Ông Friedrich Merz phát biểu trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 24/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thỏa thuận, liên minh bảo thủ trung hữu CDU/CSU và đảng trung tả SPD cam kết nhiều vấn đề liên quan tới các lĩnh vực thương mại, vay nợ và chính sách thuế, năng lượng và khí hậu, quốc phòng, nhập cư... Đáng chú ý về thương mại, chính phủ tới đây cam kết tiến tới đạt thỏa thuận thương mại tự do trung hạn với Mỹ, nhưng trước mắt đặt mục tiêu tránh xung đột thương mại với Washington, tập trung vào giảm thuế nhập khẩu song phương, đồng thời nhanh chóng đạt thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Chính phủ cũng sẽ thành lập một ủy ban chuyên gia để hiện đại hóa hệ thống phanh nợ của Đức, hạn chế vay nợ công; giảm thuế suất thuế doanh nghiệp từ năm 2028; giảm đáng kể thuế bán hàng đối với nhà hàng.
Liên quan vấn đề quốc phòng an ninh, liên minh cầm quyền dự kiến tăng chi tiêu đáng kể để đáp ứng các mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về quân đội và vũ khí, đồng thời áp dụng một hình thức nghĩa vụ quân sự mới, khác với chế độ tự nguyện hiện nay. Quân đội Đức sẽ được củng cố để tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu. Đối với vấn đề nhập cư, chính phủ sẽ tạm dừng chương trình đoàn tụ gia đình đối với những người đang hưởng chế độ bảo vệ được trợ cấp; chấm dứt tất cả các chương trình tiếp nhận liên bang dành cho người tị nạn; từ chối những người xin tị nạn tại biên giới đất liền. Đức sẽ trục xuất, hồi hương người tị nạn Syria và Afghanistan...
Khi được hỏi về thông điệp gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh tranh chấp thương mại leo thang, sau khi công bố thỏa thuận liên minh, Thủ tướng tương lai Friedrich Merz khẳng định, Berlin muốn gửi một thông điệp quan trọng đến Nhà Trắng là Đức đã trở lại đúng hướng. Ông biết Đức đã sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng và Berlin cũng sẽ tập trung cải thiện khả năng cạnh tranh thương mại của mình.
Chính giới Đức đã có phản ứng trái chiều về thỏa thuận thành lập chính phủ. Đảng Cánh tả xã hội chủ nghĩa của Đức đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận liên minh, cho rằng CDU/CSU và SPD sẽ đưa nước Đức đi theo hướng hoàn toàn sai lầm khi bỏ các vấn đề như tiền thuê nhà cao, giá cả cao, sự gắn kết xã hội đang sụp đổ và các vấn đề môi trường.
Lãnh đạo nhóm nghị viện của đảng Cánh tả, Heidi Reichinnek, chỉ trích mức lương hưu quá thấp và các chính sách nhập cư mới, trong khi đảng Xanh coi đây là "một sự thất vọng lớn" xét đến các vấn đề hiện tại mà thế giới đang phải đối mặt. Đồng lãnh đạo đảng, Felix Banaszak, cho biết Đức và thế giới đang phải vật lộn với ba thách thức cốt lõi là sự sụp đổ của các hệ sinh thái, sự xói mòn của trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Về phần mình, lãnh đạo đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), Alice Weidel cáo buộc liên minh CDU/CSU của Thủ tướng tương lai Friedrich Merz đã "không giữ bất kỳ lời hứa nào trong cuộc bầu cử".
Tuy nhiên, giới chuyên gia và doanh nghiệp có phản ứng khá hài hòa. Nhà kinh tế Sebastian Dullien thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế vĩ mô và Chu kỳ kinh doanh (IMK) đánh giá thỏa thuận liên minh giữa CDU/CSU và SPD về cơ bản là tích cực: "Nếu chính phủ thực hiện các kế hoạch đầu tư như đã công bố, GDP có thể cao hơn đáng kể. Các biện pháp ổn định giá điện cũng đáng hoan nghênh. Dù vậy, vấn đề tài chính vẫn còn chưa rõ ràng". Tổng Giám đốc điều hành ngân hàng Deutsche Bank đồng thời là người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng Đức, Christian Sewing đánh giá: “Thỏa thuận liên minh bao gồm những điểm quan trọng về cải cách cơ cấu cấp bách, ví dụ như trên thị trường lao động, về việc giảm bộ máy quan liêu và về vấn đề thuế. Tuy nhiên, người ta vẫn mong muốn nhiều hơn thế". Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) cho rằng: “Liên minh đã có sự khởi đầu nhưng cần phải can đảm hơn nhiều nữa”. Các hiệp hội doanh nghiệp đánh giá cao tốc độ đàm phán của các bên và kêu gọi chính phủ tương lai nhanh chóng thực hiện cải cách.
Theo kế hoạch, sau khi các đảng tham gia liên minh tổ chức họp và chính thức thông qua thỏa thuận liên minh, CDU/CSU và SPD sẽ tổ chức lễ ký thoả thuận, có thể sau ngày 30/4 tới. Tiếp đó, sau khi tham khảo ý kiến của các nhóm nghị sĩ trong Quốc hội liên bang (Bundestag), Tổng thống Liên bang sẽ đề xuất một ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng để quốc hội thông qua. Quy trình thông qua thủ tướng liên bang được quy định tại Điều 63 của Luật cơ bản, theo đó thủ tướng sẽ được Bundestag bỏ phiếu mà không tranh luận về đề xuất của tổng thống. Để được thông qua, ứng cử viên phải giành được số phiếu quá bán trong Bundestag.
Chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng khi thách thức nội tại lớn nhất của Đức là nền kinh tế yếu kém và chính sách tị nạn. Trong khi đó, các chính sách sắp tới như tăng chi tiêu quân sự, khôi phục hạ tầng, chuyển đổi thân thiện hơn với môi trường sẽ đòi hòi khoản kinh phí không hề nhỏ. Về an ninh nội địa, loạt các vụ tấn công chết người tại Đức thời gian qua mà nghi phạm có yếu tố nhập cư đã gây xói mòn niềm tin của người dân và đặt ra bài toán về khôi phục trật tự và kiểm soát vấn đề nhập cư.
Ở góc độ châu lục, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và "quay lưng" với châu Âu, củng cố năng lực phòng thủ và tăng cường viện trợ cho Ukraine là gánh nặng không hề nhỏ khi cùng với Pháp, Đức là nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Trong bối cảnh đó, việc đạt được đồng thuận giữa CDU/CSU và SPD đánh dấu một bước ngoặt quan trọng sau nhiều bất đồng về chính sách trong giai đoạn sau bầu cử. Cử tri Đức và châu Âu sẽ chờ đợi những bước đi tiếp theo của liên minh cầm quyền để hiện thực hóa những kế hoạch đó.