Từ năm 2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chọn ngày sinh của anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi, người dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân Ấn Độ khỏi ách cai trị của thực dân Anh, để truyền đi thông điệp về phi bạo lực, để nuôi dưỡng một nền văn hóa vì hòa bình, xây dựng trên đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, để mọi dân tộc có thể sống hòa thuận trong sự tôn trọng và hướng tới sự đa dạng phong phú của nhân loại.
Lãnh tụ Mahatma Gandhi, hay “Tâm hồn vĩ đại” như lời người Ấn Độ, đã trở thành người truyền cảm hứng cho hàng triệu người, thông qua tư tưởng "nói không" với sự chia rẽ và thù hận, ủng hộ lẽ phải, giải quyết các mâu thuẫn thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình.
Trong thế kỷ XXI nhiều biến động, cả cộng đồng quốc tế đang phấn đấu cho mục tiêu “vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững”. Tuy nhiên, xung đột và chiến tranh vẫn chưa chấm dứt ở nhiều vùng đất, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn, nguy cơ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp vẫn hiện hữu, khủng bố và cực đoan vẫn là mối đe dọa thường trực…
Nhiều cuộc xung đột trên thế giới đang trở nên căng thẳng và phức tạp hơn, khiến nhiều người bị tổn thương hơn. Có thể kể ra như, Libya, quốc gia Bắc Phi đã rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang với sự tồn tại của hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.
Theo thống kê của LHQ, hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại đây, hàng triệu trẻ em đang đối mặt với mối đe dọa trực tiếp do các cuộc giao tranh giữa những phe đối địch của Libya. Cuộc khủng hoảng tại Libya cũng đẩy trăm nghìn người phải tìm cách vượt Địa Trung Hải để trốn khỏi bạo lực để rồi hàng chục nghìn người bỏ mạng trên biển.
Ngoài ra, các cuộc xung đột vũ trang tại Syria, Iraq, Afghanistan, Yemen… cũng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa phải tha hương. Trong rất nhiều trường hợp, khi các bên quay lưng với đối thoại, thì xung đột và bạo lực dễ dàng nổ ra mà hậu quả của nói đôi khi vượt quá tầm kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, ý nghĩa của lòng khoan dung và tinh thần vị tha tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt đường lối hành động của các quốc gia cũng như nhân loại đến với hòa giải và hòa bình.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế phi bạo lực năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi cộng đồng tiếp tục các công việc mà vị anh hùng dân tộc Ấn Độ đã khởi xướng nhằm thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và nhân quyền cho tất cả mọi người trên thế giới.
Chủ trương thúc đẩy đối thoại thay vì đối đầu hay sử dụng vũ lực trong giải quyết mâu thuẫn đã và đang được triển khai.
Nhằm giải quyết tình hình khủng hoảng tại Syria, LHQ cũng như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thúc đẩy hai tiến trình hòa bình song song. Sau hàng trăm cuộc gặp và nỗ lực đàm phán của các bên, kế hoạch thành lập ủy ban soạn thảo Hiến pháp, cốt lõi của tiến trình chính trị cho Syria, đã được thông qua tại hội nghị Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga) hồi tháng 1.
Gần đây các bên tiếp tục đạt được nhất trí trên nguyên tắc 2/3 danh sách thành viên ủy ban dẫn dắt quá trình sửa đổi Hiến pháp tại Syria, một "bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn" trong bối cảnh tình hình thực địa quốc gia Trung Đông này đang vô cùng rối ren và tiến trình đàm phán đình trệ gần nửa năm qua.
Những tiến trình đối thoại nhằm mang lại hòa bình tương tự cũng đang được tiến hành cho các cuộc xung đột từ nhỏ đến lớn trên khắp thế giới.
Thực tế đã chứng minh đối thoại có thể mang lại những kết quả tốt đẹp vượt mong đợi. Nổi bật nhất trên chính trường quốc tế từ đầu năm 2018 đến nay là những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Đầu năm 2018, trong thông điệp chúc mừng năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ mong muốn đối thoại với lãnh đạo Hàn Quốc đồng thời đưa ra những động thái tích cực. Đây là sự chuyển đổi thái độ đầu tiên đã giúp mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul, được đánh dấu bằng 3 cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.
Tương tự, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng chuyển biến tốt đẹp sau khi hai nhà lãnh đạo mong muốn đối thoại, sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6 và sau những động thái mang tính hòa giải, tránh đối đầu căng thẳng từ các bên.
Thay vì những động thái mang tính đe dọa phát động chiến tranh, hai bên cử các phái đoàn đến thăm lẫn nhau, trao đổi quan điểm, lập trường để tìm ra cách mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, sự ổn định cho khu vực Đông Bắc Á cũng như cả thế giới.
Những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên hay tại nhiều nơi trên thế giới cho thấy xung đột và bạo lực có thể lan rộng, nhưng cũng có thể được ngăn chặn bằng giải pháp hòa bình, tất cả phụ thuộc vào thiện chí và hành động của con người.
Cộng đồng quốc tế chỉ có thể xây dựng một thế giới không có bạo lực nếu các dân tộc tăng cường sự hiểu biết, thông cảm và chia sẻ lẫn nhau, có sự thấu hiểu và bao dung.
Đó cũng là thông điệp truyền đi nhân Ngày quốc tế phi bạo lực: hòa giải và đối thoại là chìa khóa để mở cánh cửa tới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.