi”. Căn phòng đông kín người đã rơi vào im lặng lúc đó, đến nỗi có thể nghe thấy tiếng một chiếc kẹp ghim rơi.
“Bà thừa nhận sai sót của mình, đặt đất nước lên trước đảng và sự nghiệp đồng thời kêu gọi mọi người làm điều tương tự”, ông Freeman kể lại.