Tại vòng bỏ phiếu tối 20/6, ông Boris Johnson, người liên tục dẫn đầu trong 5 vòng bỏ phiếu, đã nhận được sự ủng hộ của 160 nghị sĩ Bảo thủ, còn Ngoại trưởng Jeremy Hunt giành 77 phiếu. Kết quả cuối cùng giữa hai ứng cử viên này sẽ do 160.000 đảng viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu chọn lựa bằng đường bưu điện, kết quả dự kiến sẽ được công bố trong tuần từ ngày 22/7.
Phát biểu ngay khi kết quả vòng thứ 5 được công bố, ông Boris Johnson bày tỏ vinh dự khi nhận được hơn 50% số phiếu của các nghị sĩ Bảo thủ và mong đợi sẽ nhận được ủng hộ của các đảng viên Bảo thủ trên khắp nước Anh. Ông cho biết đã lên kế hoạch để đưa nước Anh rời khỏi EU, đoàn kết nước Anh lại với nhau, và tạo ra một tương lai tươi đẹp hơn cho mọi người dân Anh.
Trong khi đó, đối thủ của ông, Ngoại trưởng Jeremy Hunt thừa nhận khoảng cách số phiếu khá xa giữa ông và ông Johnson là một thực tế không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông cho rằng những bất ngờ trong chính trị vẫn luôn xảy ra, như cuộc bỏ phiếu này, bởi trước đây báo chí Anh vẫn cho rằng hai ứng cử viên sẽ vào chung cuộc là ông Boris Johnson và ông Michael Gove. Tại cuộc bỏ phiếu ngày 20/6, Ngoại trưởng Jeremy Hunt đã vượt lên dẫn trước Bộ trưởng Môi trường Michael Gove 2 phiếu, trở thành đối thủ của ông Johnson tại chung cuộc.
Người đang lãnh đạo Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố ông nhận thấy trách nhiệm to lớn đặt lên vai - chứng minh để đảng Bảo thủ thấy ông sẽ thực hiện Brexit theo cách không tạo ra nguy cơ xảy ra cuộc tổng tuyển cử, ông cũng khẳng định sẽ xây dựng kinh tế Anh đầu tàu và một đất nước có vị thế cao trên thế giới.
Hai ứng cử viên đã trình bày công khai quan điểm của mình về các vấn đề đang là mối quan tâm lớn đối với người dân Anh hiện nay là Brexit, thuế, chi tiêu công, y tế và giáo dục.
Ông Johnson muốn nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 có thể có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận. Ông cũng thừa nhận Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra một số" xáo trộn", song cho rằng cách để có một thỏa thuận Brexit tốt với EU là phải chuẩn bị cả tình huống Brexit không thỏa thuận. Ông cho biết sẽ giữ lại khoản tiền 39 tỷ bảng Anh "phí li dị" như là một phần của thỏa thuận đã được hai bên đàm phán, và khoản tiền này sẽ được giữ lại cho đến khi "làm rõ hơn con đường đi phía trước".
Ông Johnson cũng cam kết sẽ giảm thuế cho những người có thu nhập trên 50.000 bảng/năm và tăng mức thuế thu nhập lên tới 40% với những người có thu nhập từ 80.000 bảng/năm, tăng mức chi trung bình cho mỗi học sinh trung học lên tới 5000 bảng/năm, và cho rằng tiền trước đây Anh chi cho EU sẽ chuyển sang ngân sách phục vụ cho dịch vụ y tế công sau khi Anh rời EU.
Trong khi đó, quan điểm của Ngoại trưởng Jeremy Hunt là có thể chấp nhận việc Anh rời EU không thỏa thuận, nhưng nhấn mạnh đấy không phải điều ông ưu tiên lựa chọn. Là người từng lập ra doanh nghiệp cho riêng mình, ông Hunt muốn biến nước Anh thành một "thung lũng Sillicon" và một "trung tâm lớn của các doanh nghiệp sáng tạo". Ồng cam kết sẽ cắt giảm thuế kinh doanh ở mức thấp nhất tại châu Âu để thu hút các công ty đến Anh thời hậu Brexit và giảm bớt thuế doanh nghiệp.
Đối với giáo dục, ông Hunt hứa sẽ cắt giảm mức lãi suất phải nộp cho tiền vay đóng học phí, và đẩy mạnh trợ giúp vấn đề sức khỏe thần kinh, chống trầm cảm tại các trường học, đẩy mạnh phát hiện các trang mạng xã hội không đảm bảo được đúng quy định về nội dung đăng tải trên trang của mình quản lý.
