Châu Âu bên bờ khủng hoảng tỵ nạn

Báo Bưu điện quốc gia (Canađa) ngày 26/2 cho rằng, tình trạng rối loạn tại các nước Arập ở Bắc Phi không chỉ là một cuộc khủng hoảng chính trị, mà nó còn có thể sớm châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tỵ nạn quy mô lớn.

ảnh: Người di cư Tuynidi tại trung tâm tạm giữ người tỵ nạn ở Lampedusa (Italia)ngày 14/2.

Sau khi chế độ của Tổng thống Ben Ali ở Tuynidi sụp đổ, khoảng 5.000 người Tuynidi đã tìm cách chạy sang Italia. Những người này đang bị tạm giữ trên đảo Lampedusa, trong lúc chính phủ Italia đang cân nhắc xem nên quyết định như thế nào. Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã công khai bày tỏ quan ngại rằng khoảng 300.000 người Libi có thể tìm cách chạy sang Italia sau sự sụp đổ của chế độ Gaddafi. Thủ đô Tripôli của Libi chỉ cách đảo Lampedusa khoảng 200 dặm biển.

Năm 2007, Tây Ban Nha đã hợp pháp hóa 750.000 người nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên sự ân xá hào phóng này đã dẫn đến việc ngày càng có nhiều người nhập cư bất hợp pháp tìm cách vào Tây Ban Nha. Những người Marốc tuyên bố tỵ nạn sau khi lọt được vào Ceuta, vùng đất tại Bắc Phi của Tây Ban Nha. Còn những người Tây Phi thì dùng thuyền vượt 800 dặm biển tới quần đảo Canaria của Tây Ban Nha.

Ai Cập thì sao? Khoảng 25% số thanh niên Ai Cập trong độ tuổi 20 học đại học. Để tuyển dụng số sinh viên tốt nghiệp này, Ai Cập đã mở rộng khu vực nhà nước. Một số ước tính cho rằng, 35% lực lượng lao động Ai Cập đang làm việc cho nhà nước. Nhưng khu vực công chức, dù tăng trưởng nhanh đến mấy cũng không thể bắt kịp: Số sinh viên tốt nghiệp đại học tại Ai Cập phần lớn là thất nghiệp. Có bao nhiêu người trong số sinh viên tốt nghiệp này thích sống tại châu Âu giàu có hơn?

Thế giới Arập, nhất là tại khu vực Bắc Phi, đang hỗn loạn do những thất bại về kinh tế và chính trị của các chính phủ. Người dân của các nước này đang ngày càng coi việc di cư sang nước khác là một giải pháp.

Nhưng giải pháp của họ là một khó khăn của châu Âu. Hiện nay, mỗi năm châu Âu đang phải tiếp nhận 1,7 triệu người nhập cư, cả tự nguyện và không tự nguyện, nhiều hơn cả Mỹ. Những người nhập cư vào châu Âu chủ yếu đến từ Trung Đông và Bắc Phi, và chủ yếu theo đạo Hồi. Những người nhập cư này thường không được trang bị các kỹ năng cần thiết để thành công trong một nền kinh tế phát triển. Họ thường thuộc tầng lớp dưới đáy của lực lượng lao động và thường biến thành tội phạm hoặc cực đoan về chính trị.

Theo kết quả một nghiên cứu của ông Christopher Caldwell, trong giai đoạn 1971-2000, số người nhập cư sống tại Đức tăng hơn gấp đôi, từ 3 triệu người lên 7,5 triệu người. Nhưng số lượng người nhập cư trong lực lượng lao động Đức lại không hề tăng: Vẫn giữ nguyên ở mức 2 triệu người. Trong những tuần gần đây, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp đều miêu tả các chính sách nhập cư gần đây của họ là một thất bại. Các nhà lãnh đạo này không sử dụng từ "nhập cư" mà dùng từ "đa văn hóa" nhưng ai cũng hiểu ý của họ là gì.

Sức ép nhập cư vào châu Âu dường như đang tăng lên. Sự đàn áp bạo lực, như tại Libi, đang khiến những người dân thường phải sơ tán khỏi khu vực chiến sự.


Sự hỗn loạn chính trị đang làm gián đoạn các nền kinh tế từ Marốc tới Vịnh Pécxích, khiến những người thất nghiệp phải đi tìm việc ở nước ngoài. Giá dầu đã tăng mạnh, có nghĩa là giá lương thực cũng sẽ sớm tăng theo, làm tăng thêm cảnh cơ cực của những người nghèo trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Dân số Trung Đông và Bắc Phi đang tăng lên.


Dân số Ai Cập đã tăng từ 20 triệu người năm 1950 lên 80 triệu người hiện nay. Khoảng 2/3 số dân Arập dưới 25 tuổi. Trong vòng 15 năm tới, khu vực này cần tới 80 triệu việc làm mới để bắt kịp với mức bùng nổ dân số.

Châu Âu đang tìm cách hỗ trợ bằng việc thúc đẩy thương mại tự do hơn. Liên minh châu Âu (EU) đã có các hiệp định thương mại tự do với các nước Bắc Phi từ những năm 1960. Năm 2004, Ai Cập, Tuynidi, Gioócđani và Marốc đã ký một hiệp định nhằm tạo ra một Khu vực thương mại tự do với EU. Hơn một nửa số hàng hóa của bốn quốc gia này hiện được xuất khẩu sang EU.


Lĩnh vực xuất khẩu yếu kém là vấn đề chung của các nước Trung Đông và Bắc Phi không sản xuất dầu mỏ. Các nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo đang trì trệ. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của Xyri cao hơn Hàn Quốc; Angiêri thì tương đương mức của Bồ Đào Nha. Năm 1980, GDP bình quân đầu người của Ai Cập bằng 250% của Trung Quốc; ngày nay, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cao hơn của Ai Cập 75%.

Vậy châu Âu có thể làm gì? Châu Âu đang củng cố biên giới của họ. Tây Ban Nha đã xây dựng một bức rào kiểu Ixraen xung quanh Ceuta. Tàu chiến của châu Âu đang đi tuần vùng biển giữa Tuynidi và Lampedusa. Các hoạt động thực thi luật nhập cư được siết chặt ở bên trong châu Âu.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN