Chuyên gia Nga nhận diện cuộc khủng hoảng Ukraine

Trong bối cảnh tình trạng leo thang căng thẳng tái diễn ở khu vực miền Đông Ukraine và các lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đã nhất trí tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trong những tuần tới, một nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại Nga đã tham gia một cuộc hội thảo do Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) tổ chức tại Moscow nhằm tìm hiểu về bản chất, sự liên quan của Nga và triển vọng của cuộc xung đột tại Ukraine.

Đặc biệt, một vài chuyên gia nổi tiếng đã đưa ra những báo cáo của họ như Andrey Sushentsov, chuyên gia chính trị thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow tại Đại học Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), và Sergey Markedonov cùng Alexander Gushchin - cả hai chuyên gia đến từ Đại học Khoa học Nhân văn Quốc gia Nga (RSUH).

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát bên ngoài tòa nhà quốc hội Ukraine ngày 31/8. Ảnh: BBC


Theo chuyên gia Sushentsov, những gì đang diễn ra ở Ukraine ngày nay là kết quả từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Ông cho rằng các sự kiện ở Donbass giống như là một cuộc nội chiến. Tất cả điều này chỉ ra rằng cuộc xung đột Ukraine bắt nguồn từ những sai sót mang tính cấu trúc trong hệ thống quốc tế sau năm 1991.

 

Và hôm nay, một trong những thách thức quan trọng đối với Nga và Ukraine là phải giảm sự phụ thuộc lẫn nhau, vốn được hình thành và rất sâu sắc trong thời kỳ Xô viết, để đạt được một sự cân bằng mới. Do có sự phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, tài chính, thương mại, công nghiệp và thị trường lao động, nên mối quan hệ giữa Nga và Ukraine "không thể bị hòa tan một cách nhanh chóng" và quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.

 

Có thể nói sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đã làm trầm trọng thêm tình hình. Ví dụ, năm 2013, Ukraine đã nhận 85% khí đốt và 100% nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân từ Nga. Đây là lĩnh vực không thể bị cắt giảm một cách nhanh chóng trừ phi có những tình huống đặc biệt. Điều này đã dẫn đến việc Nga và Ukraine thường chia rẽ trong lĩnh vực chính trị. Mỗi quốc gia đều nỗ lực để bảo vệ mối quan hệ kinh tế của mình. Tuy nhiên, gần đây nó đã trở nên khó khăn hơn trong việc phân chia ranh giới giữa kinh tế và chính trị. Đó cũng là lý do tại sao Nga hiện đang tìm cách nới lỏng quan hệ với Ukraine.

 

Trong khi đó, quan hệ chính trị giữa hai nước đã xấu đi đáng kể. Theo Chiến lược an ninh quốc gia mới nhất của Ukraine, Nga được coi là một mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của nước này. Ngược lại, Ukraine được mô tả như là một tiền đồn của phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô-viết. Vấn đề này sẽ chi phối lâu dài về các kế hoạch quân sự của Ukraine và khiến cho Nga không có khả năng để làm lành mối quan hệ đối tác với Ukraine.

 

Khủng hoảng bản sắc

 

Một trong những yếu tố thúc đẩy các cuộc xung đột ở Ukraine là cuộc khủng hoảng bản sắc của quốc gia này, được hình thành sau sự sụp đổ của Liên Xô và đã phát triển mạnh khi Kiev muốn hội nhập vào châu Âu và gia nhập NATO. Đặc biệt, ông Sushentsov xác định ở Ukraine có 3 nhóm chính:

 

Nhóm "chủ đạo" bao gồm những người yêu nước, hay những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người tin rằng Ukraine là của người dân Ukraine. Nhóm thứ hai bao gồm những người gốc Nga, những người hiện đang muốn Moscow sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong nền chính trị Ukraine. Nhóm thứ ba bao gồm những người thừa nhận rằng Ukraine cần phải nắm lấy một cơ hội hội nhập và công nhận sự đa dạng vốn được thừa kế sau sự sụp đổ của Liên Xô. Nhóm thứ ba này chủ trương ủng hộ mối quan hệ cân bằng địa chính trị và kinh tế khi nói đến hợp tác với phương Tây và Nga. Tuy nhiên, họ bị coi là bộ phận thứ yếu và ý kiến của họ thường bị gạt sang bên lề.

 

Theo các chuyên gia Nga, xung đột Ukraine hiện nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng bản sắc của nước này. Ảnh: BBC


Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Markedonov cho rằng cuộc khủng hoảng bản sắc là một thách thức rất nghiêm trọng, bởi vì nó cho thấy sự quyết tâm của chính quyền Ukraine trở thành một tiền đồn của phương Tây nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết thể hiện ở mức độ nào.

 

Đồng thời, ông Sushentsov cũng thừa nhận Nga đã sai trong các tính toán của mình khi cho rằng Ukraine là một vấn đề quan trọng trong 20 năm qua. Khi được hỏi về thái độ của điện Kremlin đối với Ukraine như một đối tượng của quan hệ quốc tế, chuyên gia này cho rằng vấn đề bắt nguồn không phải từ Nga, mà là từ những khó khăn của Kiev trong việc khám phá ra bản sắc riêng của mình. Thay vì trở thành một chủ thể quan hệ quốc tế, Ukraine vẫn là một đối tượng quan hệ quốc tế. Ông Markedonov lặp lại quan điểm này: Ukraine rất dễ dàng công bố là một quốc gia độc lập, nhưng lại khó khăn rất nhiều trong việc hình thành bản sắc.

 

Về chính sách của Nga đối với Ukraine trong hai năm qua, chuyên gia Sushentsov đánh giá đó là một trường hợp "bất khả kháng". Ông lập luận rằng mục tiêu của Kremlin không phải là để đánh bại Ukraine hay đảm bảo chiến thắng cho lực lượng đòi ly khai, mà là đưa tất cả những bên liên quan trở lại bàn đàm phán. "Chính sách của Nga là vì sự tái hoà nhập của Donbas vào Ukraine", ông Sushentsov nói và cho biết thêm rằng Hiệp định Minsk là vô nghĩa khi Kiev không sẵn sàng kết hợp Donbas theo các điều khoản của Hiệp định Minsk. Ông tin rằng cuộc xung đột có thể duy trì ở "trạng thái đóng băng" cho đến khi cuộc bầu cử tiếp theo của Ukraine diễn ra vào năm 2018. Trong khi đó, gần như chắc chắn rằng cho đến kỳ bầu cử tiếp theo, Nga sẽ phải đối mặt với sự thiếu hợp tác từ các nhà lãnh đạo Ukraine.

 

Bên cạnh đó, các chuyên gia đồng ý rằng, trên một quy mô toàn cầu, những gì mà cộng đồng quốc tế có thể làm hiện nay là hợp tác để tạo ra một cách tiếp cận thống nhất đối với Ukraine và cuộc xung đột ở miền đông nước này. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu một quan điểm chống Nga sẽ trở thành một đặc trưng thường trực trong quan hệ Nga-Ukraine và liệu Ukraine có khả năng giải quyết vấn đề mang tính cấu trúc của mình và tạo ra một bản sắc riêng hay không.

 

Trong dài hạn, ví dụ khoảng 20 năm tới, ông Sushentsov nhận định sự phát triển có khả năng nhất trong mối quan hệ Ukraine - Nga là 2 nước sẽ trở thành hàng xóm bình thường. Ông cũng đưa ra một cách tiếp cận thực tế hơn: Trước mắt, Ukraine vẫn là vấn đề đối với tất cả các bên và không bên nào chịu hợp tác với nhau để giải quyết thách thức này. Thay vào đó, các bên liên quan sẽ tìm cách giảm thiểu hậu quả của vấn đề và ít nhất là ngăn chặn nó leo thang.

Công Thuận (Theo R.D)
Đụng độ ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine
Đụng độ ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết hơn 30 người đã bị bắt giữ do các vụ đụng độ ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN