COP21 - Cơ hội cuối cùng cứu Trái đất? - Kì cuối

Các nước công nghiệp phát triển là tác nhân lớn nhất khiến Trái đất nóng lên, thông qua tiến trình công nghiệp hóa kéo dài nhiều thập kỉ qua.


NHỮNG TRỞ NGẠI CẦN PHẢI VƯỢT QUA

Đã xuất hiện một số nhân tố tích cực trước thềm COP21. Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung hôm 27/9 ở Washington, lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận về tăng cường sử dụng năng lượng sạch chống biến đổi khí hậu, cùng với đó là việc Bắc Kinh tuyên bố chi 3 tỉ USD hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến này. Liền sau đó là cuộc gặp không chính thức của một nhóm 30 lãnh đạo thế giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh LHQ ở New York do Tổng thư ký Ban Ki-moon chủ trì, thảo luận các trở ngại cần vượt qua để tiến tới một thỏa thuận tại Paris. Tại đó, ông Hollande thể hiện thái độ lạc quan khi nói rằng “ở Paris, vấn đề không phải là ký một văn bản, mà là văn bản ràng buộc tất cả chúng ta, liên quan đến tất cả các nước, có sức nặng pháp lý và sẽ được bổ xung, xem xét sau hạn kì 5 năm/lần”.

Các đại biểu dự Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng COP21 tại Paris, ngày 6/9/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Thế nhưng còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua, như chính Tổng thống Pháp thừa nhận: “Vấn đề là thỏa thuận đó có đáng tin cậy hay không. Còn rất nhiều việc phải làm”. Đầu tiên là những tranh cãi về nguyên tắc "Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt (CBDR)” nêu trong bản dự thảo dài hơn 80 trang này. Nói cách khác là quy định trách nhiệm lịch sử của các quốc gia đối với sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Những nước nào phải nỗ lực nhiều hơn?

Đương nhiên, các nước công nghiệp phát triển là tác nhân lớn nhất khiến Trái đất nóng lên, thông qua tiến trình công nghiệp hóa kéo dài nhiều thập kỉ qua. Việc Mỹ, EU, Canada quay sang ủng hộ các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Hội nghị ở Paris là điều đương nhiên phải làm. Thế nhưng việc áp đặt một tỉ lệ cắt giảm tương tự đối với phần còn lại của thế giới là điều không đơn giản. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và kể cả Nhật Bản dường như chưa chuẩn bị cho bước đi như vậy, chưa sẵn sàng chấp thuận nghĩa vụ mang tính ràng buộc. Họ lý luận các nước công nghiệp phát triển phải có trách nhiệm lớn hơn, phải là người đi trước trong việc cắt giảm khí thải, với tỉ lệ ở mức cũng lớn hơn. Cùng lúc, các nước đang phát triển e ngại thỏa thuận tại COP21 sẽ có thể kìm hãm tăng trưởng, khi mà nền kinh tế mới chỉ đang dừng ở giai đoạn phát triển theo bề rộng.

Gạch nối để san lấp những bất đồng này chính là nghĩa vụ trợ giúp của các nước giàu (Bắc bán cầu) đối với các nước nghèo (Nam bán cầu). Năm 2009, các nước giàu đã hứa cung cấp tài chính trị giá 30 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012 và nâng lên mức 100 tỷ USD/năm bắt đầu từ năm 2020. Đây được xem là khoản tiền “đền bù” vì các nước giàu là thủ phạm chính dẫn đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó thực hiện bởi đến tháng 6/2015, mới có 30 quốc gia hứa tài trợ khoảng 10,2 tỷ USD trong đó chỉ 4 tỷ USD có thể sẵn sàng được giải ngân và không hẳn là hoàn toàn viện trợ không hoàn lại. Giữa “mớ bòng bong” này là hoạt động tấp nập của giới vận động hành lang - các tổ chức, nghiệp đoàn, công ty hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá) - thế lực không muốn hoạt động bị giới hạn.

Cuối cùng, đó là sự ‘thực lòng” đối với lợi ích và nghĩa vụ chung. Những thất bại liên tiếp gần đây của các hội nghị thượng đỉnh từ Copenhagen (2009) đến Lima (2014) khiến nhiều dư luận đặt câu hỏi điều gì thực sự đang diễn ra trong các phòng họp kín. Các nước công nghiệp phát triển đến hội nghị với một đội ngũ hùng hậu, gồm cả hàng trăm các nhà đàm phán, giới chức ngoại giao, luật sư, chuyên gia truyền thông với mục tiêu hướng lái chủ đề thảo luận theo ý muốn. Tiến trình thảo luận chính thức đôi khi bị bỏ qua, do các nước giàu áp dụng chiến thuật đàm phán “loại trừ” - chỉ tiếp xúc với các đối tác có “thiện chí”, bỏ qua các bên có “bất đồng” (thường là các nước nghèo). Kết quả các cuộc thảo luận kín trong “phòng xanh” này là “thỏa thuận” được chuyển tới tất cả các phái đoàn sau đó theo kiểu “chấp nhận hoặc không tùy ý”.

Một bước đi khác mà các “ông lớn” áp dụng là con bài “cây gậy và củ cà rốt”. Theo đó, đại diện các nước nghèo sẽ được tiếp cận, được hứa hẹn về những khoản trợ giúp “thỏa đáng”, đổi lại họ phải ủng hộ các điều khoản có lợi cho các nước giàu. Thực tế này đã từng xảy ra với “quy mô công nghiệp” tại Hội nghị Durban, Nam Phi (2011) nhằm vào một loạt các nước châu Phi, khiến dư luận gắn cho biệt danh “ngoại giao sổ séc”.
Hoài Thanh
COP21-Cơ hội cuối cùng cứu Trái đất? - Kì 1
COP21-Cơ hội cuối cùng cứu Trái đất? - Kì 1

Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra từ 30/11 - 11/12/2015 tại Paris được xem là cơ hội cuối cùng để các bên đi đến một thỏa thuận về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN