Cuối cùng thì một "nút thắt" trong quan hệ nhiều sóng gió giữa Nga và Mỹ cũng đã được tháo gỡ. Cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn tới việc hai cường quốc sở hữu số đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới nhất trí gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới, Nga gọi là START 3) mà không có thêm bất kỳ điều kiện tiên quyết hay bổ sung nào.
Dư luận quốc tế ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận Nga và Mỹ vừa đạt được, đặc biệt khi START mới, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2/2021, là thỏa thuận cuối cùng về kiểm soát vũ khí còn tồn tại giữa Moskva và Washington. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã lần lượt xóa bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga, sau đó rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) đã tồn tại suốt 18 năm qua. Tuy nhiên, xét về bối cảnh địa chính trị và những lợi ích mà hiệp ước đem lại, bước đi này của Nga và Mỹ hoàn toàn logic.
Nhìn vào tình hình nước Mỹ, có thể thấy tân Tổng thống Joe Biden vừa mới nhậm chức ngày 20/1 sau một cuộc bầu cử gây ra nhiều chia rẽ và bất ổn. Việc đầu tiên ông Biden cần làm có lẽ là ổn định chính quyền và giải quyết những thách thức di sản gây tranh cãi mà người tiền nhiệm được đánh giá “hay thay đổi” Donald Trump để lại. Khác với ông Trump, Tổng thống Biden là người có bề dày kinh nghiệm và khá "lão luyện" trên chính trường Mỹ, bởi vậy, dư luận cho rằng ông sẽ chọn con đường thận trọng và đặc biệt là tỉnh táo để giải quyết các thách thức đặt ra.
Theo đánh giá của một số chuyên gia Nga, có lẽ vì thế, ông Biden đã chọn cân bằng trong quan hệ với Nga, vừa đảm bảo thể hiện được lập trường trước Tổng thống Putin, vừa đảm bảo có thể mở ra các cơ hội ngoại giao mới với Moskva, khi mà ngày càng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây thừa nhận các vấn đề lớn của châu Âu và thế giới sẽ khó giải quyết nếu thiếu sự tham gia của Nga. Cuộc điện đàm giữa ông Biden và Putin còn được đánh giá là một “sự khởi đầu tốt đẹp” trong quan hệ giữa hai nước.
Quay trở lại với một số điểm kỹ thuật trong START mới, các tổng thống Nga và Mỹ khi đó là Dmitry Medvedev và Barack Obama đã ký hiệp ước để hạn chế mỗi nước chỉ được duy trì 1.550 đầu đạn hạt nhân lắp trên các tên lửa và máy bay ném bom tầm xa.
Tuy số lượng đầu đạn này cũng thừa đủ để bên này có thể tấn công bên kia, song điều đáng nói là hiệp ước giúp hình thành khả năng minh bạch, có thể dự đoán trước. Hiệp ước có điều khoản mỗi nước phải thông báo cho nước kia bất cứ khi nào sản xuất, triển khai hoặc di chuyển tên lửa, đầu đạn hoặc máy bay ném bom. Nga đã đưa ra 20.000 thông báo như vậy trong một thập niên hiệp ước có hiệu lực. Bên cạnh đó, mỗi bên có thể yêu cầu tới 18 cuộc kiểm tra tại các địa điểm triển khai vũ khí của bên kia mỗi năm, ngoài thông tin tình báo thu được từ các vệ tinh do thám và các hoạt động giám sát khác. Những chi tiết kỹ thuật này cho thấy lợi ích minh bạch vô cùng lớn khi hiệp ước còn hiệu lực.
Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy Tổng thống Biden không muốn để nước Mỹ đối mặt với sự khó lường về hạt nhân, ít nhất là từ đối thủ Nga. Việc xóa bỏ START mới để đàm phán một thỏa thuận thay thế ngay khi tân Tổng thống Biden bắt đầu nhiệm kỳ có thể tạo ra một "khoảng trống" đặt nước Mỹ vào tình trạng "không được bảo vệ". Hơn nữa việc đàm phán một thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc quân sự như Mỹ và Nga sẽ tốn rất nhiều thời gian. Bước đi gia hạn hiệp ước chắc chắn đã được cân nhắc kỹ và đảm bảo phục vụ cho những lợi ích của Mỹ. Bản thân việc Mỹ nhất trí gia hạn tới 5 năm, thời gian tối đa cho mỗi lần gia hạn theo quy định trong hiệp ước, cũng cho thấy chính quyền Tổng thống Biden muốn duy trì START mới.
Những người phản đối hiệp ước cho rằng START mới đã lỗi thời ở nhiều điều khoản; chưa phản ánh một phần đáng kể các loại vũ khí hiện đại, cả của Mỹ lẫn Nga, cũng như sức mạnh hạt nhân của các nước khác, như Trung Quốc. Theo những ước tính thận trọng nhất của giới chuyên gia vũ khí, khoảng 40% vũ khí sát thương không nằm trong phạm vi của START mới. Các bên đều nhận thức rõ điều này, nhưng việc START mới không tồn tại cũng đồng nghĩa với việc cần bắt đầu tiến hành công việc kỹ thuật để thống nhất các thông số và điều kiện cho một thỏa thuận thay thế và đây là một quá trình không phải ngày một ngày hai. Vì vậy, ở thời điểm nhạy cảm hiện nay, bắt đầu lại tất cả sẽ thực sự là “một thảm họa”. Đương nhiên, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận trong tương lai để thay thế START mới, có lẽ sẽ sớm được xúc tiến.
Về phần mình, từ lâu Nga vẫn luôn kiên trì theo đuổi quan điểm START mới là hiệp định cắt giảm vũ khí quan trọng, là "hòn đá tảng" để duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu và cần phải được gia hạn. Quan điểm này tiếp tục được Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ tại cuộc họp báo lớn thường niên ngày 17/12/2020. Vào thời điểm đó, ông Putin nói rằng Nga muốn gia hạn hiệp ước dù chỉ là 1 năm và sau đó tiếp tục thương lượng tiếp.
Có thể thấy, việc gia hạn START mới đã tháo được ngòi nổ những căng thẳng vũ trang tiềm tàng một khi hiệp ước này không còn tồn tại, bởi Nga và Mỹ hiện nắm giữ hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng vào thời điểm bắt đầu một năm then chốt của việc giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, việc gia hạn START mới là một sự kiện quan trọng góp phần củng cố an ninh ở châu Âu. Thỏa thuận này cũng được đánh giá sẽ giúp kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang, khởi đầu cho một tiến trình ngoại giao cắt giảm, dẫn tới giải giáp hạt nhân giữa Mỹ và Nga, tạo tiền đề cho những bước đi tham vọng hơn nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ vũ khí hạt nhân cũng như có thể hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Hơn thế nữa, như đánh giá của Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev, việc đạt thỏa thuận này ngay trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai tổng thống khiến mức độ tin cậy giữa Moskva và Washington gia tăng, cho thấy Nga và Mỹ có thể thương lượng, cùng tìm ra những điểm chung để tạo điều kiện củng cố hơn nữa hòa bình và ổn định trên thế giới. Đặc biệt, thỏa thuận cho thấy rõ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay thì ổn định chiến lược có lẽ sẽ là xu thế chung của các nước lớn trên thế giới.