Tình hình an ninh ở Yemen trong những tháng qua cực kỳ căng thẳng do cuộc nổi dậy của người Houthi - phong trào đối lập gồm chủ yếu những người Hồi giáo theo dòng Shi'ite ở phía Bắc Yemen - được Iran ủng hộ. Ngày 22/3 vừa qua, các dân quân Shi'ite này đã chiếm được phần lớn thành phố Ta’izz nằm ở phía Tây Nam đất nước, cách eo biển Bab El-Mandeb chỉ vài km, sau đó nắm quyền kiểm soát cảng Pocha.
Ngay sau đó, Saudi Arabia - đứng đầu một Liên minh các nước Arập theo dòng Sunni - đã tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào Yemen để chống lại người Houthi, đẩy cuộc xung đột này vào tình thế hết sức nguy hiểm, và đương nhiên nó đã làm cho quan hệ giữa Saudi Arabia với Iran trở nên cực kỳ căng thẳng. Và ngay lập tức, cuộc can thiệp của Saudi Arabia cùng các đồng minh đã gây ra những phản ứng đáng lo ngại trên các thị trường tài chính và đẩy giá dầu tăng hơn 4,5% trên các thị trường lớn trên thế giới.
Nhiều ngôi nhà gần sân bay ở thủ đô Sanaa bị phá hủy các cuộc giao tranh. AFP/TTXVN |
Việc giá nhiên liệu tăng trên thị trường toàn cầu kể trên xuất phát từ những lo ngại về nguy cơ mất an ninh tại eo biển Bab El-Mandeb, do cuộc xung đột ở Yemen gây ra. Eo biển này nằm giữa Yemen và Djibuti, là một điểm nhạy cảm trong tuyến đường hàng hải nối Vịnh Aden với Biển Đỏ. Nơi hẹp nhất của eo biển này chỉ rộng có 18 dặm, nhưng nó lại hết sức quan trọng đối với việc vận chuyển dầu. Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, năm 2013, mỗi ngày đã có khoảng 3,8 triệu thùng dầu thô và dầu đã lọc được vận chuyển qua eo biển này để tới các thị trường ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.
Do tình hình bất ổn nghiêm trọng ở Yemen, người ta rất lo ngại nguy cơ eo biển này sẽ bị phong tỏa, và nếu điều đó xảy ra, đương nhiên sẽ làm rối loạn đáng kể thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy vậy, cũng không ít người lại cho rằng ngay cả khi Bab El-Mandeb bị phong tỏa, việc vận chuyển năng lượng từ khu vực Trung Đông tới các thị trường tiêu thụ cũng không phải vì thế mà bị gián đoạn nghiêm trọng, bởi người ra đã tính đến những "phương án thay thế".
Thứ nhất là đường ống dẫn East-West ở Saudi Arabia cho phép vận chuyển 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày tới Biển Đỏ. Đường thứ hai đi qua Cape Town của Nam Phi để vận chuyển dầu tới châu Âu và Bắc Mỹ, song đương nhiên đường này sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém hơn, và tuyến đường hàng hải này trong quá khứ là nơi đã từng diễn ra nhiều vụ rắc rối, chẳng hạn hồi tháng 10/2000, tàu khu trục USS Cole của Mỹ từng là nạn nhân của một vụ khủng bố, mà al-Qaeda đã nhận trách nhiệm, cũng như nhiều vụ cướp biển từng xảy ra tại tuyến đường này trong nhiều năm qua.
Tuy vậy, cũng có những đánh giá khác cho rằng khả năng eo biển này bị phong tỏa kéo dài là không nhiều, bởi lẽ: Thứ nhất, người Houthi hiện chưa đề cập đến kế hoạch phong tỏa eo biển này và dường như lực lượng này cũng không có khả năng để làm điều đó. Thứ hai, cùng với các cuộc không kích do liên minh Arập tiến hành, có tin nói rằng dường như Saudi Arabia và Ai Cập đã phái nhiều tàu hộ tống chống tàu ngầm tới eo biển Bab El-Mandeb để bảo đảm an ninh cho tuyến hàng hải này.
Đấy là chưa kể một thực tế là khu vực vịnh Aden, eo biển Bab El-Mandeb và Biển Đỏ thường xuyên nằm dưới sự giám sát của quốc tế như NATO và Mỹ. Cũng như Pháp, Mỹ có một căn cứ quân sự ở Djibuti một mặt giúp Mỹ tác chiến chống nạn cướp biển ở vịnh Aden và mặt khác cho phép Mỹ can thiệp nhanh chóng khi eo biển Bab El-Mandeb có biến động.
Trong khi đó, kể từ khi mở căn cứ ở Djubuti hồi 1977, lực lượng quân sự của Pháp hiện là đội quân nước ngoài lớn nhất ở châu Phi. Ngoài sứ mệnh giữ cho vùng Sừng châu Phi ổn định, nhờ lực lượng hải quân và không quân của mình, Pháp có thể thực hiện việc kiểm soát đối với eo biển Bab-el-Mandeb và cứu trợ trên vùng biển này, mà vụ cứu giúp tàu khu trục USS Cole của Mỹ khi bị khủng bố, là một thí dụ.
Trong khi đó, quốc gia dễ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng lớn nhất từ những bất ổn xung quanh eo biển Bab El-Mandeb chính là Ai Cập, nơi ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu Sumed (Suez - Địa Trung Hải), chính vì vậy Ai Cập giữ vai trò rất tích cực trong cuộc can thiệp quân sự của liên minh Arập vào Yemen, trước hết là để giữ cho yên eo biển Bab El-Mandeb, cửa ngõ vào Biển Đỏ, để tàu bè từ đó đi qua kênh đào Suez tới Địa Trung Hải.
TTK