Đã đến lúc EU cần quan tâm trở lại nợ công Ukraine

Thời gian gần đây, giới chính trị gia và lãnh đạo các ngân hàng châu Âu dường như quá tập trung vào vấn đề Hy Lạp mà quên rằng nền kinh tế Ukraine cũng đang đối mặt với "nguy cơ vỡ nợ”.

Thực tế cho thấy Liên minh châu Âu (EU) có vẻ không thực sự lo ngại về những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Ukraine. Điều này trái ngược hẳn đối với trường hợp của Hy Lạp. Trong khi đó, dư luận chung cho rằng nếu Ukraine - quốc gia có dân số gấp hơn 4 lần Hy Lạp - bị vỡ nợ thì tác động của nó cũng nghiêm trọng không kém.

Công nhân vận hành một trạm bơm thuộc đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN



Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko cho biết Kiev có khả năng sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, nhưng chỉ là "vỡ nợ về mặt kỹ thuật" và sẽ không gây tác động tiêu cực đối với cuộc sống của phần lớn người dân. Tuy nhiên, điều này không thể khiến dư luận bớt lo ngại về thực trạng nền kinh tế Ukraine hiện nay. Kiev đã và đang tích cực đàm phán với các chủ nợ tư nhân về việc xóa bỏ một phần các khoản nợ trong bối cảnh GDP của nước này giảm mạnh và cuộc xung đột ở khu vực miền Đông chưa có hồi kết. Kiev có thể sẽ phải tuyên bố vỡ nợ vào ngày 24/7 tới, khi các khoản nợ trị giá 120 tỷ USD đến hạn trả mà nước này vẫn không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.

Ngày 15/7, bà Natalia Yaresko đã có cuộc gặp với các chủ nợ tại Washington (Mỹ) trong nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận liên quan đến các khoản nợ của Ukraine. Tuy nhiên, các bên vẫn cho thấy nhiều bất đồng: Kiev muốn xóa 40% khoản nợ của nước này (tương đương 15 tỷ USD), trong khi các chủ nợ tư nhân chỉ chấp nhận mức 9 tỷ USD. Đại diện của các chủ nợ, Công ty quản lý tài sản Franklin Templeton (Mỹ), lại thiên về chủ trương kéo dài thời gian trả thay vì xóa nợ cho Kiev.

Cả Ukraine và các chủ nợ đều đang phải chịu áp lực đáng kể khi giá trái phiếu của chính phủ Kiev đáo hạn năm 2017 mất 60% giá trị. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố sẽ duy trì các điều khoản của chương trình cứu trợ trị giá 17,5 tỷ USD đạt được hồi tháng 3 vừa qua, thậm chí cả trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ trong tuần này. Theo đó, Ukraine buộc phải tiết kiệm 15,3 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Đối với Kiev, mục tiêu này dường như là không thể đạt được trong bối cảnh tỷ lệ nợ công đã lên tới 100% GDP, trong khi tăng trưởng kinh tế đang ở trong tình trạng "rơi tự do" với GDP giảm 17,6% trong quý I vừa qua. Đồng nội tệ tiếp tục đà trượt giá khi các chủ nợ yêu cầu Ngân hàng Trung ương Ukraine sử dụng 80% dự trữ ngoại hối để trả nợ.

Trong khi đó, EU đang phải đối mặt với những chỉ trích về thất bại trong việc triển khai chương trình "Đối tác phương Đông". Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Vilnius (Litva) năm 2013, quan hệ giữa các nước chủ chốt trong chương trình "Đối tác phương Đông" và EU có sự chuyển biến nhanh chóng với việc ký kết các Thỏa thuận liên kết (AA) và Thỏa thuận về khu vực tự do thương mại toàn diện và sâu sắc (DCFTA) với Moldova, Gruzia và Ukraine vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Gruzia tăng trưởng kinh tế với tỷ lệ bình quân 2%/năm, còn Moldova không khá hơn so với Ukraine, nhất là sau khi Nga đóng cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản của nước này và IMF dừng các chương trình cứu trợ ở Moldova từ giữa tháng 6/2015 do bất ổn chính trị. Điều này khiến cho tỷ lệ người ủng hộ xu hướng tăng cường quan hệ với EU ở Moldova giảm mạnh. Vì vậy, việc quay trở lại giải quyết vấn đề nợ công Ukraine, tiếp đó hỗ trợ Moldova dường sẽ đáp ứng cùng lúc nhiều mục tiêu của EU trong bối cảnh hiện nay.

Hồng Tâm ( P/v TTXVN tại Séc)
Ukraine cấm các Đảng Cộng sản tham gia bầu cử
Ukraine cấm các Đảng Cộng sản tham gia bầu cử

Ukraine sẽ cấm 3 đảng Cộng sản tham gia các cuộc bầu cử vào tháng 10 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN