Bước ngoặt của Thái Lan?

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan chuẩn bị bước vào một giai đoạn đầy bất ổn mới khi những người biểu tình đối lập lên kế hoạch "đóng cửa" thủ đô Bangkok vào ngày hôm nay (13/1) và tìm cách ngăn chặn cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Người biểu tình đi lại bên ngoài tòa nhà Chính phủ Thái Lan ngày 12/1. Ảnh: AFP-TTXVN


Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài giữa những người ủng hộ và phản đối cựu Thủ tướng đang sống lưu vong Thaksin Shinawatra. Những người biểu tình cho biết họ sẽ phong tỏa các giao lộ chính, không cho các quan chức tới công sở và cắt điện của các cơ quan nhà nước trọng yếu cho đến khi lật đổ được chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra - em gái của ông Thaksin. Các trường học sẽ đóng cửa vì lo ngại đến sự an toàn của học sinh, trong khi đó, đại sứ quán Mỹ khuyến cáo nên dự trữ lương thực, nước uống và thuốc men cho khoảng 2 tuần tới.


Chính quyền cho biết họ đã sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu cuộc nổi dậy mới xảy ra. Có khoảng 20.000 cảnh sát và quân lính sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh. Các chiến dịch biểu tình phản đối đã huy động được con số đỉnh điểm là 150.000 người đổ ra đường. Họ lên tiếng cáo buộc chính phủ của bà Yingluck tội tham nhũng và yêu cầu bà phải từ chức. Tám người, trong đó có một cảnh sát, đã bị giết và hàng chục người bị thương trong vụ bạo lực trên đường phố trong các tuần qua. Chính phủ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng đổ máu có thể tiếp tục diễn ra.


Bà Yingluck đã kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới nhằm cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng, tuy nhiên, phe đối lập - vốn chưa lần nào giành được đa số phiếu trong suốt hai thập niên qua - đang tẩy chay cuộc bầu cử. Phe "Áo đỏ" ủng hộ chính phủ cũng sẽ tổ chức các cuộc diễu hành riêng hôm nay ở miền trung và miền bắc Thái Lan để kêu gọi tiến hành bầu cử. Động thái này cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng đối đầu có thể xảy ra giữa các phe đối lập, và cuộc đối đầu có thể kéo dài.


Đảng Puea Thai của bà Yingluck được cho là sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới nếu cuộc bầu cử này được tổ chức. Tuy nhiên, bà Yingluck đang phải chịu sức ép từ rất nhiều phía: Người đứng đầu quân đội không bác bỏ khả năng sẽ có một cuộc đảo chính mới, trong khi hàng chục nghị sĩ của bà có thể bị truy tố vì hành vi sai trái. Nếu bị kết tội, họ có thể sẽ bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm.


Paul Chambers, Giám đốc nghiên cứu của Viện các vấn đề Đông Nam Á thuộc Đại học Chiang Mai ở phía Bắc Thái Lan, nói: "Tôi không cho rằng cuộc bầu cử sẽ diễn ra bởi những quan chức trong bộ máy tư pháp đang chống lại chính phủ bà Yingluck". Ông cho rằng bà Yingluck có thể sẽ đối mặt với cáo buộc pháp lý vì có liên quan đến dự luật cải cách Thượng viện (vốn đã thất bại) và các cáo buộc tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo của chính phủ. Ông Chambers nói: "Các phán quyết này sẽ giúp mang lại tính hợp pháp cho những người biểu tình trong bối cảnh họ đang tiến hành phong tỏa Bangkok và nhiều khu vực phía Nam Thái Lan".


Đợt biểu tình lần này là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010. Giá cổ phiếu và đồng baht Thái đã sụt giảm mạnh bởi tình trạng hỗn loạn làm các du khách và nhà đầu tư e ngại. Thanavath Phonvichai, chuyên gia dự báo kinh tế của một trường đại học thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, cho rằng nếu cuộc khủng hoảng không lắng dịu trong những tháng tới, "chúng ta sẽ phải chấp nhận một dự đoán tồi tệ nhất rằng lượng khách du lịch sẽ sụt giảm khoảng 50%".

 

TTK

Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập sẽ tranh cử tổng thống?
Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập sẽ tranh cử tổng thống?

Tướng Abdel - Fattah al - Sisi, Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, cho biết sẽ ra tranh cử tổng thống nếu người dân đề nghị và quân đội đồng ý.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN