Gần như ngay sau khi hãng tin AP và các kênh truyền hình công bố ông Biden là người chiến thắng, giới chức hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Washington, trong đó có thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và những thành viên khác trong đội ngũ lãnh đạo, không đưa ra phản ứng gì về kết quả cuộc bầu cử. Trong khi đó, các nhóm, tổ chức bên ngoài liên minh với đảng Cộng hòa như Phòng Thương mại Mỹ lại gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Hôm 6/11, ông McConnell thông qua tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Twitter khẳng định mọi phiếu bầu hợp lệ cần phải được kiểm đếm hết, đồng thời cho biết tiến trình pháp lý gắn với vai trò của tòa án sẽ sẵn sàng được viện đến để giải quyết những tranh chấp. Tuy nhiên, khi kết quả được công bố trong ngày 7/11 (giờ Mỹ), văn phòng của ông McConnell không đưa ra phản ứng gì.
Tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Josh Hawley, ứng cử viên tiềm năng đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống năm 2024, là người hiếm hoi cảm thông với ông Trump. Thượng nghị sĩ bang Missouri này chỉ trích báo chí, truyền thông theo đuổi, đăng tải thông tin bầu cử theo hướng có lợi cho ông Biden và cho rằng đó không phải là cách thức để định ra người chiến thắng.
Ông Hawley cũng khẳng định, chỉ có thể biết người thắng khi tất cả các phiếu bầu hợp lệ được kiểm, quá trình kiểm phiếu lại hoàn tất, những cáo buộc về gian lận được xử lý trọn vẹn.
Còn tại Hạ viện, chỉ có một nhóm nhỏ các nghị sĩ Cộng hòa trung thành với ông Trump lên tiếng ủng hộ đương kim tổng thống Mỹ, nêu quan ngại về kết quả bầu cử. Hạ nghị sĩ Steve Scalise, nhân vật số hai của đảng Cộng hòa trong phe thiểu số tại Hạ viện cho rằng cuộc bầu cử bộc lộ “những thách thức pháp lý nghiêm trọng” và tuyên bố “bầu cử chỉ kết thúc khi tất cả các phiếu bầu hợp pháp được kiểm đếm xong và được chứng thực”.
Cùng quan điểm trên, Hạ nghị sĩ Jody Hice đại diện cho bang Georgia cáo buộc truyền thông chính thống – số đại diện cho ứng cử viên Dân chủ, “đang tìm cách thuyết phục cử tri Mỹ rằng mọi việc đã an bài. Nhưng bầu cử chưa kết thúc”. Hạ nghị sĩ Andy Biggs bang Arizona thậm chí còn kêu gọi cử tri ủng hộ ông Trump biểu tình, tham gia con đường chiến đấu pháp lý, kể cả đòi lại số phiếu đại cử tri.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney đại diện bang Utah là người đầu tiên trong phe Cộng hòa chúc mừng ông Biden. Đây cũng không phải là diễn biến quá bất ngờ, bởi ông Romney là người chống ông Trump ra mặt, từng là thượng nghị sĩ Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu ủng hộ tiến trình luận tội ông Trump mà phe Dân chủ đưa ra hồi tháng 1/2020.
“Ann và tôi xin gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris. Chúng tôi biết họ là những người tốt, là những nhân vật đáng kính. Cầu chúa phù hộ cho họ trong những ngày tháng tới”, ông Mitt Romney viết trên Twitter.
Số ủng hộ kế hoạch của ông Trump về khởi kiện, theo đuổi tiến trình pháp lý nhằm quyết đấu với ông Biden tới cùng không nhiều. Nhưng cũng có rất ít người mạo hiểm tách xa ông Trump và hướng về Joe Biden. Bởi dù có là người thua cuộc, ông Trump vẫn sẽ là người có sức hút với cử tri đảng Cộng hòa và xu hướng này sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ ngay cả khi ông Trump rời Nhà Trắng. Vì thế, số nghị sĩ Cộng hòa có ý định “chìa nhành ô-liu” về phía ông Biden sẽ đối diện với mối nguy lớn vì bị phản đòn từ cử tri.
Ở một chiều hướng khác, nhiều tổ chức đại diện cho giới kinh doanh, trong đó có Phòng Thương mại Mỹ, Ủy ban các nhà sản xuất Quốc gia (NAM), Liên đoàn bán lẻ Quốc gia (NRF), đều phát đi tín hiệu chấp nhận kết quả bầu cử mới được công bố, sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới.
Ông Jay Timmons, Giám đốc điều hành NAM, ra tuyên bố khẳng định các nhà sản xuất tin tưởng vào tiến trình dân chủ và việc kiểm phiếu đã rõ ai là người chiến thắng. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo của mình, đặc biệt cuộc đua tìm kiếm vaccine, sẽ hợp tác với chính quyền Biden-Harris để giúp phục hồi, thúc đẩy kinh tế Mỹ, hướng đến một nước Mỹ được làm mới”, tuyên bố của NAM nêu.