Vào cuối tháng 12 này, chương trình hoán đổi trái phiếu ngắn hạn thành trái phiếu dài hạn (Operation Twist) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc. Vậy FED sẽ sử dụng phương thức gì để khỏa lấp không gian nới lỏng tiền tệ mà Operation Twist để lại? Câu trả lời sẽ có vào rạng sáng hôm nay (13/12) theo giờ Hà Nội sau khi cuộc họp bàn về lãi suất của FED kết thúc. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán FED sẽ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ lần thứ 4 (QE4).
Dòng tiền nóng từ QE3 được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà Hồng Công tăng cao. |
Tiếp theo các cuộc họp bàn về lãi suất của châu Âu, Anh, Ôxtrâylia và Niu Dilân, với vai trò là ngân hàng trung ương Mỹ, FED cũng làm điều tương tự, bắt đầu vào ngày 11/12. Đây là cuộc họp bàn về lãi suất cuối cùng trong năm 2012 của FED. Trong bối cảnh Operation Twist sắp đáo hạn và vấn đề “vách đá tài chính” vẫn chưa được giải quyết, việc FED sẽ đưa ra biện pháp gì để duy trì tính thanh khoản của thị trường đã trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của giới tài chính Mỹ, mà còn của cả thế giới.
Trong một bản tin phát đi ngày 12/12, tờ Tin tức Thế giới dẫn kết quả điều tra của hãng tin tài chính Bloomberg (Mỹ) cho biết, có tới 48 trong số 49 nhà kinh tế được hỏi dự đoán FED sẽ tiếp tục mở rộng chính sách nới lỏng tiền tệ đang theo đuổi. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CNBC, Trưởng Bộ phận Chiến lược Tỉ giá Mỹ của Nomura Securities, ông George Goncalves, cũng cho rằng FED vẫn muốn “tiếp tục đi trên con tàu nới lỏng tiền tệ”. Theo Goncalves, FED có thể bắt đầu mở rộng bảng cân đối kế toán và như vậy, QE4 sẽ được khởi động.
Điều đó có nghĩa, ngoài việc hàng tháng mua vào 40 tỉ USD chứng khoán thế chấp bằng bất động sản (MBS) như đề ra trong QE3, FED sẽ thiết kế một chương trình khác giúp duy trì tính thanh khoản của thị trường. Chương trình này giúp khỏa lấp chỗ trống sau khi Operation Twist kết thúc vào cuối năm nay. Điểm khác biệt là Operation Twist không làm tăng tổng số tiền mua trái phiếu kho bạc của FED, nhưng chính sách nới lỏng mới hay QE4 sẽ khiến nó gia tăng bởi thay vì hoán đổi, FED sẽ trực tiếp mua vào trái phiếu kho bạc.
Về quy mô của QE4, theo tập đoàn Barclays, mỗi tháng, FED sẽ tung ra 85 tỉ USD để mua MBS và trái phiếu kho bạc dài hạn. Thời gian thực hiện QE4 ít nhất sẽ kéo dài tới cuối năm 2013 và khi đó, QE4 sẽ có tổng giá trị tối thiểu là 870 tỉ USD. Như vậy, nếu QE4 được thực hiện có nghĩa FED đã quyết định tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế ì ạch, khiến bảng cân đối kế toán, vốn đã lên tới gần 3.000 tỉ USD (tương đương hơn 20% GDP của Mỹ), bị mở rộng với sự gia tăng về nợ nần.
Hành động nêu trên của FED được một số chuyên gia cho là công cụ quan trọng nhằm kích thích kinh tế Mỹ và các ngành nghề như chế tạo xe hơi, xây dựng nhà ở. Tuy làm nợ nần gia tăng hay là kế hoãn binh “dùng nợ mới trả nợ cũ”, nhưng đổi lại, việc FED tăng cường mua trái phiếu kho bạc có thể tiếp tục khiến lãi suất đối với các khoản cho vay thế chấp bằng nhà đất giữ ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục. Nếu giá nhà tiếp tục tăng, điều đó có nghĩa ngày càng có nhiều gia đình tiếp cận được với nguồn tài chính mới. Hiệu quả của hành động này sẽ tương tự như việc giảm thuế và tăng lương.
Đối với thế giới, cũng như QE3, QE4 dường như sẽ không được chào đón một cách nồng ấm ngoài các nhà đầu cơ. Hệ quả của nó là điều mà các chuyên gia nói rồi và nói mãi, không chỉ làm đồng USD lan tràn, mà còn gây ra bong bóng tài sản, ví dụ như trường hợp của Hồng Công (Trung Quốc). Sau khi FED thực hiện QE3, dòng tiền nóng đã chảy mạnh vào Hồng Công, khiến Cục Quản lý Tài chính ở đây phải liên tục can thiệp vào thị trường. Theo thống kê, từ ngày 20/10 tới nay, Cục Quản lý Tài chính Hồng Công đã 20 lần bơm tiền nhằm ổn định tỉ giá. Trong đó, chỉ riêng ngày 11/12, Cục Quản lý Tài chính Hồng Công đã bơm ra 12,13 tỉ HKD (hơn 1,56 tỉ USD), là mức tiền bơm ra lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2009.
Không chỉ có vậy, dòng tiền nóng còn khiến Hồng Công phải đối mặt với bong bóng bất động sản. Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, giá nhà đất ở Hồng Công đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá nhà đất ở Hồng Công đã tăng hơn 20%. Trong khi đó, khu vực bất động sản chiếm tới một nửa số nợ xấu ở Hồng Công, đồng thời bất động sản cũng thường được sử dụng để làm tài sản đảm bảo, gây ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế của đặc khu hành chính này.
Bài và ảnh: Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)