Theo bình luận của tờ Wall Street Journal (WSJ), Nga và Trung Quốc đã cam kết tăng cường hợp tác ngày càng sâu rộng và có chung quan điểm phản đối đối với điều mà hai nước mô tả là nỗ lực của Mỹ nhằm thống trị trật tự thế giới, trong đó Moskva một lần nữa tìm cách thúc đẩy thương mại với Bắc Kinh khi nước này tìm kiếm những cách mới để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 9/4 sau khi Mỹ tăng cường cảnh báo rằng Trung Quốc nên dừng việc giúp đỡ Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Cuộc gặp trên diễn ra sau các cuộc đàm phán riêng với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng ở Nam toàn cầu giữa một bên là phương Tây và một bên là Trung Quốc, Nga và các đối tác của họ.
Trung Quốc đã chính thức duy trì quan điểm trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nước này vẫn hợp tác kinh tế với Nga, làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin ổn định nền kinh tế bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bắc Kinh cũng tìm cách khẳng định mình là trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine khi cử đặc phái viên đến Moskva, Kiev và các thủ đô khác sau khi đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm của riêng mình nhằm chấm dứt giao tranh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh “hy vọng thấy một lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt”, trong khi ông Lavrov nói rằng Nga “đánh giá cao Trung Quốc vì lập trường khách quan, cân bằng và sẵn sàng đóng vai trò tích cực của họ trong giải quyết cuộc xung đột thông qua chính trị và ngoại giao”.
Trong cuộc điện đàm vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về những lo ngại của Washington rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lặp lại những lo ngại đó trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần này, nói với các quan chức Trung Quốc rằng các công ty nước này hỗ trợ mua sắm quân sự của Nga “sẽ phải đối mặt với những hậu quả”.
Bắc Kinh phủ nhận việc bán vũ khí cho Nga và bác bỏ những cảnh báo của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington thúc đẩy xung đột bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine.
Ông Lavrov cũng cáo buộc Mỹ “tăng cường liên minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để nhắm vào Nga và Trung Quốc”. Theo ông Lavrov, các liên minh của Mỹ có “định hướng chống Trung Quốc và chống Nga công khai”.
Trong khi đó, thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm ngoái đã tăng hơn 26% lên 240 tỷ USD. Năng lượng là thành phần chính trong xuất khẩu của Nga và Trung Quốc - quốc gia không tuân theo giới hạn giá dầu của phương Tây - là khách hàng hàng đầu. Tháng trước, Trung Quốc đã nhận được khối lượng kỷ lục dầu thô của Nga khi lượng mua của Ấn Độ giảm do lo ngại về các lệnh trừng phạt, công ty dữ liệu vận chuyển Vortexa đưa tin.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov hôm 9/4 nói với các phóng viên rằng chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Lavrov có thể được coi là sự chuẩn bị cho “các cuộc tiếp xúc sắp tới ở cấp cao nhất” giữa hai nước, nhưng từ chối xác nhận liệu Tổng thống Putin có lên kế hoạch cho một chuyến đi khác tới Trung Quốc trong năm nay hay không.