Căn bệnh mãn tính của nước Mỹ

Sau thành phố Ferguson, giờ đến lượt Baltimore trở thành tâm điểm của nước Mỹ về vấn đề phân biệt chủng tộc. Dù bạo lực phản đối cái chết của thanh niên da màu Freddie Gray khi đang bị cảnh sát giam giữ đã lắng xuống nhưng căn nguyên của vụ việc vẫn chưa được giải quyết và có thể bùng lên bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ thành phố nào của nước Mỹ.

Cái chết của Gray không phải là nguyên nhân trực tiếp của vụ bạo động chưa từng có ở thành phố Baltimore. Nó chỉ là chất xúc tác thổi bùng cơn giận, một giọt nước làm tràn cái ly bất mãn mà cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Baltimore phải chịu đựng bấy lâu nay. Trải qua một thời gian dài bị cảnh sát lạm dụng, bắt bớ hàng loạt cộng với sự bất bình đẳng xã hội đã khiến người Mỹ gốc Phi luôn âm ỉ sự phản kháng. Qua đó cho thấy phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề rất nhức nhối, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội ở Mỹ.

Một người biểu tình da màu đối mặt với một cảnh sát da trắng ở Baltimore ngày 25/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Điều này đã được chứng minh rõ ràng qua một đoạn video dài ba phút mà hãng phim Brave New Films ở California mới công bố. Đoạn video đã sử dụng nghiên cứu của trường Đại học Yale, Liên minh tự do dân sự Mỹ và Tạp chí Y khoa New England, theo đó những hồ sơ xin việc có cái tên có vẻ là của người da màu có 50% nguy cơ bị loại ngay từ vòng đầu khi xét tuyển ứng viên. Trong một nghiên cứu năm 2002 của Đại học Chicago, người ta đã gửi hàng nghìn đơn xin việc cho các nhà tuyển dụng để thử nghiệm. Các đơn xin việc đều giống nhau, chỉ khác tên của ứng viên. Sau đó, kết quả cho thấy những người mà tên có vẻ như của người da trắng như Emily hay Brendan, được gọi đi phỏng vấn nhiều hơn là những người có tên kiểu như Lakisha hay Jamal.

Nghiên cứu của Ian Ayres và Peter Siegelman thuộc trường luật Yale cho thấy người da màu đi mua ô tô bao giờ cũng bị tính giá cao hơn khoảng 700 USD cho dù mọi người mua đều dùng một cách mặc cả giá như nhau. Khi đi ô tô, lái xe da màu bị cảnh sát yêu cầu dừng xe nhiều gấp hai lần so với lái xe da trắng. Số người da màu bị cảnh sát bắt nhiều gấp sáu lần người da trắng. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy tỷ lệ thanh niên da màu bị bắt giam cao đáng ngạc nhiên. Nghiên cứu kết luận nếu xu hướng này tiếp tục, cứ ba nam giới da màu thì sẽ có một người phải trải qua thời gian ở tù trong cuộc đời của mình.
Tỷ lệ người da màu bị bắt vì dùng cần sa cũng nhiều hơn so với người da trắng cho dù người da màu và da trắng hút cần sa với tỷ lệ bằng nhau. Về lĩnh vực y tế, bệnh nhân da màu ít được bác sĩ tư vấn về bệnh tật hơn bệnh nhân da trắng.

Liên quan đến vấn đề lập pháp, các nghị sĩ dường như cũng phớt tờ những cử tri mang tên có vẻ là của người da màu. Nghiên cứu năm 2011 của Daniel Butler và David Broockman thuộc trường Đại học Yale chỉ ra rằng các nghị sĩ bang thường “ngại” trả lời yêu cầu giúp đỡ đăng ký bầu cử khi người gửi thư yêu cầu có cái tên da màu. Nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có cùng mức độ phân biệt đối xử với cử tri có tên của người da màu.

Ngay như trong vụ việc xảy ra ở Baltimore, các phương tiện báo chí cũng không muốn thừa nhận rằng phản ứng bạo lực, giận dữ của thanh niên Baltimore là hợp lý và hoàn toàn có thể hiểu được trước hành vi đối xử độc ác, phạm pháp của cảnh sát với người da màu. Báo chí dùng những từ như bạo động, côn đồ, tội phạm, du thủ du thực, căn bệnh da đen để tả cuộc bạo loạn ở Baltimore. Việc dùng từ “bạo loạn” để miêu tả những cuộc nổi dậy của người da màu ở Mỹ có từ thời khi nhà hoạt động nhân quyền da màu Martin Luther King bị ám sát những năm 1960.

Thực tế trong thời gian qua, các vụ bạo động liên quan đến phân biệt chủng tộc đều bắt đầu bằng một sự kiện giống nhau: một người da màu bị cảnh sát giết chết trong khi đa số cảnh sát không bị truy tố.

Dù đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama là một người Mỹ gốc Phi, thế nhưng những sự kiện như kiểu Ferguson hay Baltimore vẫn tái diễn liên tục. Điều đó có thể được hiểu là việc nước Mỹ có một tổng thống da màu không có nghĩa là căng thẳng sắc tộc đã biến mất khỏi đất nước. Điều đó có nghĩa là ngay cả một tổng thống da màu cũng không thể chống lại nạn phân biệt chủng tộc và bảo vệ cộng đồng người da màu. Thậm chí, một số người cánh hữu còn cáo buộc chính quyền của ông Obama đã gây ra nhiều rắc rối về chủng tộc. Họ nói rằng tội phạm da màu có cảm giác an toàn hơn trước chính phủ do một người da màu làm chủ. Còn cảnh sát da trắng thì không muốn làm việc nghiêm chỉnh và diệt trừ tội phạm da màu vì họ biết họ sẽ bị cáo buộc phân biệt chủng tộc mỗi khi tìm cách bắt một người da màu.

Như vậy, có thể nói phân biệt chủng tộc là một căn bệnh kinh niên của Mỹ chỉ chờ thời cơ tái phát mà ngay cả “liều thuốc” Obama cũng không thể chữa khỏi.


Thùy Dương

Mỹ: Nổ súng gần khu vực biểu tình ở Ferguson
Mỹ: Nổ súng gần khu vực biểu tình ở Ferguson

Biểu tình bạo lực đã nổ ra ở thị trấn Ferguson nhằm phản đối vụ một thanh niên da màu tử vong do chấn thương nghiêm trọng một tuần sau khi bị cảnh sát Baltimore bắt giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN