Bóng ma khủng hoảng giá lương thực gây bất ổn trên thế giới

Theo nhật báo "Yomiuri", “lạm phát nông nghiệp” - một thuật ngữ tương đối mới (kết hợp giữa các cụm từ “nông nghiệp” và “lạm phát”) được sử dụng để mô tả tình trạng giá các sản phẩm nông nghiệp tăng cao, đã trở thành một cụm từ quan trọng trong bối cảnh giá lương thực tăng cao đang phủ bóng đen lên toàn thế giới.

Trong báo cáo gần đây, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong tháng 1/2011, chỉ số giá lương thực đã tăng lên 231 điểm, mức cao kỷ lục so với con số 100 trong giai đoạn 2002-2004. Chỉ số này đã tăng 3,4% so với tháng 12/2010 và đạt mức cao thứ hai chỉ sau mức đỉnh hồi tháng 6/2008.

Nhu cầu lương thực sẽ tiếp tục tăng ở các nền kinh tế mới nổi đang có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, trong khi nhiều người dự đoán các nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu trên thế giới sẽ có những vụ mùa thất bát trong thời gian tới do các cơn bão thảm khốc, hạn hán và các hiện tượng bất thường khác về khí hậu. Trong khi đó, khối lượng tiền mặt lưu thông đang tràn ngập các thị trường hàng hóa do các chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và châu Âu. Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng tăng giá hàng hóa sẽ được kiềm chế trong tương lai gần.

Tình trạng tăng giá lương thực trong năm 2008 đã diễn ra trong một tình cảnh tương tự với tình hình hiện nay trên thế giới - những vụ mùa thất bát và tình hình bất ổn chính trị ở Trung Đông. Cuộc khủng hoảng giá lương thực xảy ra gần đây nhất có rất nhiều điểm chung với thời điểm hiện nay nếu nói về tình hình tài chính toàn cầu. Giá hàng hóa tăng mạnh trong năm 2008 một phần do các dòng tiền đầu cơ. Tại thời điểm đó, các nhà đầu tư không có nơi nào khác để đầu tư, khi giá cổ phiếu tụt dốc. Ngay vào đầu tháng 2/2011, chỉ số CRB của Reuters/Jefferies - một chỉ số đại diện cho các chỉ số giá cả hàng hóa của thế giới trong tương lai, trong đó có giá dầu thô, đã tăng lên hơn 340 điểm so với mức cơ sở 100 năm 1967 và tăng gần 70% so với mức 200 vào tháng 2/2009.

Cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 đã kết thúc một cách tương đối nhanh chóng khi các hoạt động kinh doanh trên thế giới chậm lại sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ vào mùa thu năm đó. Tuy nhiên, tình trạng tăng giá lương thực hiện nay có thể sẽ kéo dài và ảnh hưởng của nó có thể lan tỏa bởi một số quan ngại hiện nay chưa từng tồn tại trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Thứ nhất, giá lương thực tăng đã góp phần tạo ra sự bất ổn chính trị nghiêm trọng ở Trung Đông, tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đó sự bất ổn đẩy giá dầu thô tăng cao và khiến cho sự tức giận của dân chúng tăng. Kết quả là sự bất ổn gia tăng ở Trung Đông đã đẩy giá dầu thô tăng lên trên 100 USD/thùng. Trong cuộc khủng hoảng giá lương thực vào năm 2008, không có các phong trào chống chính phủ quy mô lớn như hiện nay. Giá dầu thô tăng cao có thể dễ dàng dẫn tới hiện tượng đầu cơ gia tăng trên các thị trường nông nghiệp, và do vậy có thể làm trầm trọng hơn tình hình vốn đã khó khăn ở Trung Đông.

Thứ hai, dòng tiền đầu cơ đang đổ vào các thị trường hàng hóa có thể sẽ tiếp diễn ít nhất trong tương lai gần. Trong khi đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai gần là không cao. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu FED cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, cần phải chú ý đặc biệt đối với “lạm phát nông nghiệp”.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN