Đầu tư của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu: Mặt trái tấm huy chương

Chính sách các nước Trung và Đông Âu thu hút đầu tư, tăng cường quan hệ một cách mạnh mẽ với Trung Quốc tác động tiêu cực tới mối quan hệ với nước đồng minh truyền thống là Mỹ.

Đó là nhận định trong bài báo mới đăng trên trang mạng www.tol.org của chuyên gia Prem Mahadevan thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề an ninh ETH Zurich, Thụy Sỹ.

Khung cảnh tại cảng Piraeus. Ảnh: Reuters

Bài báo viết: “Dường như chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông không có mối liên hệ nào với khu vực Trung và Đông Âu. Trung Quốc đang tìm cách áp đặt sự kiểm soát ở Biển Đông, hạn chế hoạt động của các tuyến hàng hải đi ngược lại với Công ước của Liên hợp quốc cũng như sử dụng các tàu hải giám và tàu chiến nhằm đẩy mạnh việc mở rộng lãnh thổ. Trong thực tếTrung Quốc đã sử dụng ngoại giao “súng đạn” ở Biển Đông.


Xét trong dài hạn, Prague hay Vacsava cần quan tâm tới việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bởi vì tại thời điểm nào đó các nước này, cũng như các nước khác trong khu vực, có thể sẽ được yêu cầu phải lựa chọn chỗ đứng trong tranh chấp trên.


Chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” trên biển mà Trung Quốc đang triển khai nhằm mục đích làm suy giảm vai trò cũng như vị thế của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đang sử dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, quân sự và văn hóa nhằm khai thác những điểm bất đồng giữa các đối thủ của nước này. Mâu thuẫn giữa những quan ngại về vấn đề an ninh và lợi ích ích kinh tế đã và đang tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng liên minh nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.


Kể từ năm 2007, khi Trung Quốc gây áp lực buộc tập đoàn BP của Anh phải rút khỏi dự án hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam, Bắc Kinh đã nhận ra sức mạnh của đồng tiền trong việc tác động đến quan điểm của các nước châu Âu.


Một năm sau đó châu Âu được chứng kiến động thái đầu tiên của việc triển khai chiến lược ngoại giao “tiền tệ” của Trung Quốc khi một công ty quốc doanh của nước này mua lại cảng Piraeus ở Hy Lạp. Cảng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nước Trung Âu với thị trường Trung Quốc nếu như dự án đầy tham vọng “Một vành đai, một con đường” được hoàn thành.


Việc triển khai dự án “Một vành đai, một con đường” nhằm mục đích kết nối châu Âu với châu Á bằng đường bộ và đường biển. Trong khi những lợi ích của việc tham gia dự án này vẫn chủ yếu dựa trên những đánh giá, dự báo trong tương lai (chẳng hạn như ổn định chính trị ở các nước tham gia), các nước đối tác của Trung Quốc có khả năng sẽ làm ngơ trước những chỉ trích về chính sách hiện nay của Bắc Kinh. Ví dụ điển hình thể hiện qua các động thái của Séc đối với những người biểu tình ủng hộ Tây Tạng trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 3/2016.


Vấn đề hiện nay của các nước Trung và Đông Âu là cần xem xét, đánh giá về thiện chí thực sự của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc đã đầu tư gần 1 tỉ USD để mua lại một số tập đoàn tài chính, truyền thông, vận tải, sản xuất bia của Séc, đem lại nguồn đầu tư lớn cho việc phát triển kinh tế của nước này.


Nhưng ngược lại, những thỏa thuận này lại không mở rộng việc tiếp cận của các doanh nghiệp Séc đối với thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp châu Âu đang gặp khó khăn trong hoạt động tại thị trường Trung Quốc do các quy định ngặt nghèo của nước này. Hơn nữa, việc mua lại các tập đoàn truyền thông chủ yếu nhằm tăng cường khả năng tuyên truyền về chính sách của Trung Quốc đối với người dân châu Âu-chiến lược truyền thông mà Trung Quốc đã và đang triển khai từ lâu tại các nước châu Á.


Để thu hút đầu tư, Chính phủ Séc đã hạn chế đề cập đến các vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương như dân chủ và nhân quyền. Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã cố gắng đưa các tuyên bố về Đài Loan và Tây Tạng vào dự thảo thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Mặc dù tại thời điểm đó Séc đã từ chối vấn đề này, tuy nhiên quan điểm của của Prague hoàn toàn có khả năng thay đổi trong tương lai.


Việc ủng hộ các lợi ích của Trung Quốc ở châu Âu luôn đi kèm với những hậu quả nguy hiểm không mong muốn. Việc Hungary kêu gọi EU công nhận “quy chế kinh tế thị trường” (MES) của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa các doanh nghiệp châu Âu do sự tràn ngập của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.


Do lo ngại những tác động tiêu cực về kinh tế, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu chống lại việc công nhận MES cho Trung Quốc. Hậu quả do việc ủng hộ Trung Quốc có thể không quá lớn đối với Hungary do Hungary có chính sách củng cố quan hệ đồng thời với EU và Liên minh Âu-Á. Tuy nhiên, một động thái tương tự từ Séc sẽ khiến Prague phải trả giá đắt đối với uy tín của nước này trong cộng đồng Âu-Mỹ.


Trong khi chính phủ các nước Trung và Đông Âu lo ngại nỗ lực mở rộng Liên minh Kinh tế Á-Âu của Nga cạnh tranh với vai trò, vị thế của EU thì các nước này dường như lại không lo lắng đối với các động thái tương tự của Trung Quốc. Một phần nguyên nhân của vấn đề này có thể xuất phát từ những lý do về địa chính trị và lịch sử. Các nước Trung và Đông Âu không coi sự mở rộng ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực là mối đe dọa đối với chủ quyền, lãnh thổ.


Mặc dù vậy Nga và Trung Quốc có sự tương đồng về mục tiêu và phương pháp trong việc triển khai chính sách đối ngoại. Cả Moskva và Bắc Kinh đều mong muốn đóng vai trò chi phối về chính trị đối với các nước láng giềng và sử dụng các hợp đồng kinh tế, thương mại như là công cụ nhằm gia tăng ảnh hưởng ở các khu vực trung lập (Nga sử dụng công cụ khí đốt còn Trung Quốc sử dụng tiền).


Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, của Nga đồng nghĩa với việc thu hẹp phạm vi chi phối của Mỹ. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi 6 quốc gia công khai ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông cũng ủng hộ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trong khi NATO và các nước thành viên EU đang cố gắng kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Nga thì hầu như lại chưa có động thái nào nhằm hạn chế sự bành trướng về kinh tế của Trung Quốc.


Các nước Trung và Đông Âu cần nhận thức được tính chất mạo hiểm trong hoạt động của các công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc chủ yếu nhắm tới và tìm cách nhanh chóng chiếm lĩnh các thị trường mà ở đó, quy định và luật lệ chưa thực sự hoàn thiện. Việc kêu gọi Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng đường sắt, đường bộ sẽ có thể tạo ấn tượng về sự yếu kém về cơ sở hạ tầng ở một số quốc gia hậu Xôviết trong khu vưc cũng như việc sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để thu hút đầu tư nước ngoài.


Tuy nhiên, các quốc gia phát triển trong khu vực như Séc và Ba Lan không thực sự ở trong tình trạng này. Sự thỏa hiệp đối với các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền cuối cùng có thể dẫn tới việc các nước này im lặng trong trường hợp Mỹ triển khai chính sách quyết đoán hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này sẽ khiến các nước trong khu vực trở thành điểm yếu trong liên minh phương Tây để Nga và Trung Quốc tiếp tục khai thác.


Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Séc)
Mỹ nghi ngờ cam kết của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông
Mỹ nghi ngờ cam kết của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông

Nghi ngờ này được Giám đốc Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau khẩn cấp đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN