Giai đoạn hai của Abenomics – Tham vọng và trở ngại

Sau khi tái đắc cử vào cương vị Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố giai đoạn hai của chương trình kích thích kinh tế Abenomics với những mục tiêu được đánh giá là “đầy tham vọng”.

Hệ thống nhà dưỡng lão ở Nhật Bản đang trong tình trạng quá tải.


Abenomics giai đoạn hai gồm có ba mũi tên mới với kinh tế tăng trưởng mạnh, hỗ trợ nuôi dạy trẻ em và cải thiện an sinh xã hội. Ba mũi tên của giai đoạn hai tập trung nhiều vào an sinh xã hội, khác hẳn về chất so với ba mũi tên của giai đoạn một tập trung vào tài chính – tiền tệ gồm nới lỏng chính sách tiền tệ, hoàn thiện các chính sách tài chính và chiến lược tăng trưởng.

 

Mục tiêu tham vọng


Tại cuộc họp báo được tổ chức sau khi Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền chính thức công nhận ông Abe tái cử chức Chủ tịch đảng, Thủ tướng Abe đã đặt mục tiêu tăng 20% GDP, lên mức 600 nghìn tỷ yen (khoảng 5.040 tỷ USD), với lời nhấn mạnh chính sách kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.


Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thường được xem là một mục tiêu của các chính sách kinh tế song ông Abe lần này lại hướng mục tiêu vào tăng GDP. Một cố vấn của ông Abe nhận định nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, nền kinh tế Nhật Bản sẽ trở nên có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, có vẻ như đây là mục tiêu này quá tham vọng.


Trước hết, trong ba mũi tên của Abenomics giai đoạn một, hai mũi tên nới lỏng chính sách tiền tệ, hoàn thiện các chính sách tài chính được đánh giá đã đem đến những kết quả khả quan như điều chỉnh thành công việc đồng yen tăng giá mạnh và làm tăng giá cổ phiếu, giúp thị trường chứng khoán khởi sắc. Tuy nhiên, mũi tên chiến lược tăng trưởng cho đến nay vẫn chưa đem lại kết quả rõ ràng nào hay nói chính xác hơn là vẫn chưa trúng đích.


Tỷ lệ tăng trưởng GDP âm trong quý II/2015 so với quý trước cho thấy quá trình phục hồi kinh tế Nhật Bản vẫn đang rất khó khăn. Mặc dù các công ty lớn vẫn công bố những chỉ số kinh doanh khả quan song tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất trì trệ.


Thậm chí, số liệu kinh tế mới nhất của tháng 8/2015 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2013. Sức mua trong nước yếu và giá dầu mỏ giảm đã gây ra những tác động tiêu cực đến biện pháp kích thích tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). CPI giảm đồng nghĩa với việc giá cả giảm, phản ánh tâm lý người tiêu dùng giảm bớt mua sắm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp, khiến cho các công ty giảm đầu tư và cuối cùng sẽ dẫn đến giảm lương của lao động.


CPI của tháng Tám thực sự làm gia tăng thách thức đối với nỗ lực của chính phủ nhằm giải thoát kinh tế khỏi tình trạng giảm phát. Thậm chí, sau khi công bố CPI giảm, chính phủ ngay lập tức thay đổi những đánh giá lạc quan về nền kinh tế sang những đánh giá thận trọng hơn như “nền kinh tế đang trên đà phục hồi ở mức vừa phải” và thừa nhận “tình trạng trì trệ” ở một lĩnh vực như tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu. Tất nhiên, rất hiếm khi chính phủ buộc phải đưa ra đánh giá khá mơ hồ về nền kinh tế như trên, song trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi vừa công bố mục tiêu “kinh tế tăng trưởng mạnh” với GDP lên tới 6.000 tỷ yen, việc tránh đưa ra quan điểm rõ ràng là nhằm tránh “dội một gáo nước lạnh” vào những hy vọng về khả năng phục hồi và phát triển của nền kinh tế. 


Thứ hai, GDP của Nhật Bản trong tài khoá 2014 chỉ được khoảng 490 nghìn tỷ yen, tức là còn khá xa so với con số 600 nghìn tỷ của ông Abe. Kể cả khi nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng 2%, thậm chí 3% hoặc hơn, đã là một tỷ lệ tăng trưởng khá cao nếu so với những năm gần đây, thì GDP của Nhật Bản cũng chỉ mới đạt 554 nghìn tỷ yên trong tài khoá 2018, thời điểm nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của ông Abe kết thúc. Căn cứ vào số liệu trên, mức 600 nghìn tỷ yen chỉ có thể đạt được vào tài khoá 2021. Đã có những tiếng phàn nàn trong nội bộ LDP rằng con số 600 nghìn tỷ yen là không thực tế.


Gánh nặng an sinh xã hội


Điều khác biệt lớn giữa Abenomics giai đoạn một với Abenomics giai đoạn hai chính là việc Thủ tướng Abe tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện chính sách an sinh xã hội. Điều này có thể lý giải được do gánh nặng mà cơ cấu dân số già đang đặt lên vai nền kinh tế.


Theo số liệu điều tra của Bộ Thông tin và các vấn đề đối nội, tình trạng thiếu hụt nhà dưỡng lão đã làm tăng mạnh số người già cần chăm sóc, khoảng 150.000 người, hầu hết ở cấp độ 3 (trong hệ thống 5 cấp độ) hoặc cao hơn, tức là không tự chăm sóc được bản thân, cần sự hỗ trợ đặc biệt. Tình trạng này kéo theo thực tế hàng năm có khoảng 100.000 người trong độ tuổi lao động bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già. Hầu hết những người bỏ việc ở độ tuổi 40 và 50, được coi là độ tuổi lao động tốt nhất. Tình trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có vài nhân công.


Từ thực trạng này, Thủ tướng Abe đã cam kết tăng thêm số nhà dưỡng lão với mục tiêu đến năm 2020 sẽ không còn người già phải xếp hàng chờ. Điều này sẽ giúp giảm số người trong độ tuổi lao động phải bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, một yếu tố quan trọng trong chiến lược tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn.


Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, tính đến năm 2025, Nhật Bản phải cần tới 2,53 triệu lao động làm việc trong các nhà dưỡng lão. Nếu như tỷ lệ lao động tham gia và rời bỏ công việc điều dưỡng tiếp tục diễn biến như tốc độ hiện nay thì Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 377.000 lao động trong lĩnh vực này. Như vậy việc tăng số nhà dưỡng lão theo mục tiêu của ông Abe thậm chí có thể làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt lao động.


Bên cạnh đó, việc xây dựng và vận hành các nhà dưỡng lão đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Số người làm việc cho các nhà dưỡng lão tăng thì chi phí để thuê những lao động này sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với chăm sóc người già tại nhà. Chi phí bảo hiểm điều dưỡng tăng sẽ làm gia tăng gánh nặng kinh tế đối với người dân. Rõ ràng, việc tăng số nhà dưỡng lão cần được xem xét kết hợp với việc phát triển dịch vụ chăm sóc người già tại nhà, điều này có thể giúp giảm chi phí an sinh xã hội.


Từ tài khoá 2016, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội tăng trợ cấp cho các công ty nhằm hỗ trợ nhân viên cân đối giữa công việc với trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Ngoài ra, hiện nay, Bộ này đang cân nhắc trình dự luật sửa đổi, theo đó, tăng thêm số lần cho lao động được tạm nghỉ để chăm sóc cha mẹ già, so với mức một lao động được tạm nghỉ một lần như hiện nay.

 

Với những thách thức lớn về tăng trưởng và an sinh xã hội như hiện nay, khả năng chính phủ đương nhiệm hoàn thành được những mục tiêu này đang là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe vẫn tỏ ra rất tự tin. Trong một động thái mới nhất, ông Abe đã thảo luận với Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, một cuộc gặp được đồn đoán là bàn về việc bổ sung những biện pháp kích thích mới nhằm hỗ trợ sức mua của nền kinh tế.


Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN từ Tokyo)
Nhật Bản ấn định thời điểm ban hành đạo luật an ninh mới
Nhật Bản ấn định thời điểm ban hành đạo luật an ninh mới

Chính phủ Nhật Bản quyết định ngày 30/9 sẽ ban hành 2 đạo luật an ninh mới được Quốc hội thông qua hồi cuối tuần trước để mở rộng các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ra nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN