Bảy năm sau Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Paris một lần nữa trở thành trung tâm của ngoại giao môi trường thế giới.
Hơn 1.000 đại biểu từ 175 quốc gia và 3.000 đại diện của các tổ chức phi chính phủ, giới công nghiệp và giới khoa học đã có mặt tại trụ sở UNESCO từ ngày 29/5-2/6 để thực hiện một sứ mệnh đầy tham vọng nhưng cũng rất cam go: đàm phán tiến tới một thỏa thuận đa phương có tính ràng buộc pháp lý về “chấm dứt ô nhiễm nhựa” vào cuối năm 2024. Đây được đánh giá là thỏa thuận toàn cầu quan trọng nhất kể từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Sau 5 ngày “gian khổ”, các nhà đàm phán cuối cùng cũng đã thông qua một nghị quyết tại phiên họp toàn thể kết thúc vào tối khuya 2/6, theo đó “Ủy ban đàm phán quốc tế (INC) đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban, với sự trợ giúp của ban thư ký, xây dựng một dự thảo phiên bản đầu tiên của hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc về mặt pháp lý” ngay sau hội nghị này.
Theo nghị quyết, văn bản dự thảo sẽ được xem xét tại cuộc họp lần thứ ba của INC diễn ra ở Kenya vào tháng 11 tới. Sau đó, các vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra ở Canada vào tháng 4/2024 và kết thúc với một hiệp định chính thức ở Hàn Quốc vào cuối năm 2024.
Như vậy, khó có thể nói vòng đàm phán thứ hai về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu tại Paris là thành công. Nhìn lại hội nghị, các nhà đàm phán chỉ có thể đi vào trọng tâm sau hai ngày đầu sa lầy vào vấn đề quy tắc thủ tục thông qua dự thảo hiệp định tương lai. Cho đến giờ chót, 175 quốc gia vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề có nên áp dụng hình thức bỏ phiếu theo đa số hai phần ba hay không khi không tìm được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, vẫn có những tiến bộ đáng khích lệ. Tuy không thể dẫn đến một văn bản quan trọng, nhưng ít nhất hội nghị này cũng giúp phân định các khác biệt và làm rõ những lập trường mà mỗi bên tham gia có thể sẵn sàng chấp nhận. Nó cũng đặt nền móng cho tiến trình xây dựng một văn bản dự thảo dự kiến kéo dài trong 6 tháng tới trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ ba tại Kenya.
Điều đáng nói là lần này, “liên minh tham vọng cao” đã được củng cố thêm sức mạnh với sự góp mặt của 58 nước do Na Uy và Rwanda chủ trì, gồm các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Australia và Nhật Bản… Ngược lại, Paris cũng cho thấy sự hình thành của một khối các quốc gia làm chậm tiến độ của các cuộc thảo luận. Đó chính là khối dầu khí và sản xuất nhựa, trong số đó có Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil.
Hai khối có tầm nhìn khác biệt, thậm chí trái ngược nhau, về các giải pháp toàn cầu chống ô nhiễm rác thải nhựa, tạo thành hai phe đi theo hai khuynh hướng: phe của các nước muốn bảo vệ một hệ thống ràng buộc với đa số hai phần ba và phe của những nước đối lập muốn áp đặt quy tắc đồng thuận như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hoặc phe của những quốc gia “sẵn sàng” muốn thế giới phải giảm sản xuất theo mô hình mới và phe của những nước “miễn cưỡng” chỉ muốn tái chế để giảm ô nhiễm nhựa.
Với những gì đã diễn ra, tiến trình đàm phán dường như vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, trong khi các vấn đề gai góc nhất liên quan đến kiểm soát sản xuất, tiêu thụ, sử dụng, tái chế và nghĩa vụ tài chính… vẫn đang chờ đợi ở 3 vòng còn lại. Đó sẽ là một cuộc chiến thực sự về quan điểm giữa các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học và cả những người vận động hành lang.
Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Pháp Christophe Béchu cho rằng thách thức đặt ra cho các cuộc đàm phán tới đây là rất lớn và điều quan trọng nhất là phải đạt được một hiệp ước có tính ràng buộc, có trang bị đầy đủ các phương tiện thực thi và có thiết lập được một cơ quan chuyên môn về nhựa, giống như Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Và tất cả các nước, các nhà công nghiệp phải có nghĩa vụ thu hẹp sản xuất nhựa trước khi nghĩ tới giải pháp tăng cường tái chế.
Trên thực tế, không dễ để thuyết phục khối các nước sản xuất dầu khí và nhựa từ bỏ ý định “được thấy một văn bản hiệp ước có tham vọng chừng mực”. Dorothée Moisan, một nhà báo Pháp chuyên viết về các vấn đề môi trường, cho biết công nghiệp sản xuất nhựa có mối liên hệ mật thiết với công nghiệp dầu mỏ, khí đốt và than đá. Với doanh thu được đánh giá khoảng một nghìn tỷ USD mỗi năm, nhựa chính là "phao cứu sinh" của công nghiệp hóa dầu.
Thông thường một thùng dầu hiện nay có thể chiết xuất được khoảng 10% nhựa, nhưng thực tế đã có những công nghệ cho phép chiết xuất được 40% hoặc thậm chí 80%. Lợi nhuận từ nhựa khiến hầu hết các nhà sản xuất đều muốn tiếp tục xu hướng hiện tại, tức là tăng sản lượng đều đều mỗi năm, gấp đôi từ năm 2000 – 2019 và có thể sẽ tăng gấp ba vào năm 2060, bất kể khối lượng này sẽ nhấn chìm hành tinh trong rác thải nhựa.
Nếu phải thu hẹp sản xuất nhựa, các nước xuất dầu lửa như Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh, hoặc các nước sản xuất nhựa lớn như Trung Quốc, sẽ mất đi một nguồn thu rất lớn. Tháng 3 vừa qua, tập đoàn Saudi Aramco đã công bố khoản đầu tư 3,6 tỷ USD để phát triển một tổ hợp hóa dầu khổng lồ ở Trung Quốc. Cuối năm 2022, công ty này cũng đã ký với tập đoàn TotalEnergies của Pháp một thỏa thuận trị giá 11 tỷ USD để phát triển một dự án tương tự ở Saudi Arabia, trong đó có hai nhà máy sản xuất polyetylen, một vật liệu nhựa phổ biến nhất trên thế giới.
Theo ông Christophe Béchu, trung bình một cư dân trên hành tinh hiện nay sử dụng 60 kg nhựa mỗi năm và trong 50 năm qua, thế giới đã thải ra hơn 7 tỷ tấn nhựa. Chỉ riêng năm 2019, thế giới đã thải ra 353 triệu tấn rác nhựa, nặng bằng 35.000 tháp Eiffel, và 81% sản phẩm nhựa đã bị biến thành đồ phế thải chỉ sau chưa đầy một năm. Trong 20 năm qua, sản lượng nhựa hằng năm đã tăng hơn hai lần để đạt 460 triệu tấn và cứ đà này, khối lượng nhựa sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060.
Nhựa gây ô nhiễm trong suốt vòng đời của nó, bởi khi "già" đi, chúng sẽ phân hủy thành nhựa vi mô và nano. Nhựa hoạt động rất khác so với tất cả các vật liệu khác mà con người đang sử dụng, bởi chúng không thể quay trở lại bất kỳ chu trình sinh địa hóa nào giúp ổn định hệ sinh thái trên Trái Đất. Tất cả các loại nhựa, dù sử dụng một lần hay lâu hơn, đều góp phần làm tăng lượng nhựa vi mô và nano, từ đó tạo thành quả bom hẹn giờ để lại cho các thế hệ tương lai. Quả bom ô nhiễm này sẽ tự phát nổ nếu thế giới không hành động đủ mạnh ngay từ bây giờ.