Thả tàu Grace 1
Theo hãng tin Reuters, tàu Grace 1 của Iran đã nhổ neo và di chuyển tới Hy Lạp ngày 19/8 sau một tháng bị giữ ở ngoài khơi Gibraltar. Tòa án Tối cao Gibralta hôm 15/8 đã ra phán quyết thả tàu chở dầu này, bất chất việc Mỹ đề nghị tiếp tục giữ con tàu này.
Phán quyết thả tàu dựa trên cơ sở Iran đảm bảo Grace 1 không bao giờ đi tới một thực thể bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt, cụ thể là không dỡ hàng tại Syria. Sau khi có lệnh được thả, tàu Grace 1 đã đổi tên thành Adrian Darya 1 và rời Gibraltar ngay trong đêm.
Vụ Hải quân Hoàng gia Anh bắt tàu chở dầu nói trên ngày 4/7 gần Gibraltar vì nghi tàu này chở dầu tới Syria và vi phạm lệnh trừng phạt của EU. Sự cố đã khiến xung đột kéo dài hàng tuần giữa Iran và phương Tây, đồng thời gia tăng căng thẳng tại tuyến đường chở dầu quốc tế qua Vùng Vịnh.
Trước đó, một tòa án liên bang ở Washington (Mỹ) đã phát lệnh bắt tàu chở dầu Grace 1 nhưng Gibraltar cho biết không thể làm theo đề nghị này vì phải tuân thủ luật của EU. Mỹ cáo buộc tàu Grace 1 có mối liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – tổ chức bị Mỹ coi là khủng bố.
Phát biểu với kênh Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói về việc tàu Grace 1 được thả: “Không may là điều đó đã xảy ra. Nếu Iran kiếm lợi nhuận thành công từ số dầu trên tàu Grace 1, IRGC sẽ có nhiều tiền hơn, nhiều nguồn lực hơn để tiếp tục các hoạt động khủng bố”.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn thể hiện quan điểm mạnh mẽ với Chính phủ Hy Lạp cũng như mọi hải cảng ở Địa Trung Hải có thể hỗ trợ tàu Grace 1. Một quan chức bộ này nói hỗ trợ tàu Grace 1 có thể bị coi là hỗ trợ tổ chức khủng bố.
Về phần mình, Iran đã có những phản ứng mạnh mẽ. Theo tờ Financial Times, hệ thống tư pháp Iran cho biết sẽ yêu cầu bồi thường để dạy một bài học cho những người có thể tìm cách bắt giữ thêm một tàu Iran nữa. Bộ Ngoại giao Iran thì cảnh báo hậu quả nặng nề nếu Mỹ bắt tàu Grace 1 khi tàu hướng tới Hy Lạp.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter: “Thất bại trong đạt mục đích bằng #Khủng bố kinh tế, trong đó có việc lấy đi thuốc của bệnh nhân ung thư, Mỹ đã nỗ lực lạm dụng hệ thống pháp lý để đánh cắp tài sản của chúng ta trên biển”.
Ông Zarif cũng phát biểu khi đang ở Phần Lan rằng vui mừng vì sự việc đã chấm dứt và hy vọng sẽ giảm căng thẳng, đồng thời khẳng định lệnh bắt tàu mà Mỹ đưa ra không có cơ sở pháp lý và có động cơ chính trị. Tuy vậy, ông Zarif khẳng định sẽ không hành động quân sự để chấm dứt tình trạng bế tắc với Mỹ.
Gibraltar và Anh khẳng định họ bắt tàu Grace 1 vì nghi tàu chở dầu tới Syria. Trong khi đó, Iran luôn coi động thái bắt tàu là dấu hiệu Anh thực hiện mệnh lệnh của Mỹ.
Sau khi tàu Grace 1 đổi tên và rời Gibraltar, hiện chưa rõ đích đến của tàu. Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết Tehrran không thể quá minh bạch về đích đến của con tàu, vì các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran không thể xuất khẩu dầu. Tehran từng nhiều lần cảnh báo sẽ làm gián đoạn dòng chảy dầu qua Eo biển Hormuz nếu nước này không thể xuất khẩu dầu thô.
Chiến thắng của Iran
Cuộc chiến xung quanh tàu Grace 1 đã kéo dài hơn 6 tuần qua và việc tàu được trả tự do có thể được coi là minh chứng cho thấy Iran có một chiến lược phản kháng cẩn trọng đối phó với Washington. Kết hợp giữa cảnh bảo và hành động, Iran sẽ đáp trả các hành động thù địch.
Chiến lược này do IRGC thực hiện. Trong suốt hàng chục năm qua, lực lượng này đã chống lại các âm mưu thù địch của các thế lực nước ngoài và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ông Hamid-Reza Taraghi, một chính trị gia Iran nói: “Chiến thắng này ở Gibraltar cho thấy Iran cần sức mạnh quân sự của IRGC trên trường quốc tế chứ không chỉ là đàm phán và ngoại giao bị động”. Ông Taraghi và các chính trị gia cũng như dân thường Iran đều cho rằng tàu chở dầu được thả chủ yếu vì IRGC đã bắt giữ tàu Stena Impero của Anh cùng 23 thành viên thủy thủ đoàn để trả đũa sau đó hai tuần. Một người dân Iran nói: “Lực lượng vệ binh mạnh tới mức không ai dám phát động chiến tranh chống Iran. Những gì họ làm cho tàu chở dầu Grace 1 là ấn tượng”.
Ông Saeed Laylaz, một nhà phân tích Iran, nhận định: “Đây là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ Iran không chỉ tham gia về mặt quân sự trong các cuộc đối đầu trực diện với các nước phương Tây mà còn chiến thắng. Hình ảnh của IRGC tại Iran chắc chắn sẽ được tăng cường”. Chiến thắng của IRGC trong vụ tàu Grace 1 cũng cho thấy chiến lược của Mỹ đã khiến những người theo đường lối cứng rắn ở Iran lại càng cứng rắn hơn.
Ông Emile Hokayem thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói: “Bế tắc giữa Iran và phương Tây là một trò chơi xem ai chịu lùi trước sức ép. Người Iran biết đối thủ đang bị chia rẽ và phần lớn sợ rủi ro”.
Phản ứng vừa khôn khéo vừa quyết liệt của Iran trong vụ tàu chở dầu cho thấy Iran có thể làm mọi cách để giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt. Các lệnh trừng phạt đang khiến kinh tế Iran kiệt quệ. Thống kê cho thấy kinh tế Iran đang suy giảm nhanh chóng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 4,9% trong giai đoạn 2018-2019. Tăng trưởng kinh tế đang tụt lùi vì lĩnh vực dầu, công nghiệp và nông nghiệp đều tăng trưởng âm. Lạm phát tiếp tục kéo dài với tỷ lệ cao nhất trong 25 năm qua.
Tất cả những khó khăn kinh tế đã gây áp lực cho chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani cũng như người dân Iran, khiến tâm lý chống Mỹ ngày càng dâng cao. Vụ tàu chở dầu là dấu hiệu cho thấy Iran đang phản kháng Mỹ mạnh hơn chứ không chỉ đấu tranh bằng ngoại giao, thương lượng như thông thường.
Ông Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, cho rằng áp lực trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran không phải để Iran đàm phán mà là khuất phục nước Cộng hòa Hồi giáo này. Phát biểu với kênh NBC News ngày 20/8, ông nói: “Chừng nào Mỹ còn thực hiện cách tiếp cận này, Iran sẽ không bao giờ tìm kiếm đàm phán. Chúng tôi đã có trường hợp đàm phán thành công JCPOA (thỏa thuận hạt nhân năm 2015). Làm sao mà Mỹ lại rời thỏa thuận này”.
Theo ông Shamkhani, Iran lẽ ra không bao giờ nên ký JCPOA và khẳng định chiến dịch sức ép đối đa của Mỹ sẽ không bao giờ khiến Iran quỳ gối hoặc quay lại bàn đàm phán. Ông nhấn mạnh: “Chiến dịch này đang thất bại vì công chúng Mỹ và đồng minh phương Tây đang đặt câu hỏi về năng lực lãnh đạo của Tổng thống Trump”.