Thế nhưng, biến đổi khí hậu cùng dân số tăng nhanh đã khiến huyết mạch này ngày càng suy thoái, cạn kiệt, đẩy thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng nước chưa từng có. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) coi khủng hoảng nước là một trong 5 rủi ro hàng đầu đối với thế giới xét về tác động, trong khi giới chuyên gia nhận định tầm quan trọng của nước sẽ sớm vượt dầu mỏ trong những thập niên tới.
Nhìn từ không gian, nước chiếm đa số hành tinh Xanh, bao phủ tới 3/4 diện tích bề mặt, song khoảng 97% là nước mặn, con người không thể uống hoặc dùng để sản xuất nông nghiệp. Trong số 3% lượng nước ngọt còn lại, có tới hơn 2/3 bị đóng băng trong các chỏm băng và sông băng. Như vậy, chỉ còn chưa đến 1% lượng nước ngọt có thể dùng để duy trì sự sống trên Trái Đất, tồn tại ở sông, hồ, tầng chứa nước ngầm, băng trên mặt đất... Đáng nói là nguồn cung hữu hạn này lại không phân bố đồng đều. Chẳng hạn, nếu trữ lượng nước trong tự nhiên ở Iceland là 500.000 m3/người/năm, thì con số này ở Dải Gaza chỉ dưới 60 m3. Một báo cáo của LHQ cho thấy trong khi 2 tỷ người sống ở những quốc gia mà lượng nước được sử dụng nhiều hơn lượng có sẵn trong tự nhiên, có tới 4 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất mỗi năm một lần.
Nước đã hữu hạn lại thường xuyên bị tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đe dọa. Chỉ trong 20 năm, Trái Đất đã mất khoảng 20% lượng nước ngọt sẵn có và nếu không hành động ngay, tỷ lệ này sẽ tăng lên hơn 30% vào năm 2050. Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) khẳng định: “Thế giới đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có và đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn, khi đi kèm các hệ lụy của quá trình biến đổi khí hậu”. Ngay cả kịch bản “lạc quan” về việc thế giới có thể khống chế đà tăng nhiệt của Trái Đất ở mức 1,3 đến 2,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì dự báo đến năm 2050, vẫn có thêm 1 tỷ người phải sống trong điều kiện thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng.
Thống kê cho thấy nhu cầu về nước đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1960 và nhu cầu này có thể tăng thêm 20 - 25% vào năm 2050, trong bối cảnh dân số thế giới hiện hơn 8 tỷ người được dự báo "cán mốc" 9,6 tỷ người vào năm 2050. Ít nhất 25 quốc gia, chiếm 25% dân số thế giới, đang phải đối mặt với “tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao” - tức đang sử dụng gần như toàn bộ lượng nước mình có. Tính riêng mùa hè 2023, khan hiếm nước đã ảnh hưởng đến 11% dân số Liên minh châu Âu (EU), trong khi tỷ lệ này tại Nam Á là hơn 74% và tại Trung Đông - Bắc Phi là 83%. Do đó, dù tiếp cận nguồn nước là quyền của con người, song vẫn có tới hơn 2 tỷ người trên thế giới đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch; gần 800 triệu người không được tiếp cận với nước sạch ngay gần nơi mình sinh sống, hàng triệu trẻ em phải đi bộ nhiều km mỗi ngày để lấy nước;…
Khan hiếm nước kéo theo một loạt hệ lụy khác từ sức khỏe, đến an ninh lương thực, thậm chí là xung đột. Ô nhiễm và thiếu khả năng tiếp cận nước sạch là nguyên nhân khiến 1,4 triệu người tử vong mỗi năm và 74 triệu người bị giảm tuổi thọ do các bệnh liên quan đến nước ô nhiễm, như đau mắt đỏ, tả, thương hàn, lỵ, tiêu chảy, viêm gan A… Bản đồ dự báo phân bổ nước của WRI nhấn mạnh nguy cơ đối với an ninh lương thực, khi 60% số cây trồng cần tưới tiêu đang bị đe dọa bởi tình trạng căng thẳng về nước ở mức "cực kỳ cao”. Ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán, thiếu nguồn nước vô hình trung đã đẩy giá lương thực leo thang, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của những người có thu nhập thấp, kéo theo nguy cơ bất ổn xã hội. Cũng vì khan hiếm nước nên những căng thẳng liên quan đã bùng phát, thậm chí là châm ngòi cho xung đột.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương (Mỹ) năm 2019, với 286 dòng sông quốc tế và 468 tầng chứa nước xuyên biên giới, và hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới, các vụ xung đột liên quan đến nước đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Căng thẳng về khả năng tiếp cận nguồn nước bùng phát trên cả 5 châu lục, từ vùng Sahel châu Phi, đến lưu vực sông Danube ở châu Âu; lưu vực sông Tigre và sông Euphrates giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq; sông Indus giữa Ấn Độ và Pakistan; thậm chí cả sông Colorado chảy qua Mỹ và Mexico.
Ông Abou Amani, Giám đốc phụ trách mảng khoa học về nước tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), khẳng định: “Nhu cầu về nước tăng sẽ ngày càng tạo ra áp lực về nguồn nước và thật không may, các căng thẳng ngày càng gia tăng”. Tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu nước trở thành vũ khí trong xung đột vũ trang, là phương tiện để giành hoặc duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và dân cư hoặc để gây áp lực cho các nhóm đối thủ.
LHQ đã lựa chọn chủ đề “Nước cho hòa bình” trong Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay nhằm nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Theo giới chuyên gia, chỉ có cách cùng nhau hành động mới có thể cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, để nước thực sự là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh có tới 153 quốc gia chia sẻ tài nguyên nước, song chỉ 24 nước báo cáo có thỏa thuận hợp tác về toàn bộ nguồn nước chung, việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới, tham gia và thực hiện Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia LHQ sẽ giúp quản lý tài nguyên nước chung một cách bền vững.
Là quốc gia có hệ thống sông, suối dày đặc (3.450 sông, suối chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 405 sông, suối liên tỉnh gồm cả sông xuyên biên giới), Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đoàn kết, hợp tác, chia sẻ nguồn tài nguyên nước quý giá. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia Công ước về nước của LHQ - Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc bảo đảm sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu. Năm 2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tài nguyên nước sửa đổi nhằm quản lý tổng hợp, thống nhất, bảo đảm an ninh nguồn nước, khai thác sử dụng trên cơ sở hài hòa lợi ích.
Tổng Thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta cần đoàn kết và sử dụng nước vì hòa bình, đặt nền móng cho một ngày mai ổn định và thịnh vượng hơn”. Mục tiêu đó chỉ đạt được khi các nước hành động dựa trên nhận thức rằng nước không đơn giản chỉ là tài nguyên để sử dụng và cạnh tranh, mà còn là quyền của con người, là yếu tố quyết định hòa bình trên thế giới.