Đối thoại chính trị tại Venezuela - Vạn sự khởi đầu nan

Trong suốt hơn một thập kỷ nắm quyền của Chính phủ cách mạng Bolivar, phe đối lập Venezuela chưa bao giờ ngừng thực thi các âm mưu chống phá, gây bất ổn định chính trị, xã hội và kinh tế nhằm lật đổ chính quyền.

 

Tổng thống Maduro (giữa) trong cuộc gặp với đại diện phe đối lập tại Caracas ngày 8/4. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Song lần đầu tiên họ đã chấp nhận ngồi vào bàn đối thoại để cùng với các đại diện của Chính phủ thảo luận giải pháp cho tình trạng bất ổn chính trị - xã hội kéo dài suốt hai tháng qua bắt nguồn từ các cuộc biểu tình bạo lực do một bộ phận cực đoan của phe đối lập phát động, và xa hơn nữa là những vấn đề kinh tế và an ninh xã hội mà quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt.


Trong bối cảnh đất nước Venezuela đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ cố Tổng thống Hugo Chavez cách đây đúng 10 năm, Chính phủ của đương kim Tổng thống Nicolas Maduro đã nhiều lần đưa ra lời đề nghị đối thoại với phe đối lập để tìm kiếm giải pháp hòa bình, đề xuất những phương thức cùng tồn tại trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp, ý nguyện của nhân dân, tạo môi trường chính trị -xã hội ổn định để phát triển kinh tế đất nước vì lợi ích của người dân.


Ngay trong lời phát biểu khai mạc cuộc họp giữa các đại diện Chính phủ và phe đối lập hôm 10/4, Tổng thống Maduro đã nhấn mạnh trước tiên, cả hai bên cần phải thừa nhận và tôn trọng lẫn nhau, sự khác biệt về khuynh hướng và tư tưởng là rõ ràng, song trên tất cả là lợi ích của nhân dân và Chính phủ sẵn sàng thảo luận về tất cả các vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Venezuela cũng khẳng định đối thoại không đồng nghĩa với việc Chính phủ phải thỏa hiệp hay thương lượng với phe đối lập về hướng đi của cuộc cách mạng Bolivar, bởi vì tiến trình do Tư lệnh Chavez khởi xướng là không thể đảo ngược và đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân Venezuela.


Một số chuyên gia phân tích đánh giá việc triệu tập thành công phiên họp đầu tiên với các nhân vật chủ chốt của phe đối lập, trong đó có cả ứng cử viên tổng thống hai lần thất cử Henrique Capriles, điều phối viên của liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) Ramon Guillermo Aveledo, hay thủ lĩnh Đảng Hành động Dân chủ Henry Ramos Allup, là một bước tiến tích cực của Chính phủ và nền dân chủ Venezuela vì mục tiêu lâu dài. Trong một xã hội có sự phân hóa chính trị rõ ràng thì đối thoại là giải pháp có thể sẽ đem lại lợi ích cho các bên, và đặc biệt là người dân sẽ không phải sống trong lo ngại, xã hội không bị xáo trộn vì những hành động của một số nhóm cực đoan.


Các quan chức Chính phủ tham dự phiên họp đều nhất trí cho rằng cần phải lên án những hành động bạo lực kéo dài suốt 2 tháng qua, gây ra tình trạng bất ổn định xã hội kéo dài và ảnh hưởng tới cuộc sống của đại đa số nhân dân Venezuela. Ngoại trưởng Elias Jaua khẳng định việc không tôn trọng nguyện vọng của người dân chính là vấn đề gốc rễ dẫn tới những bất đồng hiện nay, trong khi Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello kêu gọi phe đối lập chấm dứt hành động bạo lực và tham gia Ủy ban Sự thật do Chính phủ khởi xướng để làm rõ tình trạng bạo lực bùng phát từ hôm 12/2.

 

Về phần mình, Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề kinh tế Rafael Ramirez cho rằng những khó khăn kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt có nguồn gốc từ cuộc chiến tranh phá hoại kinh tế mà các thế lực chống đối ở trong và ngoài nước tạo ra với mục tiêu sâu xa là nhằm lật đổ chính quyền. Ông khẳng định nếu Venezuela thực sự đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, thiếu thốn lương thực thì những người đầu tiên đổ ra đường sẽ là tầng lớp người nghèo chiếm đa số ở Venezuela, chứ không phải những nhóm trung lưu và sinh viên bị một bộ phận cực đoan đối lập kích động như đang diễn ra. Phó Tổng thống Ramirez chỉ rõ cuộc cách mạng do cố Tổng thống Chavez khởi xướng đã đem lại cho người dân Venezuela một tương lai dân chủ và độc lập, đất nước đã khôi phục ngành công nghiệp dầu mỏ đáp ứng nhu cầu và lợi ích nhân dân, giảm tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp thông qua mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.


Trong khi đó, mặc dù vẫn không ngừng công kích hoạt động của Chính phủ, song việc một bộ phận của liên minh đối lập quyết định tham gia đối thoại về tương lai của đất nước cho thấy họ cũng thừa nhận rằng trong một xã hội hiện đại không thể giành chính quyền bằng các hành động bạo lực, đi ngược lại nguyện vọng của đa số nhân dân. Dù không muốn, nhưng họ cũng cần phải thừa nhận “chủ nghĩa Chavez” đang là lực lượng chính trị lớn nhất và có sức hút mạnh nhất hiện nay tại Venezuela. Mặc dù vậy, một bộ phận cực đoan của phe đối lập, trong đó có cựu nghị sỹ Maria Machado và thủ lĩnh Đảng Ý chí Nhân dân (Voluntad Popular), vẫn theo đuổi con đường đấu tranh bạo lực, từ chối cuộc đối thoại với Chính phủ để tìm cách tiếm quyền trong thời gian sớm nhất. Giới quan sát cho rằng khi những dự án chính trị chưa thực sự rõ ràng, nội bộ chưa thực sự thống nhất như hiện nay thì phe đối lập Venezuela chưa thể là lực lượng dẫn dắt đất nước phát triển và vì vậy, họ cần phải có thái độ hợp tác với Chính phủ để giải quyết những vấn đề chung của đất nước.


Cuộc gặp đầu tiên giữa chính phủ và phe đối lập tại Venezuela kéo dài hơn 6 giờ chưa đem lại kết quả cụ thể nào, song có thể khẳng định đó là bước đi đầu tiên hết sức thuận lợi để hai bên thảo luận về những vấn đề trọng đại của đất nước. Một sự khởi đầu khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị được thể hiện từ cả hai phía, hy vọng rằng cuộc đối thoại này sẽ giúp cho Venezuela sớm chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội hiện nay để tập trung cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.


Phạm Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

Tổng thống Venezuela đồng ý gặp phe đối lập
Tổng thống Venezuela đồng ý gặp phe đối lập

Đáp lại lời kêu gọi của các nhà ngoại giao hàng đầu ở Nam Mỹ về một giải pháp cho tình hình căng thẳng trong nước hiện nay, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đồng ý gặp gỡ một đoàn đại biểu của phe đối lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN