Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine sẵn sàng chấp nhận một lệnh cấm bay đối xứng từ phía Nga. Hành động của Ukraine khiến dư luận quốc tế không ít ngạc nhiên. Ngay cả các nước phương Tây cũng chưa thật sự hiểu cách hành xử này của Ukraine. Vậy nguyên nhân nào ẩn chứa đằng sau động thái này?
Theo các nhà phân tích quốc tế độc lập, đằng sau quyết định của chính quyền Ukraine chính là bởi cuộc tranh giành quyền lực ở Kiev hiện vẫn đang tiếp diễn, nhất là lúc này, khi giới lãnh đạo Ukraine đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng, muốn giành lá phiếu ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử trong tháng 10 này, và họ đã không ngại đẩy mối căng thẳng với Nga tăng cao hơn, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đất nước đang có chiều hướng ổn định và những thiệt hại lớn về kinh tế.
Các nhà phân tích quốc tế cũng cho rằng Lệnh cấm bay do Ukraine khơi mào, chắc chắn không làm ảnh hưởng trước nhất tới nước Nga hay các chiến binh đòi độc lập ở vùng Donbass. Ngược lại dường như Ukraine đang tự “làm khó” mình, cấm bay đối với các hãng hàng không Nga, tức là tự chuốc lấy một lệnh trừng phạt đối xứng từ phía Nga.
Máy bay A330 của hãng hàng không Aeroflot (Nga). |
Ai sẽ là người trước tiên chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm bay? Chắc chắn, khi quyết định áp đặt cấm bay Nga, nhà chức trách Ukraine hẳn phải tự trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, để tranh giành quyền lực, giới tinh hoa chính trị Ukraine không ngại đưa ra những quyết định đi ngược lợi ích kinh tế quốc gia, làm tổn hại tới lợi ích của các doanh nghiệp và người dân. Cấm bay đối với các hãng hàng không Nga, chỉ là quân bài làm thỏa mãn những “cái đầu nóng” của những cử tri đặt lòng “tự ái dân tộc” lên trên hết.
Trong khi đó thì theo tính toán của giới chuyên gia, căn cứ con số thực tế trong 8 tháng đầu năm nay, số hành khách bay tuyến Kiev - Moskva và ngược lại đạt 800.000 lượt. Giá vé bay mỗi lượt vào khoảng 7.000-8.000 ruble. Như vậy chỉ cần tính chung cả năm có khoảng 1 triệu lượt khách bay, thì các hãng hàng không của Nga và Ukraine sẽ phải chịu thiệt hại từ 7-8 tỷ ruble, tức là hơn 123 triệu USD, theo giá quy đổi tại thời điểm hiện tại. Từ phép tính nói trên, chúng ta thấy các hãng hàng không Ukraine và Nga sẽ là những pháp nhân phải chịu thiệt thòi trước tiên, song có thể thấy rõ những thiệt hại sẽ còn lớn hơn con số thực tế nói trên rất nhiều.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền Đông. Và với việc “cấm cửa” các hãng hàng không lớn nhất của Nga đến Ukraina, Kiev đang làm trầm trọng thêm cuộc xung đột vốn đã hết sức căng thẳng này. Tuy nhiên, có vẻ như Ukraine đang tính toán sai. Sự căng thẳng mới này giữa Ukraine và Nga càng làm giảm sút sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, vốn đã mệt mỏi với quá nhiều vấn đề phải giải quyết.
Hơn nữa, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria đang góp phần gia tăng sự hợp tác giữa Nga với phương Tây, bởi cuộc chiến đó đang đe dọa những lợi ích chiến lược của phương Tây ở Trung Đông. Chính vì các lý do này, Ukraine một mặt vui mừng và hy vọng Nga phải “dồn sức” cho Syria, sẽ tạm có sự thỏa hiệp nào đó đối với các khu vực miền Đông Ukraine, song mặt khác cũng lo ngại khả năng có sự dàn xếp ngầm nào đó giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc chiến Syria. Và Ukraine không mặn mà với “sự xích lại gần nhau này”. Ukraine lo ngại rằng “Nga càng can dự sâu vào Trung Đông, Ukraine sẽ gặp càng nhiều rắc rối”.
Thời điểm ngày 25/10, khi Nga tuyên bố sẽ cấm bay đối với các hãng hàng không Ukraine đang đến gần. Và mặc dù lúc này phía Nga vẫn đang để rộng đường rút cho Ukraine, khi ngày 8/10, người đứng đầu Cơ quan Hàng không Liên bang Nga, Alexandr Neradko bày tỏ hy vọng phía Ukraine sẽ bãi bỏ lệnh cấm bay đối với các hãng hàng không Nga, khi tình hình chính trị thay đổi. Liệu Ukraine có thay đổi quyết định của mình khi thời gian đếm ngược đang đến gần? Đó là điều không chỉ các doanh nghiệp hàng không hai nước Nga và Ukraine hy vọng.