"Báo Độc lập" (Nga) ngày 21/5 cho biết một trong những mục đích chính của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Ấn Độ là kiến tạo bầu không khí tin cậy giữa hai nước. Lo ngại Mỹ sẽ lôi kéo Ấn Độ vào liên minh chống Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa ra đề nghị tăng khối lượng đầu tư vào nền kinh tế Ấn Độ và mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Mặc dù vậy, vấn đề tranh chấp biên giới và những bất đồng liên quan đến việc Dalai Lama cư trú tại Ấn Độ tiếp tục là nhân tố cản trở việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ông đến thăm sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc hồi đầu năm nay. Điều đó cho thấy Bắc Kinh mong muốn thiết lập mối quan hệ tin cậy và hợp tác với nước láng giềng khổng lồ tại châu Á này. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau sâu sắc, hai nước có thể củng cố sự hiểu biết và xây dựng mô hình quan hệ mới, thúc đẩy sự phát triển thành công của cả Trung Quốc và Ấn Độ, là nhân tố đảm bảo phồn vinh ở châu Á và trên thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 20/5. Ảnh: Internet.
|
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc nói nhiều đến mong muốn của Bắc Kinh thiết lập mối quan hệ hữu hảo giữa "rồng Trung Quốc" và "voi Ấn Độ". "Thời báo Hoàn cầu", phụ san của "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - mới đây đăng tải thông tin cho rằng phương Tây đang cố tình thổi phồng những bất đồng giữa hai nước xung quanh xung đột quân sự tại khu vực giáp biên. Báo này nhận định phương Tây quan tâm đến bất đồng giữa Bắc Kinh và New Delhi. Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nếu Ấn Độ cũng áp dụng chính sách thù địch với Bắc Kinh như Nhật Bản và Philippines.
Theo các quan chức cấp cao Ấn Độ, tại cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết vấn đề phức tạp tại biên giới hai nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ song phương. Người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ còn bày tỏ sự không hài lòng trước việc cán cân thương mại giữa hai nước đang mất cân bằng với khối lượng 29 tỷ USD nghiêng về Trung Quốc. Qua các cuộc hội đàm có thể thấy vấn đề hoạt động của Dalai Lama (hiện cư trú tại Ấn Độ) cũng được các bên đề cập. Thủ tướng Manmohan Singh một lần nữa khẳng định lại lập trường lâu nay của New Delhi rằng Dalai Lama là thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng và được Chính phủ Ấn Độ chào đón.
Chuyến công du Ấn Độ của ông Lý Khắc Cường diễn ra ngay sau cuộc va chạm giữa quân đội hai nước tại khu vực vùng núi bắc Kashmir, khi binh lính Trung Quốc tiến sâu 20 km vào vùng lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Cuộc va chạm này khiến dư luận Ấn Độ, vốn vẫn chưa quên thất bại trong cuộc chiến giữa hai nước cách đây 50 năm, hết sức phẫn nộ.
Kết thúc hội đàm, người đứng đầu chính phủ hai nước đạt được thỏa thuận rằng các đại diện đặc biệt của hai nước sẽ gặp gỡ và thảo luận khả năng thành lập các khuôn khổ để giải quyết vấn đề biên giới một cách công bằng, sáng suốt và được hai bên chấp nhận. Tuy nhiên, công thức này là gì?
Trao đổi với "Báo Độc lập", Tatiana Shaumyan - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga - lưu ý rằng các cuộc đàm phán về biên giới giữa hai cường quốc đã được tiến hành từ năm 1980. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ có diện tích 136.000 km2 thuộc địa giới bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Cùng lúc đó, quân đội Trung Quốc còn chiếm đóng trên thực tế 30.000 km2 tại khu vực phía tây Aksai-Chin. Các khu vực tranh chấp đều là những vùng núi cao ít dân cư. Đối với cả hai cường quốc, việc kiểm soát các khu vực này chủ yếu là để thể hiện uy tín.
Đã có một số phương án giải quyết được đưa ra như việc đánh đổi chủ quyền: Ấn Độ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực phía Tây và Trung Quốc thừa nhận khu vực Arunachal Pradesh là của Ấn Độ. Tuy nhiên, cả hai bên đều không chấp nhận phương án này. Vì vậy, việc giải quyết căn bản các vấn đề là mong muốn trong tương lai, còn hiện tại vấn đề cấp bách là bình thường hóa tình hình. Bên cạnh đó, các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm cũng có thể kỳ vọng góp phần giảm va chạm ở khu vực biên giới.
Một trong những vấn đề được mong đợi là việc hai bên tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Tây Tạng cũng không đạt được tiến triển. Trung Quốc tiếp tục coi Dalai Lama là kẻ chia rẽ dân tộc và li khai, mong muốn phế truất nhân vật này để đưa một gương mặt khác thân Bắc Kinh lên thay. Hiện chưa thấy tín hiệu Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường.
TTXVN/Tin tức