Bước tiến nhỏ, bất đồng lớn

Hội nghị tham vấn của Liên hợp quốc (LHQ) về khí hậu - tên gọi chính thức là Hội nghị Ban bổ trợ Khoa học và Công nghệ lần thứ 60 (SB-60) - diễn ra tại Bonn (Đức), trụ sở chính của Ban thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, đã kết thúc với nhiều bất đồng dù đạt được một số bước tiến.

Chú thích ảnh
Đáy một hồ chứa ở Girona, Tây Ban Nha khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài, ngày 2/2/2024. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Kéo dài trong gần hai tuần (từ 3 - 13/6), sự kiện tại Bonn nhằm mục đích thúc đẩy tiến trình giải quyết các vấn đề chính liên quan tới Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) năm ngoái và chuẩn bị các quyết định để thông qua tại COP29 ở Baku (Azerbaijan) vào tháng 11 năm nay. Bởi vậy, đây được coi là hội nghị trù bị cho COP29.

Hội nghị tập trung vào các vấn đề quan trọng như tài chính khí hậu, thúc đẩy tiến độ trong vòng hành động khí hậu quốc gia tiếp theo, hay còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), việc nộp kịp thời các Báo cáo minh bạch quốc gia 2 năm/lần, xây dựng các kế hoạch thích ứng quốc gia và đẩy nhanh hành động khí hậu thông qua quá trình chuyển đổi công bằng...

Không ngoài dự đoán, các cuộc đàm phán về tài chính khí hậu tại hội nghị SB-60 đã kết thúc trong bế tắc do các nước không đạt được tiến bộ cụ thể nào. Trọng tâm của các cuộc thảo luận là việc các quốc gia cần thống nhất về Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCGQ) tại COP29, liên quan đến số tiền mà các nước phát triển cần huy động mỗi năm kể từ năm 2025 để hỗ trợ hành động về khí hậu ở các nước đang phát triển. Tại cuộc họp này, các nước không nhất trí về quy mô của số tiền, đối tượng được ưu tiên tài trợ, hình thức sử dụng và định nghĩa "quốc gia phát triển".

Đảm bảo đóng góp cho quỹ khí hậu từ lâu đã là điểm mấu chốt của các cuộc đàm phán. Một số nước, như Na Uy, lập luận rằng các quốc gia có lượng khí thải và năng lực kinh tế cao như Trung Quốc hoặc các quốc gia dầu mỏ nên tham gia nhóm đóng góp. Tuy nhiên hiện tại, nhóm nước này lại tự xác định mình là các nước đang phát triển theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và không phải đóng góp cho các quỹ. Mỹ cũng nằm trong số các nước cho rằng nên mở rộng nhóm các nhà tài trợ để bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là những nước nào được ưu tiên nhận tài trợ. Nhiều nước giàu, trong đó có Mỹ, cho rằng các khoản tài chính này nên dành cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu - các quốc gia kém phát triển nhất (LDC) và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Tuy  nhiên, các nước đang phát triển lại cho rằng tất cả họ đều đủ điều kiện nhận tài trợ.

Vấn đề gây tranh cãi khác là hình thức tài chính khí hậu, cụ thể là dưới hình thức quỹ hay khoản vay. Các nước đang phát triển cũng nêu quan ngại về yếu tố thực sự cấu thành các khoản tài chính khí hậu, nói rằng các khoản vay không nên được tính vào đóng góp của các nước phát triển.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy năm 2022, các nước phát triển đã thực hiện được cam kết đóng góp 100 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, 69% số tiền này được cung cấp dưới hình thức cho vay. Các nhóm bao gồm Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) và LDC cho rằng điều này chỉ làm tăng gánh nặng nợ nần của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Ông Harjeet Singh, nhà hoạt động khí hậu và quan sát viên tại hội nghị Bonn, chia sẻ: “Theo quan điểm của chúng tôi, đó là công lý, đó là sự bồi thường, đó là trách nhiệm của các nước giàu. Trong khi đó họ lại coi đây là một cơ hội kiếm tiền.”

Theo số liệu mới do Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) công bố, mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD cũng có thể đạt được bằng cách thay đổi cách thức viện trợ hiện có. Các nước phát triển được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm những nguồn tài trợ lớn hơn, nhưng CGD tuyên bố ít nhất 6,5 tỷ USD trong số viện trợ khí hậu tăng kỷ lục trong năm 2022 là được chuyển từ các chương trình viện trợ phát triển khác. Như vậy, các quốc gia giàu có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu mà lại cắt giảm được tổng ngân sách dành cho viện trợ nước ngoài.

Bên cạnh những vấn đề còn vướng mắc trên, hội nghị đã ghi nhận một số điểm nhấn. Thứ nhất, Ban thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã cho ra mắt NDC 3.0 Navigator, một công cụ tương tác nhằm hỗ trợ các quốc gia nâng cao tham vọng NDC. Công cụ này được phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và hơn 30 đối tác khác.

Ông Simon Stiell, Thư ký Điều hành Ban Thư ký, cho biết NDC 3.0 Navigator có thể giúp kết nối các bên với thông tin, các công cụ khác và địa chỉ liên hệ, có thể giúp họ phát triển những NDC mới, tập trung vào việc triển khai thực tế. NDC 3.0 Navigator giúp các nước đang phát triển xác định và khám phá các phương pháp tiếp cận phù hợp ở cấp quốc gia để chuẩn bị NDC 3.0 đầy tham vọng, phản ánh các ưu tiên quốc gia và giải quyết các nhu cầu tài chính và triển khai chính nhằm tăng cường việc đệ trình NDC vào năm 2025.

Tiếp đến, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tạm quản lý Quỹ tổn thất và thiệt hại. Sau nhiều năm tranh luận, năm 2022, tại COP27, các bên đã thống nhất thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại, một cơ chế tài chính được thiết kế để cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các quốc gia dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với gánh nặng của những thách thức liên quan đến khí hậu. Năm ngoái, các nước, trong đó có Italy và Hà Lan, đã bắt đầu cam kết tài trợ cho quỹ này.

Trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Bonn, ngày 12/6, Ban điều hành WB đã phê duyệt kế hoạch để ngân hàng này đóng vai trò là nơi tạm thời quản lý các quỹ tổn thất và thiệt hại. Họ cho biết sẽ giữ quỹ trung gian trong 4 năm với một hội đồng quản lý độc lập với ngân hàng và có cơ cấu quản trị cũng như kiểm soát các quyết định tài chính riêng biệt.

Chủ tịch COP28 - Tiến sĩ  Sultan Al Jaber - khẳng định  “đây là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các cam kết được đưa ra tại COP28”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến từ các nước đang phát triển, lo ngại rằng các nước giàu có thể có quá nhiều ảnh hưởng.

Ngoài ra, các bên tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ các mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực để hạn chế mức tăng nhiệt độ xuống 1,5 độ C. Các nước cam kết tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển. 

Bà Gaia Larsen, Giám đốc tiếp cận tài chính khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới, đánh giá hội nghị tại Bonn đã đạt được một số tiến bộ, nhưng không tạo được sự đồng thuận đối với những vấn đề gây tranh cãi nhất. Số lượng lớn các vấn đề chưa được giải quyết này cùng việc COP29 phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng về tài chính - được mệnh danh là “COP tài chính” - báo trước hai tuần đầy khó khăn ở Azerbaijan vào cuối năm nay.

Thu Hằng (Pv TTXVN tại CHLB Đức)
Châu Phi tổn thất từ 7 - 15 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu
Châu Phi tổn thất từ 7 - 15 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu

Bên lề Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Phi - AfDB đang diễn ra ở Nairobi (Kenya), Tiến sĩ Akinwunmi Adesina, Chủ tịch AfDB, cho biết khu vực này đang mất khoảng 7 - 15 tỷ USD mỗi năm do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN