Kinh tế toàn cầu đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng như tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển yếu, các nền kinh tế mới nổi đối mặt với tình trạng lạm phát cao, giá hàng hóa cơ bản biến động mạnh. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục xấu đi càng phủ thêm bóng đen vào sự hồi phục của kinh tế thế giới. Vì thế, dự kiến, khủng hoảng nợ châu Âu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giám sát tài chính sẽ trở thành chủ đề nóng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại thành phố Cannes (Pháp) vào ngày 3 và 4/11.
EFSF khó có được “bữa trưa miễn phí”
Tháng 9 vừa qua, Pháp, nước Chủ tịch luân phiên của G20 năm nay, tuyên bố sẽ chính thức đưa vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20. Mục đích của Pháp không ngoài việc tìm kiếm sự điều phối chính sách trên phạm vi toàn cầu nhằm giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, ổn định thị trường tài chính thế giới, đưa nền kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo phục hồi. Sau khi Hội nghị Cấp cao Liên minh châu Âu (EU) đưa ra phương án cứu trợ trọn gói về ba chủ đề cốt lõi mà các bên quan tâm là giảm nợ công cho Hy Lạp, tái cơ cấu vốn ngân hàng và tăng quy mô Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) vào cuối tháng 10, người ta càng có cơ sở để dự đoán rằng EU sẽ tranh thủ Hội nghị Thượng đỉnh G20 để tăng cường hợp tác với các cường quốc khác, nhất là trong vấn đề tìm kiếm nguồn bổ sung cho EFSF.
Thực tế cũng cho thấy, trước thềm G20, các quan chức EU liên tục đến châu Á và các nền kinh tế mới nổi để triển khai chiến dịch vận động đầu tư vào EFSF. Cuối tuần qua, Chủ tịch EFSF Klaus Regling đã thăm Trung Quốc, sau đó tới Nhật Bản. Ngoài ra, EU còn có kế hoạch cử đoàn sang Braxin với cùng một mục đích là thuyết phục các nền kinh tế lớn của thế giới tiếp tục mua trái phiếu EFSF. Dự kiến, 40% trái phiếu EFSF sẽ được bán cho các nhà đầu tư châu Á và 60% còn lại hướng tới đối tượng là các nhà đầu tư ngoài châu Á. Rõ ràng, trong bối cảnh Âu - Mỹ lún sâu vào khủng hoảng nợ, tăng trưởng kinh tế đối mặt với tình trạng đình trệ, thậm chí là đứng trước rủi ro suy thoái, EU đã phải chuyển hướng, kỳ vọng nhiều hơn vào sự giúp đỡ của châu Á cũng như các nền kinh tế mới nổi, nhưng sẽ “khó có bữa trưa nào miễn phí”.
Trung Quốc dù có thực lực tài chính hùng hậu, có lợi từ sự tăng trưởng của châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thể không cân nhắc trước khi đưa ra quyết định “mang tiền đi cứu kẻ giàu” để tránh lặp lại bài học tổn thất từ việc cứu ngân hàng Mỹ năm 2007 của Công ty TNHH Đầu tư Trung Quốc. Huống hồ, EU tới nay vẫn chưa dỡ bỏ những hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao mới đối với Trung Quốc, chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, Trung Quốc, Nhật Bản và Braxin cũng đều biết rằng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu không phải cứ bơm tiền là giải quyết được bởi đây là vấn đề mang tính kết cấu: Các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dùng chung đồng tiền, nhưng lại có chính sách tài chính riêng.
Vẫn khó kiếm liều thuốc tăng trưởng bền vững
Ba năm sau khủng hoảng tài chính bùng nổ, kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi bóng ma suy thoái. Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng sụt giảm, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Môi trường bên ngoài tiếp tục xấu đi cũng khiến cho tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đứng trước thách thức nghiêm trọng. Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong 6 tháng đầu năm chỉ là 0,9%, dù quý III vươn lên đạt mức 2,5%, nhưng vẫn còn cách xa mức tăng trưởng kỳ vọng (3%). Cùng thời gian, tốc độ tăng trưởng của kinh tế châu Âu, đặc biệt là các nước chủ chốt của Eurozone, giảm mạnh. Quý II vừa qua, kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,2%, là mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong đó, Đức, nước được coi là đầu tàu kinh tế EU, chỉ tăng trưởng 0,1% và tỉ lệ này đối với Pháp còn tệ hại hơn (0%).
Về phần các nền kinh tế mới nổi, dù vẫn duy trì được tăng trưởng cao, nhưng tốc độ đã giảm rõ rệt. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC cho thấy, tốc độ tăng trưởng quý II của các nền kinh tế mới nổi đã trượt xuống mức thấp nhất trong hai năm lại đây. HSBC cho rằng, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải tiếp tục chịu áp lực từ các nhân tố rủi ro như nhu cầu trong nước giảm xuống, lạm phát tăng cao, giá tài sản tụt dốc... Và đây chính là nguyên nhân khiến các nền kinh tế mới nổi không còn giữ được vai trò dẫn động kinh tế thế giới mạnh mẽ như trước nữa. Vì lẽ đó, Ngân hàng Pari (Pháp) dự đoán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ giảm xuống còn 3,9%, trong quý IV, nhiều nền kinh tế sẽ phải đối mặt tới tình trạng tăng trưởng giảm tốc và quý I/2012 có thể kinh tế thế giới sẽ trải qua khoảng thời gian tăng trưởng kém nhất. Nếu tính chung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 tiếp tục giảm, xuống chỉ còn 3,4%.
Chiếm 85% tổng lượng kinh tế toàn cầu, ngay từ khi thành lập, G20 đã gánh vác trọng trách tìm kiếm con đường tăng trưởng bền vững và cân bằng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước hàng loạt thử thách như hiện nay, theo nhiều chuyên gia, G20 cần có cái nhìn vượt qua khủng hoảng, tìm ra liều thuốc bảo đảm tăng trưởng bền vững dài hơi. Nhưng khó khăn lại nằm ở vấn đề bảo hộ mậu dịch. Trong quá trình ứng phó với khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008 - 2009, G20 là lực lượng quan trọng phản đối bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, hiện nay, G20 đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu, thất nghiệp tăng cao, tài chính thắt chặt. Cho nên, việc G20 có thực thi các biện pháp đơn phương bảo vệ nền sản xuất trong nước hay không sẽ trở thành khảo nghiệm lớn đối tăng trưởng kinh tế thế giới.
Cải cách giám sát tài chính cần có bước đi lớn
Từ khi được đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn (Anh) vào năm 2009 tới nay, cải cách giám sát tài chính luôn là vấn đề gây tranh cãi. Nội dung chủ yếu của cải cách giám sát tài chính của G20 gồm việc nâng tỉ lệ vốn tối thiểu, vấn đề lương thưởng của ngân hàng và việc quản lý các công cụ giao dịch tài chính phái sinh... Nhưng các nước đã không đạt được sự nhất trí về bước đi và tiêu chuẩn thực thi cải cách, khiến cho tiến trình cải cách không thể diễn ra thuận lợi. Vì thế, tại Hội nghị G20 lần này, người ta hi vọng các bất đồng liên quan sẽ được thu hẹp đáng kể, mà trước tiên là việc nâng tỉ lệ vốn tối thiểu, đảm bảo ngân hàng có đủ vốn đối phó với biến động thị trường.
Bên cạnh đó, với tư cách Chủ tịch luân phiên của G20, Pháp có thể sẽ đưa vấn đề kiểm soát giá nguyên liệu thô và giá hàng hóa cơ bản vào chương trình nghị sự. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng, việc giá nguyên liệu thô và giá hàng hóa cơ bản biến động quá lớn đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Ông Sarkozy còn nhấn mạnh tới việc hình thành cơ chế giá và phát huy vai trò của nó, đồng thời kêu gọi G20 đưa ra được bộ quy tắc chỉnh thể liên quan tại Hội nghị G20 ở Cannes.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)