Những chủ đề chính được các ngoại trưởng G20 thảo luận là vai trò của chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu như một công cụ chủ chốt để giải quyết các thách thức toàn cầu lớn và thúc đẩy sự phục hồi bền vững. Nội dung trọng tâm trên bàn thảo luận là nhu cầu cần tăng cường hợp tác quốc tế và các thể chế đa phương trong các lĩnh vực chính như y tế toàn cầu, phát triển bền vững, hành động khí hậu và thương mại quốc tế, cụ thể là những cách thức nhằm đảm bảo phân phối công bằng thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nêu rõ: "Đại dịch đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách thức ứng phó mang tính quốc tế với các tình huống khẩn cấp vượt ra ngoài biên giới quốc gia".
Các nội dung của hội nghị đã được xác định dựa trên ba đường lối trụ cột trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Italy là “Con người, Hành tinh, Sự thịnh vượng”, đồng thời phù hợp với chủ đề chung “xây dựng lại tốt hơn” nhằm thúc đẩy một nền kinh tế bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi. Mục tiêu của Italy là tăng cường phản ứng của quốc tế với đại dịch, phục hồi nhanh chóng nền kinh tế thế giới dựa trên việc đáp ứng nhu cầu của mọi người, tập trung vào giảm bất bình đẳng, nâng cao vị thế của phụ nữ, tập trung vào thế hệ trẻ và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, thông qua thúc đẩy tạo ra việc làm mới, bảo trợ xã hội và an ninh lương thực.
Bên cạnh cuộc họp của các ngoại trưởng, lần đầu tiên trong lịch sử G20, một cuộc họp liên bộ trưởng ngoại giao và phát triển cũng đã được tổ chức để bàn về việc hỗ trợ cho châu Phi – khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề cả về kinh tế và xã hội do đại dịch. Hội nghị cũng thảo luận về việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong các lĩnh vực phát triển tài chính và cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). "Tuyên bố cấp bộ trưởng ở Matera", tập trung và vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh nguồn cung lương thực đang thiếu hụt do đại dịch COVID-19, là nỗ lực của Italy nhằm cung cấp động lực chính trị cần thiết để đạt được mục tiêu “Không còn người bị đói vào năm 2030”, thông qua việc nâng cao vai trò của Liên minh lương thực do Italy phát động trong Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và nhắc lại cam kết của G20 trong việc xây dựng các chuỗi thực phẩm bền vững và linh hoạt.
G20 đang dẫn đầu trong việc đảm bảo phản ứng quốc tế nhanh chóng đối với đại dịch COVID-19, đồng thời xây dựng sức chống đỡ với những cú sốc liên quan đến sức khỏe trong tương lai. Cách tiếp cận "Một sức khỏe", vốn hình thành nền tảng cho chương trình nghị sự G20 của Italy, ban đầu được đưa ra nhằm tăng cường sự công nhận đối với các nỗ lực y tế của Liên minh châu Âu (EU), đang dần phát triển thành một mạng lưới cấp cao gồm các bên liên quan và các nhà hoạch định chính sách phối hợp với nhau để đạt được các mục tiêu an ninh y tế. Trên hết, sáng kiến này có thể giúp những người tham gia chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng như COVID-19. Thông qua các hội nghị G20, Italy cũng đang thu hút sự tham gia của tất cả các cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, trong các quyết định về an ninh y tế; thúc đẩy trao đổi thông tin y tế giữa các nước một cách hiệu quả; và đẩy nhanh việc phân phối vaccine thông qua các chuỗi cung ứng mạnh và đa dạng hơn.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Italy quyết tâm đạt được các mục tiêu về khí hậu thông qua việc dẫn dắt các cam kết đối với Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Italy đang nỗ lực để tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa các đồng minh và đối tác khi đưa ra chiến lược khí hậu tại Hội nghị cấp cao G20, thông qua cách tiếp cận thực dụng.
Một vấn đề cốt lõi khác trong chương trình nghị sự G20 của Italy là châu Phi. Ngay khi trở thành Chủ tịch G20, Italy đã có những ưu tiên rõ ràng cho quan hệ với châu Phi, trong đó chủ nghĩa đa phương như một công cụ chính để giải quyết các thách thức toàn cầu và hỗ trợ thông qua chương trình COVAX cho các nỗ lực của các nước châu Phi nhằm phục hồi sau đại dịch. Đề xuất của G20, mà Rome đưa ra vào tháng 4/2021, kêu gọi đối thoại với các bên như Trung Quốc về việc đàm phán lại khoản nợ của một số nước châu Phi, bắt đầu là Chad và Ethiopia.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm 2021, Italy đã ưu tiên việc giải quyết những thách thức và khó khăn của thế giới bằng cách xác định và thực hiện những biện pháp ứng phó chung, có phối hợp và bình đẳng, điều đòi hỏi tầm nhìn, đối thoại, sự hiểu biết lẫn nhau và nhận thức sâu sắc về các trách nhiệm toàn cầu chung của cả cộng đồng quốc tế.
Chương trình nghị sự G20 năm nay đã thể hiện quan điểm của Italy trong các vấn đề toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến sức khỏe của con người trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sinh kế của mọi người, nền kinh tế và thương mại quốc tế, tạo thêm gánh nặng cho các vấn đề hệ thống khác, từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng. Đại dịch COVID-19 cũng làm rõ một điều: chúng ta đang sống trong thời đại mà các vấn đề địa phương nhanh chóng trở thành thách thức toàn cầu. Nhưng đây đồng thời là cơ hội để thế giới có thể hợp tác với nhau nhằm đảm bảo sự phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng và nắm bắt cơ hội để xây dựng lại tốt hơn, học hỏi từ trải nghiệm chung và đảm bảo rằng các công cụ và công nghệ hiệu quả, sáng tạo trở thành cơ sở cho một sự phát triển xanh, bền vững và có sức chống đỡ hơn. Tuy nhiên, một tương lai thịnh vượng cũng đòi hỏi thế giới phải khai thác đúng mức các động lực chính của tăng trưởng và đổi mới. G20 đang nỗ lực để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và biến tiến trình số hóa trở thành cơ hội cho tất cả mọi người, tăng năng suất và "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Trong thế giới ngày càng kết nối với nhau, chủ nghĩa đa phương không còn là khái niệm trừu tượng. Đó là chìa khóa để ứng phó với những thách thức toàn cầu và G20, nhóm chiếm hơn 80% tổng GDP toàn cầu, 75% kim ngạch thương mại toàn cầu và 60% dân số thế giới, đang phát huy được vai trò của mình. Điều đó được thể hiện qua kết quả các hội nghị cấp bộ trưởng G20 năm 2021 do Italy tổ chức để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G20, dự kiến vào tháng 10 tới.