Tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay trước thềm hội nghị COP 21, Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố báo cáo về hậu quả của biến đổi khí hậu, theo đó, thiên tai do biến đổi khí hậu đã cướp đi mạng sống của 606.000 người trong 20 năm qua. Nếu so sánh, con số trung bình 30.000 người chết vì biển đối khí hậu mỗi năm xấp xỉ với số người thiệt mạng vì các hoạt động khủng bố - 32.658 người trong năm 2014 (báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình của Mỹ (IEP)). Rõ ràng, biến đối khí hậu đang trở thành hiểm họa đáng sợ nhất của nhân loại, bên cạnh khủng bố.
Đa số trường hợp tử vong (chiếm 89%) xảy ra tại các nước có thu nhập thấp. Cũng tính từ năm 1995, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới 1,9 tỷ USD, hơn 4,1 tỷ người bị ảnh hưởng, trở thành những người vô gia cư hay cần cứu trợ khẩn cấp. Hiện tượng lũ lụt chiếm tới 47% tổng số các trận thiên tai, từ năm 1995 đến 2015 và ảnh hưởng tới 2,3 tỷ người, trong đó phần lớn (95%) xảy ra tại châu Á. Tiếp theo là các trận giông bão khiến 242.000 người chết.
Theo tổ chức Tổ chức Khí tượng Thế giới (OMM), khoảng thời gian từ 2011-2015 đã trở thành 5 năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay, với nhiều thiên tai nghiêm trọng, đặc biệt là các đợt nóng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thời gian đó cũng ở mức kỷ lục. Tổng thư ký OMM, Michel Jarraud cho rằng đây là "một tin buồn cho hành tinh của chúng ta".
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đã trao tượng trưng chìa khóa cho bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu. |
Hội nghị COP 21, kéo dài 2 khoảng 2 tuần tại Le Bourget, với sự tham dự của hơn 140 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đến từ gần 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được xem là cơ hội cuối cùng để thế giới ngăn chặn khí hậu biến đối hành tinh của chúng ta hơn nữa. Mục đích của hội nghị là đi tới một thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 2°C để tránh những tác hại không thể đảo ngược được đối với hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm hội nghị tại Paris sẽ thành công cho đến thời điểm này.
Tới giờ, mới có hơn 178 quốc gia, chiếm hơn 90% lượng khí phát thải toàn cầu, công bố cam kết giảm khí thải. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đang chạy đua nước rút để tìm ra nguồn tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước chậm phát triển giảm khí thải làm nóng Trái Đất. Pháp, với tư cách chủ nhà của COP 21, đã nhiều lần khẳng định việc có đủ cam kết 100 tỷ USD trợ giúp các nước nghèo là một điều kiện quyết định cho thành công của hội nghị, nhưng đến nay mức cam kết đóng góp của các nước giàu cũng chỉ hơn 75 tỷ USD. Khoảng cách 25 tỷ USD vẫn còn là con số lớn. Theo các nhà quan sát, để giới hạn nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C, khoản tiền 100 tỷ USD mỗi năm kể trên là quá ít ỏi vì thực tế như tổ chức Oxfam ước tính, chỉ có từ 1 đến 2 tỷ USD/năm sẽ được dành cho việc các nước nghèo nhất thích nghi với biến đổi khí hậu.
Một vấn đề hóc búa gây tranh cãi nữa tại COP 21 là tính ràng buộc hay không của thỏa thuận về khí hậu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng thỏa thuận này “chắc chắn không phải là một hiệp ước, do đó sẽ không có ràng buộc pháp lý về việc giảm phát thải khí như trường hợp của Nghị định thư Kyoto năm 1997". Bản thân Mỹ cũng đã từ chối phê chuẩn nghị định thư đó, bất chấp sự chỉ trích của nhiều nước. Nhiều con mắt sẽ đổ dồn vào Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia thải ra hơn 2/5 tổng lượng khí thải CO2 của toàn thế giới. Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Bắc Kinh để bàn luận về một quan hệ đối tác trong lĩnh vực khí hậu với Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, ông Obama đã hứa lượng khí thải của Mỹ vào năm 2025 sẽ giảm xuống 26-28% so với mức khí thải năm 2005. Về phần Trung Quốc, họ thông báo rằng sẽ đạt tới mức tối thiểu lượng khí thải vào năm 2030 hoặc thậm chí sớm hơn. Một năm sau đó, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington vào tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp tục cam kết thực hiện hệ thống chính sách môi trường nhằm giảm khí thải từ ngành công nghiệp chủ chốt như thép, xi măng, điện trong vòng hai năm. Cam kết của G-2 trong lĩnh vực khí hậu là một bước tiến quan trọng vì nhiệt độ Trái Đất khó có thể được giữ ở mức ổn định nếu Mỹ và Trung Quốc không hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của họ.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc giới hạn lượng khí thải thì vẫn còn các nước gia tăng lượng khí thải như Ấn Độ. Nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch của họ, thế giới dường như sẽ khó đạt được mục tiêu ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu tại ngưỡng 2 độ C- mức mà nhiều nhà khoa học cho rằng nếu vượt quá, hàng loạt vụ thiên tai thảm khốc chắc chắn sẽ xảy ra. Khi đó, Ấn Độ có thể sẽ thay Trung Quốc, trở thành đối tác của Mỹ tại các cuộc đàm phán khí hậu.
Trong một năm qua, đại diện của 195 quốc gia ký kết Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu ( CCNUCC) thường xuyên họp lại nhằm cố gắng đạt được một văn bản sẽ được thông qua ở thủ đô Pháp. Ngay trước hội nghị này, hơn 60 bộ trưởng từ khắp thế giới đã đến Paris theo lời mời của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius để họp trù bị cho COP21 trong 3 ngày từ 8 đến 10/11 vừa qua. Ba ngày làm việc đó đã vượt qua thêm được một chặng quan trọng cho hội nghị tuần tới. Cả thế giới đang chờ xem 147 lãnh đạo thế giới có sẽ đạt được một thỏa thuận nào để cứu hành tinh của chúng ta hay không.
Hội nghị COP21 có cơ may thành công là bởi vì so với thời điểm năm 2009, thế giới nay đã nhận ra tính cấp thiết của chống biến đổi khí hậu. Nếu như vào năm 2009, hai quốc gia phát nhiều khí thải CO2 nhất là Mỹ và Trung Quốc đối đầu với nhau, thì nay hai cường quốc này đã bắt tay nhau chống biến đổi khí hậu.
Cũng khác với hội nghị Copenhagen, các lãnh đạo 147 quốc gia đến Paris ngay từ ngày đầu tiên để thúc đẩy cuộc thương thuyết, chứ không đợi đến những ngày cuối mới tới hội nghị. Và cũng khác với hội nghị Copenhagen, từ mấy tháng trước hội nghị Paris, các nước trên thế giới đã loan báo cụ thể những đóng góp của từng nước về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng lồng kính. Tổng cộng đã có đến 178 quốc gia công bố mức đóng góp của họ, cho dù những nỗ lực này chưa đủ để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 2°C.
Làm thế nào đạt được đồng thuận cả thế giới về những mục tiêu chung; làm thế nào kiểm tra việc thực hiện các cam kết của các nước; làm sao giải quyết được vấn đề chia sẻ trách nhiệm giữa các nước công nghiệp phát triển, các nước đang nổi lên và các nước đang phát triển… là những câu hỏi mà các nhà lãnh đạo tham dự COP 21 sẽ phải đưa ra câu trả lời.