Một chủ đề gây bùng nổ nhất, là ông Johnson cam kết sẽ có lập trường khác với bà Theresa May đối với vấn đề Brexit. Ông muốn một thay đổi lớn trong thỏa thuận rút khỏi EU của bà May - bỏ "điều khoản chốt chặn" nhằm ngăn chặn một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, điều mà những người thuộc phái hoài nghi châu Âu lo ngại Anh sẽ bị kẹt trong "bẫy" ở lại liên minh thuế quan với EU. Thay vào đó, ông Johnson muốn Anh sẽ đàm phán "những sắp đặt khác thay thế" như những biện pháp chống buôn lậu trong thời kỳ chuyển đổi. Ông cũng muốn kéo dài thời kỳ chuyển đổi theo dự kiến của bà May từ 31/12/2020 thành tháng 12/2021.
Việc ông Johnson luôn dẫn đầu và vượt xa các ứng cử viên khác tại loạt vòng bỏ phiếu của các nghị sĩ Bảo thủ, được cho là do một số nghị sĩ tin tưởng khả năng thủ lĩnh, quy tụ mọi người của ông sẽ tạo ra sức ảnh hưởng chính trị để "giữ ghế" cho họ đến tổng tuyển cử lần tới. Những người này tin ông Johnson có đủ khả năng để thu phục lại những cử tri đã ủng hộ đảng Brexit của ông Nigel Farage sẽ quay về đảng Bảo thủ, cũng như thắng được ông Jeremy Corbyn của Công đảng đối lập.
Nhóm thứ hai gồm một số nghị sĩ bỏ phiếu cho ông Johnson vì coi đây là cơ hội để khôi phục lại sự nghiệp chính trị của họ vốn bị tiêu tan trong mấy năm gần đây, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson vừa bị cách chức hồi tháng trước.
Và nhóm nghị sĩ bảo thủ thứ ba bỏ phiếu cho ứng cử viên Johnson vì nghĩ rằng ông sẽ giành chiến thắng và sẽ trở thành tân Thủ tướng Anh, nên "cần về phe ông Johnson" càng sớm càng tốt.
Ông Johnson, 55 tuổi, được mô tả là người có sức cuốn hút mạnh mẽ, có kỹ năng chính trị tốt, từng là nhà báo làm việc tại các tờ The Times và Daily Telegraph, song cũng là người tính khí thất thường. Ngoài ra, vai trò dẫn dắt chiến dịch Brexit năm 2016 đã khiến ông trở thành nhân vật cực kỳ đối nghịch. Những người bỏ phiếu rời EU có thể thích ông, nhưng phe ủng hộ ở lại sẽ muốn thẩm định lại ông.
Trong cuộc bỏ phiếu thăm dò hồi tháng 5 với câu hỏi liệu ông Johnson có thể trở thành thủ tướng tốt hay không, 28% số người được hỏi trả lời có, tỷ lệ cao nhất so với các ứng viên khác, nhưng 54% nghĩ ông là thủ tướng tồi - cũng là cao nhất so với các ứng cử viên khác. Trong trường hợp phản ánh này đúng, đây là một vấn đề lớn cho đảng Bảo thủ, vì nếu như ông Johnson không chứng minh được mình có khả năng sẽ giành chiến thắng nếu diễn ra tổng tuyển cử, thì sẽ có ít đảng viên Bảo thủ muốn bỏ phiếu cho ông.
Ngoại trưởng Hunt, 52 tuổi, là người thuộc phe ủng hộ ở lại EU, ban đầu là Anh ở lại trong thị trường đơn lẻ chung châu Âu, nhưng sau chuyển sang ủng hộ Brexit hoàn toàn. Ông được cho là một sự lựa chọn cho giải pháp an toàn hơn, nhưng bị đánh giá là ít có sức cuốn hút.
Những người ủng hộ ông Johnson thì cho rằng Ngoại trưởng Hunt giống bà May ở nhiều khía cạnh, và đây là một "điểm trừ" bởi lúc này đảng Bảo thủ cần một người lãnh đạo thực sự tin vào Brexit. Những người ủng hộ ông Jeremy Hunt tranh luận rằng ông là người kỹ trị, thực tế và có trách nhiệm, một lãnh đạo nghiêm túc, người có thể khiến thỏa thuận Brexit được thu xếp ổn thỏa với các bên.
Điểm yếu của Ngoại trưởng Hunt là ông đã bỏ phiếu cho bên ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý 2016, điều này sẽ khiến nhiều đảng viên Bảo thủ cho rằng ông không đủ tin cậy để làm lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Đây sẽ là cuộc đấu trí giữa phe ôn hòa và cứng rắn trong đảng Bảo thủ. Cho đến thời điểm hiện nay, một số báo chí địa phương cho rằng việc ông Johnson sẽ trở thành chủ nhân số 10 Downing là điều "đã nhìn thấy được". Tuy nhiên, cách xử lý vấn đề Brexit cũng sẽ là yếu tố quan trọng quyết định lá phiếu nghiêng về ai vì các đảng viên sẽ phải tính đến sự an toàn của đảng, tránh xảy ra những bế tắc có thể dẫn đến tổng tuyển cử sớm hoặc một cuộc trưng cầu dân ý lần hai, là điều đảng Bảo thủ không hề muốn.