Cổ tích trên chính trường London

Một trong những sự kiện chính trị thế giới quan trọng nhất trong những tuần gần đây không phải là việc tỷ phú Donald Trump ở nước Mỹ gần như được coi là người được đề cử của đảng Cộng hòa, mà đó là chiến thắng lịch sử của ông Sadiq Khan - một người Hồi giáo - đã được bầu làm Thị trưởng London của Vương quốc Anh.

Trong bối cảnh đạo Hồi bị nhiều người ở phương Tây coi là độc hại về mặt chính trị thì ông Khan đã khéo léo tận dụng thời thế để biến nó thành thắng lợi. Sau khi được bầu làm thị trưởng người Hồi giáo đầu tiên của London, ông Khan đã ca ngợi chiến thắng của mình là thắng lợi của “hi vọng trước nỗi sợ và đoàn kết trước chia rẽ”. Chiến thắng này mang ý nghĩa quan trọng, có thể đổi thay Tòa Thị chính London, góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ cho cộng đồng Pakistan đông đảo ở Anh, đồng thời thách thức xu hướng chính trị bài Hồi giáo ngày càng lan rộng.

Chính diện, phản diện

Cách đây 11 năm, người Pakistan ở Anh phải chịu sự nghi ngờ và bị dư luận tẩy chay mạnh mẽ sau khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm ở London khiến 52 người chết, hơn 700 người bị thương. Tuy nhiên, ông Khan không bao giờ tìm cách che giấu tôn giáo Hồi giáo của mình. Ông Khan đã đưa lên mạng Twitter gửi đến cho đối thủ Zac Goldsmith những lời khuyên châm biếm: “Không cần phải liên tục chỉ vào tôi và gào lên ‘ông ta là người Hồi giáo’. Tôi đã ghi rõ điều đó trong tờ rơi của tôi rồi”.

Ông Sadiq Khan phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố tại London ngày 7/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Cần phải nhìn vào lý lịch của ông Khan và Goldsmith - hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử thị trưởng London vừa qua - để thấy rõ sự đối lập và hiểu được ý nghĩa chiến thắng của ông Khan. Ông Khan 45 tuổi, là một trong số 7 người con của một lái xe buýt và một người thợ may nhập cư Pakistan, là một luật sư rồi trở thành thành viên Công đảng ở khu vực bầu cử Tooting. Còn ông Goldsmith 41 tuổi, là một nhà môi trường học, con trai một nhà tài chính tỷ phú, hiện là nghị sĩ đảng Bảo thủ ở Richmond, phía nam London. 

Trong chiến dịch tranh cử, ông Goldsmith liên tục dùng chiêu bài gắn đối thủ với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, tìm cách bôi nhọ, cáo buộc ông Khan là mang “ô xy và vỏ bọc” cho những kẻ cực đoan Hồi giáo, đứng chung sân với những kẻ cực đoan, từng biện hộ cho khủng bố trước tòa. Trái lại, chiến dịch của ông Khan luôn mang thông điệp tích cực và có tính phổ quát. Ông tuyên bố sẽ trở thành một thị trưởng cho mọi người London. Bất chấp những lời vu khống, bôi nhọ, ông Khan luôn tỏ bản lĩnh vững vàng và lịch thiệp, điều khiến dư luận thực sự ngưỡng mộ.

Với hai con người đối lập như vậy, việc 1,3 triệu cử tri London bỏ phiếu cho ông Khan cho thấy họ đã cân nhắc cẩn thận lựa chọn của mình, chứ không nhắm mắt nghe những lời công kích, bài xích tôn giáo. Điều đáng lưu ý là số cử tri này cao hơn số cử tri ủng hộ bất kỳ chính trị gia nào trong lịch sử Anh. Sự ủng hộ của cử tri với ông Khan đã giúp ông đè bẹp đối thủ Goldsmith thuộc đảng Bảo thủ để trở thành người đứng đầu của một trong những thành phố quan trọng nhất thế giới.

Hi vọng mới

Trước cuộc bầu cử thị trưởng London, ông Khan đã tuyên bố: “Tôi là một người London, tôi là một người châu Âu, tôi là một người Anh, tôi theo đạo Hồi, gốc châu Á, người Pakistan, một người cha, một người chồng”. Tuyên bố đó và chiến thắng của ông Khan cho thấy thế kỷ 21 sẽ được định hình bởi những con người mang trong mình sự đa dạng, pha trộn của các nền văn hóa.

Việc ông Khan đắc cử Thị trưởng London được một bài bình luận trên tờ Guardian của Anh ví là “cổ tích chính trị” ở Vương quốc Anh. Đối với cộng đồng dân số phi da trắng BAME (gồm người da màu, châu Á và dân tộc thiểu số) chiếm 40% dân trong tổng số 8,6 triệu dân London, chiến thắng của ông Khan là một thông điệp truyền cảm hứng đặc biệt mạnh mẽ: Cho dù bạn thuộc chủng tộc nào, tôn giáo hay tầng lớp nào, bạn cũng có thể trở thành chính trị gia quyền lực nhất, được cử tri tin tưởng. Kết quả này như là một “cái vả” vào các cuộc khảo sát năm 2015 với số liệu cho thấy 1/3 người London sẽ “không thoải mái với một thị trưởng người Hồi giáo”.

Cổ tích chính trường ở London xuất hiện trong bối cảnh phương Tây ngày càng chìm ngập trong tư tưởng bài Hồi giáo. Các đảng phái phản đối người di cư Hồi giáo đang dần dần chắc chân trên chính trường một loạt nước châu Âu như Áo, Đức, Pháp, Hungary…

Một ví dụ nữa là đà tiến không thể cản nổi của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump - người từng tuyên bố cấm cửa mọi người Hồi giáo vào Mỹ nếu ông thành tổng thống. Cách đây vài tuần, một sinh viên Đại học UC Berkeley đã bị giải xuống khỏi một chuyến bay của hãng hàng không Southwest vì người ta nghe thấy cậu nói tiếng Arab. Một nhà kinh tế người Italy nước da rám nắng, tóc quăn đã bị đưa khỏi chuyến bay của hãng hàng không American Airlines vì hành khách ngồi cạnh tỏ ra nghi ngờ khi thấy ông này cắm cúi giải mấy phép toán phức tạp. Trong sự sợ hãi, hoài nghi tột cùng đó, ông Trump chính là cái loa của những người Mỹ mà chỗ nào cũng nhìn thấy mối đe dọa từ người Hồi giáo.

Trong bối cảnh đó, thành công của ông Sadiq Khan chính là câu chuyện chiến thắng nỗi sợ hãi trước những Osama bin Laden, những Nhà nước Hồi giáo, những tư tưởng thánh chiến Hồi giáo, và là lời cảnh báo với những chính trị gia nổi lên nhờ lợi dụng nỗi sợ này của cử tri. Xét cho cùng, một chiến thắng không thể giết chết tư tưởng bài hồi giáo ở Anh nói riêng và phương Tây nói chung, nhưng nó mang lại một niềm hi vọng mới.

Thùy Dương
Phát ngôn chống Hồi giáo đang phản tác dụng
Phát ngôn chống Hồi giáo đang phản tác dụng

Các bài hùng biện về chống Hồi giáo trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang "đổ thêm dầu vào lửa" cho những tuyên truyền kích động bạo lực của chủ nghĩa cực đoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN