Đột phá táo bạo trong nội các của ông Donald Trump - Bài cuối

Do ông Trump chưa từng nắm giữ một chức vụ gì trong chính quyền và thiếu kinh nghiệm về quân sự nên dư luận rất quan tâm tới các đề cử nội các của ông.

DƯ LUẬN NHIỀU CHIỀU

Thực tế đúng như vậy khi cả ông Trump và bản thân những người được đề cử đã trở thành tâm điểm “mổ xẻ” của dư luận với nhiều quan điểm trái chiều.

Báo chí đánh giá nội các của ông Trump là gồm toàn những nhân vật theo đường lối bảo thủ. Tạp chí Newsweek nhận định đây là “nội các bảo thủ nhất lịch sử Mỹ”. Tờ The Hill mô tả nội các tương lai của ông Trump là “nhóm phi chính thống”. Còn tạp chí Phố Wall nhận định gần như không thể xác định được rõ ràng tư tưởng của các thành viên nội các mới.

Mỗi thông báo đề cử nội các của ông Trump lại vấp phải chỉ trích của giới truyền thông Mỹ vốn không ưa ông kể từ khi ông chập chững bước vào cuộc tranh cử tổng thống. Khi Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil là ông Rex Tillerson được đề cử vào chức ngoại trưởng, báo chí đã đặt dấu hỏi vì ông Tillerson vốn thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và từng công khai chỉ trích việc Mỹ trừng phạt Nga. Khi mà tình báo Mỹ cáo buộc Nga bí mật can thiệp vào bầu cử Mỹ (cáo buộc bị Nga và ông Trump bác bỏ), thì cũng dễ hiểu tại sao báo chí Mỹ lại không ưa đề cử ngoại trưởng của ông Trump.

Ông Rex Tillerson được ông Trump chọn làm ngoại trưởng.

Khi ông Trump chọn thượng nghị sĩ Jeff Sessions làm Tổng chưởng lý, báo chí ngay lập tức mổ xẻ quá khứ bất thường của ông này, cho rằng ông quá phân biệt chủng tộc và từng phản đối luật thành kiến về sắc tộc. Với đề cử Bộ trưởng Lao động là Tổng Giám đốc chuỗi nhà hàng ăn nhanh CKE, ông Andy Puzder, báo chí cho rằng ông này sẽ không bảo vệ người lao động Mỹ vì phản đối tăng lương tối thiểu, muốn thay thế công nhân bằng máy móc với lý do máy móc “luôn lịch sự, thân thiện, không bao giờ nghỉ, không bao giờ đi làm muộn, không bao giờ ngã, không bao giờ phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác”. 

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều đề cử bị truyền thông Mỹ “vùi dập” từ khi mới được ông Trump xướng tên. Tuy nhiên, với một số nhà báo Mỹ, hành động “đánh hội đồng” của báo chí chính thống nói trên thể hiện sự “lười suy nghĩ”. Nhà báo Tucker Carlson thuộc kênh Fox News nhận định rằng nhiều người trong giới báo chí chỉ đơn giản là thích mạt sát thay vì đề cập tới các chính sách cụ thể. Ông Carlson cho biết ông tin rằng mọi ứng cử viên trong nội các và đội ngũ cố vấn của ông Trump cần được đánh giá bởi các tờ báo độc lập, thông minh và thiết thực thay vì tình trạng “hùa nhau” như hiện nay. Ông nói: “Hãy nói cho tôi biết bạn thấy điều gì sai với ông Rex Tillerson hay bất kỳ ai, hay là bạn chỉ bác bỏ thẳng thừng những người này mà không cần nói rõ xem họ như thế nào mà lại không phù hợp với công việc đó?”.

Trong khi báo chí Mỹ tỏ ra “hằn học” với các lựa chọn của ông Trump thì nhiều cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông Trump lại khá hào hứng. Họ cho rằng vị tổng thống đắc cử đang làm đúng những gì mà ông hứa: rút cạn đầm lầy. Với họ, việc một bộ trưởng quốc phòng có biệt danh là “chó điên”, hay một bộ trưởng năng lượng từng tuyên bố sẽ xóa sổ Bộ Năng lượng, hay một ngoại trưởng thân Nga không phải là vấn đề. Họ cũng cho rằng túi tiền rủng rỉnh của các thành viên nội các là một lợi thế, không phải trở ngại.

Một số đề cử nội các bị phe Dân chủ, cựu quan chức chính phủ và một số thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích vì thiếu kinh nghiệm, quá nhiều tiền và mối quan hệ không bình thường với bộ ngành mà họ sẽ lãnh đạo. Tuy nhiên, với nhiều cử tri Mỹ, việc ông Trump đề cử “người ngoại đạo” vào nội các khiến họ thích thú, phấn khích. Cử tri Roger Mansfield 67 tuổi, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Pennsylvania nói: “Những người mà ông Trump đề cử không cần làm công việc này thì họ đã giàu có rồi. Họ không cần thêm tiền nữa. Mục đích chọn họ là để họ có thể đưa ra những quyết định thực tế và có lý trí về mặt kinh doanh. Điều đó thì có gì sai?”. Ông Mansfield tin tưởng ông Trump sẽ hành động vì lợi ích cao nhất của nước Mỹ: “Chúng ta phải tin tưởng ông ấy. Ông ấy sẽ là tổng thống của chúng ta. Mong ông ấy thất bại chả khác gì việc lên máy bay mà hi vọng hai phi công không biết làm gì”.

Quả đúng như vậy, ông Trump chắc chắn sẽ là “cơ trưởng” của chuyến bay mang tên nước Mỹ ít nhất trong 4 năm nữa. Nếu như những “hành khách” không hợp tác, không tin tưởng “cơ trưởng” thì sẽ không thể có một chuyến bay an toàn.
Thùy Dương
Đột phá táo bạo trong nội các của ông Donald Trump- Bài 1
Đột phá táo bạo trong nội các của ông Donald Trump- Bài 1

Nội các và đội ngũ cố vấn của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang trong giai đoạn cuối quá trình hoàn thiện. Không giống với nội các của ông Barack Obama hay George Bush, nội các của ông Trump có nhiều doanh nhân giàu có và ít kinh nghiệm chính trị. Các nhà phân tích nhận định nội các phản ánh đúng đặc điểm của ông Trump và là thay đổi táo bạo nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN