Dư luận truyền thông Mỹ ngày 8/5 tiếp tục có nhiều bài bình luận về hệ lụy của các cuộc bầu cử tại châu Âu, nhất là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 6/5 vừa qua, đối với châu Âu nói chung và Mỹ nói riêng. Không ít ý kiến cho rằng, sự bác bỏ của cử tri các nước đồng minh châu Âu đối với các chính thể hiện hành cũng là một lời cảnh báo đối với nỗ lực tái cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Báo “Bưu điện Oasinhtơn” cho rằng việc cử tri Hy Lạp quay mặt lại với cả hai chính đảng lớn và cử tri Pháp tẩy chay đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy để bầu chính khách cánh tả Francois Hollande vào Điện Elysée không chỉ đe dọa cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ mà còn là lời cảnh báo chính trị đối với ông Obama, người mà nỗ lực tái cử đang phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế và công ăn việc làm cho người dân. Giống như Tổng thống Pháp Sarkozy, chính quyền của Tổng thống Obama cũng bị coi là quá nhấn mạnh vào các biện pháp thắt lưng buộc bụng thay vì các biện pháp thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tổng thống Mỹ Obama đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: internet |
Nguy cơ đe dọa trực tiếp đối với ông Obama là tình hình chính trị chưa có gì là chắc chắn sau các cuộc bầu cử tại châu Âu có lẽ phải kéo dài nhiều tháng. Thực tế này có thể làm cho các kế hoạch xử lý cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu thêm khó khăn và do vậy sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu và đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Hơn thế nữa, châu Âu xưa nay vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jay Carney ngày 7/5 đã phải lên tiếng thừa nhận đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đứng trước nhiều thách thức, trong đó có cuộc khủng hoảng trong Khu vực đồng euro.
Mục tiêu của ông Obama, vì kinh tế Mỹ và vì sự nghiệp chính trị của bản thân, là ngăn chặn không để cho cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng euro xấu hơn, ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ. Trong tuần tới tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại bang Virginia, ông Obama sẽ có dịp gặp gỡ lần đầu tiên với Tổng thống đắc cử Hollande của Pháp và Thủ tướng Đức Angela Merkel để thuyết phục họ tiếp tục phương án Pháp - Đức, theo đó các quốc gia châu Âu phải thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Khó khăn đối với ông Obama không chỉ từ chủ trương chính sách của ông Hollande, thay vì các biện pháp khắc khổ, sẽ tăng chi tiêu để thúc đẩy kinh tế Pháp và châu Âu phát triển mà còn là việc liệu chính phủ tương lai của Hy Lạp có tiếp tục thực thi những cam kết trong thỏa thuận về gói cứu trợ 171 tỷ USD vừa đạt được hồi tháng 2 vừa qua hay không.
Với đầu đề “Các lá phiếu của châu Âu báo hiệu nguy cơ đối với cả Obama và đảng Cộng hòa”, báo “Nước Mỹ Ngày nay” đăng bình luận cho rằng, Tổng thống Pháp Sarkozy là nạn nhân mới nhất và nổi bật nhất của cơn tức giận của toàn bộ cử tri châu Âu đối với các chính sách của các chính thể hiện hành và những người đứng đầu sắp mãn nhiệm. Người châu Âu đã và đang trừng phạt các chính đảng trung hữu về các giải pháp thắt lưng buộc bụng giống như các phương án mà Mỹ đang thúc đẩy hiện nay. Cộng với các chính sách khắc khổ, điều kiện kinh tế khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao ở châu Âu là một nguyên nhân khiến cử tri quay lưng lại với các chính đảng đang cầm quyền. Chủ đề kinh tế cũng đang được xác định là một yếu tố quyết định thái độ của các cử tri Mỹ, dù họ là người của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ. Tâm trạng chống lại các chính thể sắp mãn nhiệm ở Pháp, Hy Lạp và Italia trong tuần qua tuy chưa lan sang nước Mỹ nhưng là một sự cảnh báo nghiêm túc đối với chính quyền của Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử ngày 6/11 tới.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)