Đàm phán về ngân sách dài hạn của khối EU: Khoảng trống mới, rạn nứt cũ

Khoảng thời gian 30 giờ đồng hồ, từ trưa 20 tới tối 21/2 với vô số cuộc gặp song phương, đa phương và hai cuộc thảo luận toàn thể đã không thể thu hẹp được những khác biệt cơ bản giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong đàm phán về ngân sách dài hạn của khối.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ, ngày 21/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của 27 nước thành viên sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit) đã kết thúc trong bế tắc khi những rạn nứt tồn tại lâu nay khiến nỗ lực tìm tiếng nói chung về ngân sách EU trở nên «bất khả thi».

Trong các cuộc đàm phán ngân sách trước đây của EU, Anh luôn bị quy kết gây cản trở và làm tắc nghẽn quá trình thương lượng. Tuy nhiên, diễn biến và kết quả lần này của hội nghị cho thấy khả năng «chung sống hòa thuận» của 27 nước thành viên cũng không dễ dàng hơn sau khi Vương quốc Anh ra đi.

Lần đàm phán cho khung ngân sách dài hạn (MFF) giai đoạn 2021-2027 không chỉ là về việc tài trợ cho khoản ngân sách khổng lồ hơn một nghìn tỷ euro. Ủy ban châu Âu (EC) còn cần thêm tiền cho các dự án mới hầu như không được xem xét trong kế hoạch trước đây, ví dụ như để thực hiện «thỏa thuận Xanh», dự án tham vọng mà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đang theo đuổi trong nỗ lực hồi sinh sức mạnh và vị thế của EU. Đặc biệt năm nay, EU còn phải giải quyết vấn đề mới - tìm cách lấp đầy «khoảng trống ngân sách» to lớn 12 tỉ euro mỗi năm do Brexit để lại.

Thu hẹp khoảng cách giữa những nước giàu đóng góp ròng muốn «thắt chặt hầu bao» và các nước nghèo không muốn cắt giảm số tiền này đã trở thành thử thách hết sức khó khăn cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Cuộc tranh luận giữa những nước đóng góp ròng và các đối tượng hưởng lợi ròng từ các quỹ châu Âu nổ ra gay gắt, điều vẫn thường thấy ở mọi cuộc đàm phán ngân sách của EU. Sự khác biệt lớn vẫn tồn tại trong một số lĩnh vực, từ trần chi tiêu ngân sách, các lĩnh vực ưu tiên cho tài trợ và giảm mức đóng góp do một số nước đóng góp ròng yêu cầu.

Bên cạnh những tuyên bố «thiện chí», các nhà lãnh đạo đều đến Brussels với những «lằn ranh đỏ», những ưu tiên chính trị rõ ràng, và thường là mâu thuẫn với nhau. Bốn nước đóng góp ròng được mệnh danh là «thanh đạm», gồm Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và CH Áo, đã yêu cầu một ngân sách tối thiểu không vượt quá chính xác 1,0 % tổng thu nhập quốc dân (GNI) của 27 nước và không chấp nhận con số 1,074% mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất, càng không phải là 1,11 % của Ủy ban châu Âu, và chắc chắn là không bao giờ chấp nhận mức 1,3 % của Nghị viện châu Âu. Thuộc phe ủng hộ «thắt lưng buộc bụng», nhóm 4 nước trên nhấn mạnh không có bàn cãi về việc tiếp tục nuôi dưỡng «con heo đất châu Âu», ngay cả khi khối thiếu hụt khoảng 75 tỉ euro cho 7 năm tới do việc Anh ra đi.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, hiện đang được coi như «thay thế người Anh», là nhân vật thường xuyên bị chỉ trích vì thái độ khắc nghiệt của mình trong các cuộc đàm phán ngân sách. Ông Rutte nhấn mạnh thực tế là Vương quốc Anh đã «biến mất» và điều đó phải được phản ánh trong ngân sách mới. Hà Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi Brexit cũng như cuộc khủng hoảng người di cư, và đất nước của những chiếc cối xay gió đã đóng góp nhiều hơn hầu hết các quốc gia thành viên EU khác .
Đức, nước đóng góp lớn nhất cho ngân sách EU nhưng cũng là người thụ hưởng chính của chính sách nông nghiệp chung, đang muốn mức đóng góp thấp - một quan điểm có lợi cho 4 nước đóng góp ròng khác. Thủ tướng Angela Merkel đã đưa ra ý kiến rất sớm về ngân sách EU, từ tháng 10 năm ngoái. Khi đó, bà Merkel nói trước Quốc hội Đức rằng các đề xuất cho khung tài chính dài hạn mới là "gánh nặng quá mức" đối với Đức và kêu gọi san sẻ gánh nặng một cách công bằng.

Ở bên kia chiến tuyến, 17 quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, được coi là «bạn của chính sách gắn kết và chính sách nông nghiệp chung», đã yêu cầu duy trì các quỹ cấu trúc ở mức như hiện tại. Các quốc gia ở Trung và Đông Âu không chấp nhận cắt giảm tiền cho chính sách gắn kết. Thủ tướng Tây Ban Nha nhấn mạnh nhóm các nước này đại diện cho hơn 65% dân số châu Âu và muốn có một ngân sách đáp ứng nhu cầu thực sự của công dân EU. Các chính sách về gắn kết và nông nghiệp góp phần củng cố thị trường đơn nhất và rất gần gũi với công dân. Thủ tướng Tây Ban Nha cũng lưu ý không thể đóng góp 1% GNI như một đề xuất nếu EU muốn trở thành một «nhân vật chính toàn cầu» có sức mạnh chính trị trên trường quốc tế. Cùng chia sẻ quan điểm, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố nếu muốn «một châu Âu mạnh» thì EU phải trả tiền cho điều đó.
Pháp cùng với Bỉ, Tây Ban Nha, Ireland và Cộng hòa Séc quyết định đoàn kết để bảo vệ Chính sách nông nghiệp chung (CAP), trong khi 4 nước đóng góp ròng thì muốn giảm ngân sách cho lĩnh vực này. Pháp, với tư cách là người hưởng lợi lớn nhất từ CAP, muốn bảo vệ nông dân và duy trì mức viện trợ của châu Âu cho lĩnh vực này, đã đặt việc duy trì các quỹ nông nghiệp là ưu tiên trong các cuộc đàm phán.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, 5 nước hưởng lợi nhất của thị trường chung là Luxembourg, Ireland, Bỉ, Hà Lan và Áo, các khoản đóng góp ước tính của các trường hợp này cho MFF trong tương lai vượt xa những gì mà họ có thể được nhận. Do đó, Bỉ và Luxembourg muốn đưa ra lý do cho phe đóng góp ròng, đề nghị mỗi nước hãy móc hầu bao để EU có thể có được một ngân sách xứng đáng.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã cảnh báo các nhà lãnh đạo về hậu quả của một MFF không thỏa đáng với tham vọng của liên minh. Nhưng lời nói của ông dường như đã rơi vào vô vọng. Số tiền mà Nghị viện châu Âu mong muốn là mức 1,3% GNI của EU đã trở nên quá xa vời với thực tế diễn ra trong các cuộc đàm phán.

Yếu tố thời gian rất có thể là con bài sẽ được sử dụng để gây áp lực. Quả thực là thời gian không còn nhiều vì cuối năm nay, tất cả các bước kỹ thuật phải được hoàn thành, nếu không, tới năm 2021 EU sẽ không có ngân sách. Chủ tịch EC von der Layen cảnh báo lúc đó, sẽ không có chương trình trao đổi sinh viên Erasmus hay tiền dành cho nghiên cứu, phát triển khu vực hoặc bảo vệ biên giới.

Hội nghị thượng đỉnh bàn về ngân sách dài hạn đã làm lộ rõ hố sâu ngăn cách giữa Đông và Tây trong nội bộ EU ngay sau khi nước Anh ra đi. Nếu những khác biệt giữa phe «giàu» và phe «nghèo» trong quan điểm về MFF giai đoạn 2021-2027 không được thu hẹp thì nguy cơ 27 nước phải đối diện với một cuộc khủng hoảng ngân sách gây rạn nứt cùng những ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai của khối là nhãn tiền. Khoảng trống ngân sách sau khi Anh rời khỏi EU có vẻ chỉ là phần nổi của tảng băng, mấu chốt vẫn là sự rạn nứt đã xuất hiện từ lâu và không dễ hàn gắn giữa các nước EU, mà mâu thuẫn ngân sách chỉ là yếu tố điển hình.

Kim Chung (Phóng viên TTXVN tại Liên minh châu Âu )
Các cuộc đàm phán ngân sách của EU bế tắc
Các cuộc đàm phán ngân sách của EU bế tắc

Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) bàn về ngân sách 7 năm tiếp theo (2021-2027) đã kết thúc trong bế tắc vào cuối ngày 21/2, sau khi 27 quốc gia thành viên không tìm được tiếng nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN