Với sự gần gũi về mặt địa lý và quan hệ truyền thống, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai khu vực này trong giải quyết những thách thức kinh tế, xã hội và an ninh chung được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển, ổn định và hòa bình của hai bên.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh AU-EU tại thủ đô Abidijan ngày 30/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Diễn ra 1 thập kỷ sau khi các nước châu Phi và EU thông qua chiến lược chung với mục đích thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng để giải quyết các vấn đề song phương cũng như những thách thức chung trên toàn cầu, Hội nghị AU - EU lần này là cơ hội để hai bên tái định hình mối quan hệ theo hướng vững chắc và thực chất, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đáp ứng các lợi ích chung. Tình hình thế giới biến động không ngừng thời gian qua khiến chính sách của EU đối với "Lục địa Đen" cũng được điều chỉnh, châu Phi đang trở thành đối tác quan trọng mà EU không thể chỉ đơn thuần tập trung vào vấn đề viện trợ nhân đạo, mà phải thực sự xây dựng mối quan hệ nghiêm túc và can dự tích cực vào khu vực này.
Những thỏa thuận và cam kết được lãnh đạo hai bên đưa ra tại hội nghị một lần nữa cho thấy những vấn đề nóng của châu Phi liên quan mật thiết tới lợi ích của châu Âu và trở thành mối quan tâm của EU. Những thách thức ở châu Phi về an ninh, xã hội, từ xung đột bạo lực, hiểm họa khủng bố, suy thoái môi trường, nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo, mất an ninh lương thực, tỷ lệ thất nghiệp cao trong lực lượng lao động trẻ... chẳng những đang đe dọa làm xói mòn những tiến bộ phát triển của châu Phi, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới châu Âu.
Điều này đã được thể hiện rõ trong nhận thức chung của hai bên, với cam kết phối hợp chặt chẽ trong phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo một tương lai thịnh vượng và bền vững cho châu Phi, trước hết là đầu tư vào thế hệ trẻ với việc EU huy động 44 tỷ euro (52 tỷ USD) cho mục tiêu phát triển bền vững và tạo công ăn việc làm, đặc biệt là trao nhiều cơ hội kinh doanh cho phụ nữ và thanh niên, hay đầu tư vào nguồn nhân lực thông qua các chương trình hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề, phát triển khoa học - kỹ thuật và kỹ năng chuyên môn, các chương trình trao đổi giữa hai châu lục...
Thỏa thuận của hai bên nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư theo tinh thần hợp tác thực chất và chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng luật quốc tế và quyền con người, cũng như thiết lập các tuyến đường hợp pháp cho người di cư, cũng thể hiện hai bên đang rất nghiêm túc trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ liên châu lục.
Với việc thành lập "lực lượng tác chiến chung" giữa EU - AU - Liên hợp quốc, hai bên đều kỳ vọng có thể bảo vệ người di cư và tị nạn trước những nguy hiểm rình rập trên hành trình đến châu Âu và những người đang mắc kẹt tại Libya, cũng như chặn đứng việc ủng hộ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Có thể thấy một kế hoạch “Marshall” đang được EU thiết lập với quyết tâm thúc đẩy một tương lai bền vững tại “Lục địa Đen” vốn còn nhiều bất ổn. Những cam kết chính trị được đưa ra cũng phản ánh quyết tâm của hai bên trong nỗ lực làm mới tính chất của mối quan hệ Âu - Phi hướng đến tương lai.
Có nhiều lý do để AU và EU xích lại gần nhau, song tựu trung vẫn là mối ràng buộc về lợi ích an ninh, kinh tế - xã hội. Đối với châu Âu, việc tăng cường hợp tác với châu Phi trong các vấn đề kinh tế, xã hội như thúc đẩy các khoản đầu tư, viện trợ, tạo việc làm và hỗ trợ cho giới trẻ được xem là một trong những giải pháp giúp ngăn chặn làn sóng người di cư sang châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao ở châu Phi đã và đang làm bùng phát các cuộc biểu tình và thúc đẩy làn sóng di cư đến châu Âu với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Hàng trăm hàng triệu người, đa số là thanh niên, chạy trốn chiến tranh và đói nghèo đã đổ xô lên các điểm vượt biển ở Bắc Phi như Libya để vượt Địa Trung Hải sang châu Âu.
Không những đối mặt với hành trình đầy rủi ro, họ còn là nạn nhân của tình trạng bạo hành và buôn bán nô lệ. Làn sóng người tị nạn trong vài năm qua đang tạo ra một bi kịch nhân đạo trên đất châu Phi, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy tại châu Âu. Bên cạnh đó, sự bất mãn và nỗi chán chường trong giới trẻ châu Phi cũng khiến họ trở thành mục tiêu tuyển dụng của các tổ chức khủng bố vốn đang hoạt động mạnh mẽ ở châu lục này.
Những đối tượng bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan có thể trà trộn vào dòng người di cư để đến châu Âu thực hiện các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu. Do đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai châu lục trong việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của làn sóng di cư, thúc đẩy đầu tư cho giới trẻ, với mục tiêu biến những dòng người di cư thành lực lượng lao động phục vụ phát triển, sẽ giúp EU giảm bớt sức ép từ những dòng người nhập cư từ các nước châu Phi. Điều này không những thúc đẩy một tương lai bền vững cho châu Phi, mà còn góp phần đảm bảo một nền hòa bình, an ninh thực sự cho châu Âu và thế giới.
Nỗ lực làm mới quan hệ với "Lục địa Đen" của EU cũng nhằm cạnh tranh với các quốc gia khác trong cuộc đua giành vị thế và tầm ảnh hưởng tại khu vực còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác này. Bất chấp sự bất ổn kinh tế - xã hội, hoạt động kinh doanh tại nhiều khu vực rộng lớn trên khắp châu Phi đang bùng nổ khi ngày càng có nhiều quốc gia khác ngoài châu Âu đang nỗ lực cạnh tranh và gia tăng sự hiện diện tại khu vực này.
Với tiềm năng to lớn về dầu mỏ và các nguồn nguyên liệu thô, giàu tiềm năng về nhân lực, châu Phi được đánh giá có triển vọng phát triển trong tương lai. Từ năm 2000, châu Phi đã thu hút nhiều giới đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Nhật Bản. Do đó, việc tạo điều kiện cho châu Phi tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ hiện đại thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chương trình xã hội cũng giúp EU hưởng những lợi ích không nhỏ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như cơ hội tiếp cận một thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm hàng hóa của EU.
Ở chiều ngược lại, dù ngày càng nhận được những khoản đầu tư và viện trợ lớn từ các nước ngoài châu Âu, song trên thực tế, EU vẫn là đối tác thương mại, nhà đầu tư nước ngoài chủ chốt của châu Phi, đồng thời là cũng là nhà cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo và phát triển nhiều nhất cho “Lục địa Đen”. Trong năm 2016, EU và các nước thành viên đã hỗ trợ 21 tỷ euro cho các dự án phát triển châu Phi. Năm 2015, các công ty EU đã đầu tư tổng cộng 32 tỷ euro tại châu lục này, chiếm khoảng 1/3 các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài tại đây.
Bên cạnh những khoản viện trợ tài chính trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, châu Phi cũng cần đến sự hợp tác chặt chẽ của châu Âu để giải quyết những thách thức nội bộ, như chống khủng bố, các cuộc xung đột vũ trang, nạn tham nhũng, rửa tiền, cũng như tạo lập tương lai cho giới trẻ. Điều này giúp thúc đẩy một châu Phi thịnh vượng, ổn định và hòa bình với môi trường đầu tư hấp dẫn, giúp các thành viên AU thu hút các nguồn ngoại lực cho phát triển. Việc thu hút đầu tư từ bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự gắn kết các nền kinh tế của châu Phi với nhau và với nền kinh tế thế giới.
Với những lợi ích đan xen, các nước châu Âu và châu Phi, hai khu vực có mối liên kết văn hóa và kinh tế lâu đời cũng như có ảnh hưởng lẫn nhau, đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương thông qua giải quyết những thách thức chung, thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững. Trong mối quan hệ này, châu Phi có cơ hội tranh thủ sự trợ giúp và hợp tác với EU để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp tình trạng bất bình đẳng, đảm bảo tương lai ổn định bền vững trong khu vực.
Ngược lại, đối với EU, một châu Phi ổn định và thịnh vượng sẽ là một nhân tố góp phần tạo cơ hội cho giới đầu tư và kinh doanh của châu Âu, cũng như đảm bảo an ninh cho chính EU. Trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang ngày càng phức tạp, mối quan hệ đối tác bình đẳng giữa các nước châu Âu và châu Phi đang trở thành động lực để hai bên phát triển hợp tác chiến lược hiệu quả vì lợi ích chung.