Đầu tư cho văn minh và công bằng xã hội

Chị Sibel là một cư dân của thành phố Bursa của Thổ Nhĩ Kỳ. Trải qua tuổi thơ hứng chịu đòn roi của cha và các anh trai, rồi cuộc sống sau khi kết hôn ở tuổi 14 vẫn chỉ là chuỗi ngày dài “không có gì ngoài đánh đập”, chị quyết định ly hôn. Bà mẹ đơn thân 43 tuổi đang nuôi dạy 3 đứa con này đã tìm lối thoát khỏi địa ngục, nhưng những vết sẹo trên thân thể cùng ký ức về những ngày tháng kinh hoàng đó là vết thương mãi mãi không lành. Câu chuyện của chị chỉ là một trong số hàng trăm triệu mảnh đời bất hạnh trên thế giới, là nạn nhân của "bóng ma" dai dẳng mang tên bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Chú thích ảnh
Phụ nữ và trẻ em Syria sơ tán khỏi khu vực chiến sự ở tỉnh Idlib, tới một trại tị nạn ở thị trấn Afrin, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/2/2020. Ảnh (minh họa): AFP/TTXVN

Theo Báo cáo Chỉ số thể chế xã hội và bình đẳng giới toàn cầu 2023 (SIGI 2023) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khoảng 736 triệu phụ nữ trên thế giới từng bị bạo hành về thể xác và tâm lý (30% từ 15 tuổi trở lên). Con số này có nghĩa là trong số 3 phụ nữ lại có 1 người từng là nạn nhân của bạo lực, chưa kể bị quấy rối tình dục. Năm ngoái, gần 89.000 phụ nữ và trẻ em gái bị giết có chủ ý, mức cao nhất được ghi nhận trong hai thập niên qua. Khoảng 48.800 trường hợp (tương đương 55%) bị bạn tình hoặc người thân ra tay. Nghĩa là trung bình mỗi ngày có hơn 133 phụ nữ hoặc trẻ em gái bị giết hại ngay tại nhà của họ. Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC) Ghada Waly nhấn mạnh: "Số vụ sát hại phụ nữ đáng báo động là lời nhắc nhở rõ ràng rằng nhân loại vẫn đang phải vật lộn với sự bất bình đẳng và bạo lực sâu xa đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Bạo lực giới xảy ra khắp nơi trên thế giới, không loại trừ khu vực nào. Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ khi UNODC công bố ước tính khu vực (năm 2013), châu Phi đã vượt châu Á và trở thành khu vực có tổng số nạn nhân bị bạo lực cao nhất (20.000 người). Số lượng nạn nhân so với quy mô dân số nữ tại "Lục địa Đen" cũng cao chưa từng có (2,8/100.000 phụ nữ). Trong giai đoạn 2017-2022, các vụ sát hại phụ nữ do bạn tình hoặc người thân ra tay ở Bắc Mỹ tăng 29%. Mức tăng ở vùng Caribe là 8%. Trái lại, Trung và Nam Mỹ giảm lần lượt là 10% và 8%. Trong giai đoạn 2010-2022, châu Âu ghi nhận mức giảm 25%. Do nguồn dữ liệu hạn chế nên việc ước tính những xu hướng này chưa thể thực hiện được ở châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.

Bạo lực đối với nữ giới bao gồm các hình thức bạo hành về tinh thần, thể xác, quấy rối tình dục… xảy ra trong gia đình, ở nơi làm việc, học tập, nơi công cộng hay trên không gian mạng. Đặc biệt, phụ nữ cũng là những nạn nhân chính của các cuộc xung đột tại nhiều nơi trên thế giới. Chỉ trong 1 tháng đầu xung đột bùng phát ở Dải Gaza, hơn 3.100 phụ nữ và 4.600 trẻ em đã bị cướp đi mạng sống.

Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất; là vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu, gây các tác động tiêu cực theo cấp số nhân đối với các nền kinh tế, chính trị và xã hội. Ước tính kinh tế toàn cầu thiệt hại gần 1.500 tỷ USD mỗi năm do hậu quả của vấn nạn bạo lực này. Các cú sốc khác nhau và đồng thời - đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, xung đột… - cùng những “luật bất thành văn” mang tính phân biệt đối xử dai dẳng khiến thế giới vẫn còn cách xa mục tiêu thứ năm trong các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030, đó là "Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi”.

Đến nay, ít nhất 162 quốc gia đã thông qua luật về chống bạo lực gia đình; 154 quốc gia có luật về chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Trong giai đoạn 2019-2023, có thêm 21 quốc gia ban hành cải cách pháp lý nhằm chống tảo hôn, một trong những nguyên nhân gốc rễ gây bạo lực. Đặc biệt, sáng kiến Spotlight, một quan hệ đối tác giữa Liên minh châu Âu và LHQ nhằm chấm dứt mọi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030, đang được đánh giá như một hình mẫu đầy hứa hẹn. Trong khuôn khổ sáng kiến này, gần 500 luật và chính sách đã được ký kết hoặc củng cố; khoảng 2,5 triệu phụ nữ và trẻ em gái đã tiếp cận các dịch vụ về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và giới tính, nhờ vậy hàng nghìn sinh mạng đã được cứu. Tại Việt Nam, hiện tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là hơn 97%, vượt chỉ tiêu đề ra (đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030); duy trì và đạt tỷ lệ 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với nhiều quốc gia là thiếu các nguồn lực tài chính để thực hiện các cam kết bình đẳng giới. Theo LHQ, chỉ khoảng 5% hỗ trợ tài chính của các chính phủ tập trung vào giải quyết bạo lực đối với phụ nữ, và chưa tới 0,2% dành cho việc ngăn chặn bạo lực. Trong chiến dịch trọng điểm 16 ngày hành động Chống bạo lực trên cơ sở giới bắt đầu vào Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, LHQ đưa ra thông điệp “Đoàn kết! Đầu tư để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải tài trợ cho các chiến lược phòng ngừa để chủ động ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới ngay từ đầu, trong bối cảnh chỉ 1/4 số quốc gia có hệ thống theo dõi và phân bổ ngân sách cho bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. LHQ kêu gọi các quốc gia thực hiện các cam kết về bình đẳng giới thông qua thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới.

Tuyên bố của LHQ về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, được Đại hội đồng LHQ thông qua tháng 12/1993, khẳng định phụ nữ được quyền thụ hưởng bình đẳng và được bảo vệ tất cả các quyền con người, bao gồm quyền sống, được bình đẳng, tự do, an toàn cá nhân, được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật và quyền không bị tra tấn hay đối xử, trừng phạt một cách độc ác, vô nhân đạo, hèn hạ, hay bị hạ thấp nhân phẩm. Tròn 30 năm sau, LHQ một lần nữa kêu gọi đầu tư vào việc ngăn chặn và đẩy lùi "đại dịch" bạo lực đối với nữ giới, cũng là đầu tư vào bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đó sẽ là cây cầu vững chắc hướng đến một thế giới, nơi mà bình đẳng giới, vốn được coi là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội, được bảo đảm.

Minh Tâm (TTXVN)
UNESCO ghi nhận tiến bộ trong thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục
UNESCO ghi nhận tiến bộ trong thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục

Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được tiến bộ đáng kể với việc có thêm 50,1 triệu trẻ em gái trên thế giới có cơ hội tới trường kể từ năm 2015. Đây là ghi nhận mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra ngày 11/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN