Cuộc cạnh tranh gay gắt ở Trung Á

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á diễn ra tại thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc trong hai ngày 18 - 19/5 đánh dấu cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia trực tiếp đầu tiên giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan kể từ khi Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này cách đây 31 năm. Đây là sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên do Trung Quốc chủ trì trong năm nay, đồng thời đánh dấu một cột mốc quan trọng và mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai bên.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài việc tham dự hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan cũng lần lượt có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 16 - 20/5. Các động thái ngoại giao này phản ánh rõ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Trung Á, khu vực được cho là đang dần đóng vai trò chiến lược của lục địa Á - Âu, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. 

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới ra đời từ cơ chế hợp tác Trung Quốc + Trung Á (C+C5) được thành lập vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Trung Á. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Trung Á, trao đổi quan điểm về việc hoàn thiện hơn nữa cơ chế Trung Quốc - Trung Á, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau và các vấn đề lớn của khu vực cũng như quốc tế. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết các văn bản chính trị quan trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận định, với những nỗ lực chung của tất cả các bên, Trung Quốc tin tưởng rằng hội nghị lần này sẽ nâng quan hệ Trung Quốc - Trung Á lên một tầm cao mới. 

Chuyên gia nghiên cứu về Đông Âu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Triệu Huệ Dung cho rằng các vấn đề chi phối hội nghị thượng đỉnh sẽ có phạm vi rộng, bao gồm chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu nhân dân. Hợp tác kinh tế sẽ là một trong những vấn đề chính, nhất là việc thúc đẩy hợp tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng, nay chạm mốc 10 năm. Ông Tập Cận Bình đã đề xuất BRI trong chuyến thăm Kazakhstan năm 2013 và đến nay, Trung Quốc đã ký các văn kiện hợp tác liên quan đến BRI với tất cả các nước Trung Á. 

Giới phân tích nhận định hợp tác về an ninh cũng sẽ là một vấn đề trọng tâm khác tại hội nghị vì những rủi ro và thách thức mới trong khu vực hiện nay. Người đứng đầu bộ phận quốc tế của hãng thông tấn nhà nước Kabar (Kyrgyzstan) Nurzhan Kasmalieva cho rằng chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan luôn đặt ra mối đe dọa và thách thức đối với an ninh của Trung Á, bởi vậy các bên kỳ vọng đạt được nhiều kết quả hợp tác hơn trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực. Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu địa chính trị tại Đại học Nga-Tajik Slavonic, Guzel Maitdinova, cho rằng lĩnh vực an ninh sẽ rất được chú trọng tại hội nghị, đặc biệt là vấn đề Afghanistan. 

Trong số 5 quốc gia Trung Á có 3 nước gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan có chung đường biên giới với Trung Quốc kéo dài tới 3.000 km. Do đó, sự ổn định ở Trung Á là rất quan trọng để duy trì sự ổn định của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc nước này. 

Nằm ngay giữa trung tâm châu Á, khu vực Trung Á có vị trí địa chiến lược, đồng thời là vùng đất có nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, Trung Á còn có các nguồn năng lượng khác như than đá, năng lượng tái tạo, năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Đặc biệt, nguồn năng lượng của các nước Trung Á được cho là không bao giờ thiếu thị trường xuất khẩu bởi các quốc gia láng giềng của khu vực này chính là những khách hàng tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Âu. 

Đối với Trung Quốc, Trung Á là nhà cung cấp năng lượng quan trọng khi nước này từng nhập khẩu 30% lượng khí đốt tự nhiên thông qua tuyến đường ống Trung Quốc-Trung Á. Người dân ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác đã sử dụng khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của 5 nước Trung Á. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại giữa nước này và 5 quốc gia Trung Á đã đạt mức cao lịch sử 70 tỷ USD trong năm ngoái và trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào khu vực này đạt khoảng 15 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, với tầm quan trọng về địa chính trị, các cường quốc cũng đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng và tìm cách tăng cường can dự cả về chính trị, an ninh và kinh tế ở Trung Á, nơi từng được coi là "sân sau" của Nga. Tháng 10 năm ngoái, tại thủ đô Astana của Kazakhstan diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Á đầu tiên, trong đó hai bên nhất trí “tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và hướng tới tương lai”. Tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến công du Trung Á, gặp những người đồng cấp Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan với những cam kết viện trợ thông qua Sáng kiến phục hồi kinh tế ở Trung Á nhằm tăng cường vai trò của Washington ở khu vực.

Trung Quốc được cho cũng không đứng ngoài cuộc cạnh tranh gay gắt ở khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị này. Tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát là tới Trung Á. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á lần này được coi là cơ hội thuận lợi cho Bắc Kinh tái khẳng định vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng hợp tác Trung Quốc - Trung Á đang ở mức cao nhất và sự hợp tác cùng có lợi đã mang lại những lợi ích cho cả 6 quốc gia. Với việc thúc đẩy lợi ích chiến lược của mỗi bên, tại hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo 6 nước này có thể sẽ đưa ra các sáng kiến mới, tăng cường hợp tác toàn diện, sâu sắc và đa chiều giữa Trung Quốc và Trung Á.

Trần Quyên (TTXVN)
Năng lượng thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với Trung Á như thế nào?
Năng lượng thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với Trung Á như thế nào?

Trung Quốc đang ngày càng coi Trung Á là đối tác năng lượng lớn. Giới phân tích dự đoán các dự án khí đốt chung sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh khu vực sắp tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN