Sau nhiều ngày thương lượng căng thẳng, cuối cùng Iran và nhóm P5+1 cũng đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Đây không chỉ được xem là thắng lợi từ những nỗ lực ngoại giao quyết liệt của cộng đồng quốc tế, mà còn là thành công lớn của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đánh dấu 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông.Đại diện của Iran và nhóm P5+1 sau khi đạt được thỏa thuận. Ảnh: AFP-TTXVN |
Mặc dù chỉ là tạm thời, song thỏa thuận mang ý nghĩa lịch sử bởi sau hàng chục năm thù địch và mâu thuẫn, Iran và các nước phương Tây mới có được sự nhượng bộ như vậy.
Việc Iran và các cường quốc nỗ lực tới phút chót, với hàng loạt cuộc gặp song phương, cùng sự hiện diện trực tiếp tham gia đàm phán của ngoại trưởng các nước, đã phần nào thể hiện thiện ý chí và quyết tâm của cả Iran lẫn P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) để tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được đối với các bên.
Theo thỏa thuận, Iran cam kết không làm giàu urani trên mức 5% trong 6 tháng, vô hiệu hóa kho urani đã làm giàu ở mức 20%, ngừng vận hành lò phản ứng nước nặng Arak, cho phép các chuyên gia vũ khí của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành thanh sát nhiều hơn. Đổi lại, các nước phương Tây sẽ chấm dứt một số biện pháp trừng phạt đối với Iran trị giá 7 tỷ USD và trong vòng 6 tháng tới, nếu Iran tuân thủ mọi cam kết sẽ không áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới nào.
Có vẻ như thỏa thuận trên đã làm thỏa mãn cả hai bên khi Iran vẫn giữ được quyền làm giàu urani, điều mà nước này vẫn lấy làm điều kiện tiên quyết trong mọi cuộc đàm phán từ trước tới nay. Trong khi đó, Mỹ cùng các quốc gia phương Tây, vốn lâu nay lo ngại chương trình hạt nhân của Iran có thể giúp nước này trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nay đã có thể yên lòng khi thỏa thuận phần nào hạn chế khả năng hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
Theo các nhà phân tích, cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 vừa qua trên thực tế là cuộc thỏa hiệp giữa Tehran và Washington bởi cả hai bên đều muốn có một bước đột phá nhằm chấm dứt tình trạng "ghẻ lạnh" trong quan hệ giữa hai nước suốt 34 năm qua. Đối với Tổng thống Obama, một giải pháp cuối cùng cho cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran có thể xem là thành công đối ngoại lớn trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông.
Việc tái lập quan hệ hữu nghị với Iran cũng có thể sẽ thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria cũng như các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về các vấn đề an ninh khu vực Trung Đông. Đối với Iran, việc nối lại quan hệ với Mỹ có thể dẫn đến khả năng chấm dứt các lệnh trừng phạt vốn đang làm kiệt quệ nền kinh tế nước này và giúp Tehran bước ra khỏi sự cô lập của quốc tế.
Cùng với Iran và Mỹ, dư luận quốc tế đều hoan nghênh thỏa thuận đột phá trên, coi đây là sự mở đầu cho một thoả thuận mang tính lịch sử giữa các dân tộc cũng như các quốc gia ở Trung Đông và ngoài khu vực. Tuy nhiên, cả Iran và nhóm P5+1 không nên quá lạc quan về tương lai của một giải pháp toàn diện và lâu dài bởi khó khăn và thách thức vẫn còn ở phía trước. Chính quyền của Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ cả ở trong và ngoài nước để đưa thỏa thuận đó trở thành một hiệp định toàn diện và chính thức sau 6 tháng có hiệu lực.
Ở ngoài nước, thách thức nằm ở quốc gia đồng minh của Mỹ tại Trung Đông là Israel. Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận tạm thời trên sẽ giúp ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân và Israel có thể yên tâm phần nào vì điều đó, song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng đó là một thỏa thuận "tồi tệ" và một "sai lầm lịch sử". Israel sẽ không thừa nhận thỏa thuận và tiếp tục phối hợp với Quốc hội Mỹ, vốn vẫn đầy hoài nghi về Iran, thúc đẩy thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran. Ngoài Israel, Saudi Arabia - vốn rất khó chịu với chính sách của Mỹ đối với Syria - cũng sẽ đặt câu hỏi "liệu Mỹ có thực sự hiểu các đồng minh ở Trung Đông hay không". Khi cả hai đồng minh lâu đời và gần gũi của Mỹ tại Trung Đông đều có chung quan điểm với nhau và bất đồng với Washington thì đây thực sự là một thách thức nghiêm trọng.
Ở trong nước, sự phản đối tương tự cũng đang chờ đợi chính quyền Obama tại Đồi Capitol, nơi một số thành viên của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hưởng ứng sự chỉ trích của Israel, cho rằng thỏa thuận với Iran đã "cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu". Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã phải nỗ lực thuyết phục để có thể làm dịu phản ứng của những người chỉ trích, cho rằng "hiện không phải là lúc để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran bởi nó sẽ làm chệch hướng bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn này", song Thượng viện Mỹ có thể sẽ vẫn bỏ phiếu về việc thắt chặt trừng phạt Tehran. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid nói rằng ông đã sẵn sàng cho cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn (ngày 28/11) do hoài nghi về lòng tin đối với Iran.
Vì thế, có thể khẳng định rằng thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 chỉ là bước khởi đầu trên con đường dài khó khăn ở phía trước bởi ngoài thiện chí của hai bên trong việc thực hiện cam kết, những vấn đề nội bộ của mỗi bên, lợi ích của các nước liên quan,... có thể sẽ làm nảy sinh những rào cản mới không dễ gì vượt qua được.
Nếu thỏa thuận hiện nay có thể dẫn đến một hiệp định cuối cùng ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân, điều đó có thể giúp tránh được nguy cơ can thiệp quân sự của Mỹ hoặc Israel trong nhiều năm tới, đồng thời có thể trở thành bước ngoặt trong nhiều thập kỷ thù địch giữa Washington và Tehran và là thành tựu đối ngoại lớn nhất trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Trái lại, nếu thỏa thuận hiện nay thất bại, hoặc nếu Iran vẫn bí mật tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, Tổng thống Obama sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng cả ở trong nước lẫn quốc tế.
Phương Hoa