Nước Mỹ và mùa bầu cử tổng thống lạ thường

Chính sách tranh cử - Hai góc nhìn đối lập

Một ứng cử viên tổng thống dày dạn kinh nghiệm như bà Hillary Clinton và một ứng cử viên “ngoại đạo” như ông Trump khó có thể có chung một chính sách, tầm nhìn cho nước Mỹ, nếu không muốn nói là chính sách của họ có nhiều điểm đối nhau “chan chát”.

Kế thừa ông Obama

Qua những thông điệp mà bà Clinton đưa ra trong bầu cử sơ bộ và cả quá trình tranh cử, có thể nhận thấy rõ bà Clinton chọn cách kế thừa, tiếp nối chính sách ôn hòa mà chồng mình là cựu Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Barack Obama đã theo đuổi từ trước đến nay. 

Về các vấn đề trong nước, bà Clinton bảo vệ chính sách cải cách bảo hiểm y tế của Tổng thống Obama (Obamacare), hỗ trợ chương trình giáo dục mầm non, miễn nợ học phí đại học, siết chặt luật kiểm soát súng đạn, ủng hộ quyền phụ nữ, ủng hộ quyền công dân của cộng đồng đồng tính.

Trên trang web chiến dịch tranh cử, bà Clinton đã nêu chi tiết chính sách kinh tế trong tương lai, có 17 hạng mục khác nhau. Theo đó, bà sẽ tăng thuế thu nhập cá nhân với những người giàu, tăng lương tối thiểu, thiết lập chế độ nghỉ thai sản để trả lương cho các cặp vợ chồng, hỗ trợ người nhập cư... 

Bà Clinton kế thừa nhiều chính sách của ông Obama.

Tất cả các sáng kiến trên đều được mở rộng từ chính sách hiện hành của Tổng thống Obama. Nhìn chung, các đề xuất này có lợi cho việc làm và tăng trưởng chung, song trên thực tế, kế hoạch cải cách của bà Clinton không được nhiều nhà kinh tế học hưởng ứng. Ngay trong ngày diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa hai ứng viên, đã có hơn 300 nhà kinh tế học đến từ các trường đại học uy tín bao gồm MIT, Princeton, Stanford and Yale ký vào bức thư phản đối chính sách kinh tế của bà do ông James Carter - Chủ tịch Ủy ban Ngân sách thượng viện Quốc gia chấp bút. Các nhà kinh tế cho rằng những đề xuất hết thời đó không đủ khả năng để vực dậy tốc độ tăng trưởng mới cho nền kinh tế cường quốc này.

Về chính sách đối ngoại, những kinh nghiệm trong hàng chục năm làm Đệ nhất phu nhân cũng như lăn lộn trên chính trường Mỹ, bà Clinton tin rằng mình là người duy nhất có đủ trình độ để giải quyết mối quan hệ của Mỹ với các nước khác. Trong lần tranh cử lần này, thay vì lặp lại những sai lầm trước đây dưới tư cách Ngoại trưởng Mỹ, ứng viên Clinton xuất hiện với một quan điểm ngoại giao khác biệt, khiến những người ủng hộ đều nhận xét đó là một dấu hiệu của một người biết lắng nghe và học hỏi. 

Chính sách của bà mạnh mẽ hơn chính sách của ông Obama trong việc giải quyết mọi thách thức an ninh và giúp Mỹ có lợi hơn trong chuỗi các xung đột toàn cầu. Đối với vấn đề lớn nhất hiện nay là cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm ở Syria, thay vì ủng hộ thay đổi chế độ Syria, bà Clinton lại muốn triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình. Bà ủng hộ thiết lập một vùng cấm bay để hỗ trợ cho các cuộc tấn công, theo đó NATO bảo vệ vùng trời, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp các lực lượng bộ binh, châu Âu có thể giám sát khu vực tị nạn và Liên hợp quốc giám sát các kênh ngoại giao của Syria. Theo bà, điều này có thể ngăn chặn IS tiếp tục bám rễ, từ đó giúp chuyển giao quyền lực ổn định và thành công. 

Bứt phá nhưng không khả thi

Trái với một Clinton điềm tĩnh, kinh nghiệm thì ông Trump lại luôn tỏ ra lúng túng với những vấn đề đối ngoại và liên tục có những phát ngôn gây sốc, đi lệch khỏi các giải pháp thông thường mà nước Mỹ từ trước đến nay duy trì. Ông muốn trục xuất tất cả dân nhập cư bất hợp pháp, xây bức tường dọc biên giới với Mexico, rút Mỹ khỏi NATO, dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, cấm cửa người Hồi giáo... 

Các đề xuất trên nghe đã thấy sốc và khó khả thi. Trong thực tế, các đề xuất của ông Trump liên tục bị giới học giả chính trị Mỹ chỉ trích vì “không thực tế, không đồng nhất, khó hiểu, không thể triển khai”. Tuy vậy, một bộ phận cử tri vẫn cho rằng ông Trump là sự lựa chọn tốt nhất để hàn gắn và hồi sinh một quốc gia đang “tan vỡ” như Mỹ. Theo chiến lược gia đảng Cộng hòa Roger Stone, 87% cử tri Mỹ tin rằng quốc gia đang đi sai đường, đổ lỗi lầm cho các chính trị gia truyền thống và chính quyền do phe Dân chủ lãnh đạo. Đó cũng là lý do mà ngày ở vòng sơ bộ, thay vì các ứng viên tên tuổi trong chính trường, cử tri Cộng hòa đã chọn ông Trump. 

Nếu như lép vế so với bà Hillary về các chính sách đối ngoại thì ông Trump lại tự tin khi nói về kinh tế. Ông đã chứng minh được cho các cử tri thấy mình là một doanh nhân thành công, có tiềm lực tài chính khổng lồ và luôn quảng bá về sự giàu có của mình. Ông tuyên bố sẽ điều hành đất nước như điều hành kinh doanh. 

Kế hoạch mà ông Trump vạch ra là ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông sẽ đưa GDP của Mỹ tăng 3,7% đồng thời tạo thêm 4 triệu việc làm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng do các chính sách cắt giảm thuế quá mạnh tay, nên ngân sách Mỹ sẽ chịu thiệt hại tới 9.500 tỷ USD trong 10 năm. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách công và nợ công sẽ tăng chóng mặt do ông Trump muốn tăng cường đầu tư cho quân đội và bảo hiểm y tế cho cựu chiến binh. Ngoài ra, chính sách đánh thuế thu nhập của người nhập cư và doanh nghiệp nước ngoài sẽ khiến nước Mỹ mất dần sức hút đối với nhóm đối tượng trên. Hệ quả là nước Mỹ sẽ bị “cô lập và thiệt hại nặng hơn”.

Thậm chí, tạp chí Forbes dẫn báo cáo Moody’s Analytics tháng 6/2016 nhận định, nếu Donald Trump đắc cử, kinh tế Mỹ sẽ có được một vài lợi ích ngắn hạn, nhưng sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng bắt đầu từ năm 2018 cho đến hết 2020.
Hồng Hạnh
Ông Trump đã vượt lên dẫn trước bà Clinton
Ông Trump đã vượt lên dẫn trước bà Clinton

Tuần trước, ông Trump bị bà Clinton dẫn trước 12 điểm, nhưng kết quả điều tra mới nhất công bố hôm nay (1/11) cho thấy tình thế đã đảo ngược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN