'Bài toán' nan giải trong vấn đề hạt nhân Iran

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến thời hạn chót để Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký thỏa thuận hạt nhân cuối cùng (ngày 24/11). Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trở ngại mà hai bên chưa thể giải quyết.

Vấn đề hạt nhân của Iran ngày càng khó giải quyết.


Nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ khả năng thỏa thuận được ký kết và thái độ bi quan cũng đang hiện rõ trên khuôn mặt các nhà đàm phán của cả hai bên. Trong ba tuần nữa, đại diện của Iran và các nước phương Tây trong thành phần P5+1 sẽ có cuộc thảo luận để xem xét những tiến bộ và trở ngại. Để mở đường cho cuộc thảo luận mang tính quyết định này, hai bên vừa gặp nhau tại Vienna (Áo) dàn xếp về một thỏa thuận “lịch sử” trước thời hạn 24/11.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, cuộc gặp lần này giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại - bà Catherine Ashton - rất “phức tạp và gay gắt”, và họ vẫn không đạt được bước tiến cụ thể nào. Hai bên đều thừa nhận rằng giữa họ vẫn còn những khác biệt về lập trường. Tuy nhiên, hai bên vẫn tỏ ra lạc quan vì đều mong muốn ký được một thỏa thuận càng sớm càng tốt.

Đáng chú ý là tại cuộc gặp ở Vienna vừa rồi, Iran đã bất ngờ thay đổi thái độ theo hướng tích cực. Thay vì muốn kéo dài các cuộc thương lượng gây khó khăn cho Mỹ như bấy lâu nay, ông Zarif đã khẳng định rằng nước ông "không muốn kéo dài các cuộc thương lượng sau thời hạn chót 24/11, mặc dù hai bên vẫn còn khoảng cách về lập trường”. Iran cũng đề nghị rằng từ nay trở đi, các cuộc đối thoại cần hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp, chứ không phải chỉ đơn thuần là xem xét các vấn đề.

Trước đó, bằng cách đưa ra lời cảnh báo sẽ "trì hoãn vô thời hạn" (việc ký thỏa thuận cuối cùng), Iran muốn chơi trò cân não với phương Tây vì biết rõ rằng P5+1 không muốn kéo dài các cuộc thương lượng thêm nữa và muốn ký thỏa thuận cuối cùng càng nhanh càng tốt. Trò chơi mà Iran lựa chọn hoàn toàn không phải ngẫu nhiên: cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ đang tới gần (ngày 4/11), trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama - người đang bị giảm uy tín trong con mắt các cử tri Mỹ - hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Iran để giúp đảng của ông giành chiến thắng trong bầu cử.

Trên thực tế, Thượng viện Mỹ - hiện do đảng Cộng hòa đối lập chi phối - rất hoài nghi về kết quả với Iran. Ngoài ra, các nghị sĩ Cộng hòa liên tục đòi không được đẩy nhanh việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran, làm cho cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân của Iran càng thêm phức tạp.

Theo các nhà phân tích, nếu ông Obama đạt được một thỏa thuận lịch sử với Iran thì ông sẽ tạo cơ may lớn giúp những người Dân chủ chiếm được đa số ở Thượng viện. Đây sẽ là một con bài lớn đối với đảng Dân chủ. Ngoài ra, nếu ký được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran, ông sẽ để lại một dấu ấn trước khi rời Nhà Trắng. Thực tế cho thấy ông Obama rất muốn xóa nhòa những thất bại về chính sách đối ngoại bằng việc ký thỏa thuận với Iran.

Mặc dù lợi ích mang lại từ việc ký thỏa thuận hạt nhân cuối cùng cho Iran và P5+1, đặc biệt là Mỹ, đều rất lớn, song theo các nhà phân tích, hiện vẫn còn hai điểm có thể khiến việc ký thỏa thuận trên bị trì hoãn. Trước hết là việc hủy bỏ lệnh trừng phạt vì nó cần phải được sự đồng ý của các phần tử diều hâu trong Quốc hội lưỡng viện Mỹ, vốn là những người vẫn hoài nghi đối với Iran.

Thứ hai liên quan đến mức độ làm giàu urani của Iran mà nước này vẫn quả quyết rằng họ không bao giờ nhượng bộ, như phát biểu mới nhất của Tổng thống Iran Hassan Rowhani “sẽ không có sự lùi bước”. Với phân tích như vậy, giới quan sát cho rằng mặc dù thời điểm 24/11 đang tới gần, song tất cả các kịch bản về vấn đề hạt nhân của Iran đều đang bỏ ngỏ.


Phạm Phú Phúc
(Theo báo "Trung Đông")
Boeing lần đầu tiên nối lại giao dịch với Iran
Boeing lần đầu tiên nối lại giao dịch với Iran

Tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing của Mỹ đã nối lại giao dịch với Hãng Hàng không quốc gia Iran (Iran Air), lần đầu tiên kể từ khi Washington bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận đối với quốc gia Hồi giáo này năm 1979.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN