Việc các cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) và Iran về chương trình hạt nhân của nước này phải gia hạn thêm 7 tháng đang làm dấy lên lo ngại rằng sự chậm trễ sẽ cản trở khả năng đạt được một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc gia hạn này trên thực tế đã làm tăng cơ hội đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện vào năm tới, nhờ vào ba nhân tố dưới đây: Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 ngày 24/11. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Bầu cử Quốc hội Mỹ Việc đảng Cộng hòa giành thắng lợi tại Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua đã tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền Obama trong tiến trình đàm phán với Iran. Gần đây nhất, vào ngày 13/11, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã nỗ lực bất thành để thông qua một đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và dành cho Quốc hội quyền phủ quyết đối với một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Thắng lợi của đảng Cộng hòa có nghĩa là một khi Quốc hội khóa 114 tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2015, nhiều khả năng dự luật này sẽ được thông qua tại Thượng viện.
Giá dầu mỏ giảm Với tình trạng kinh tế ảm đạm hiện nay, việc Iran rút khỏi tiến trình đàm phán không phải là một quyết định khôn ngoan. Từ năm 2012, các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đã khiến Iran bị bó tay trong việc sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ - nguồn thu chính của chính phủ nước này.
Theo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, "các lệnh trừng phạt đã khiến lượng dầu xuất khẩu của Iran sụt giảm khoảng 60% từ mức 2,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2011, làm giảm doanh thu bán dầu thô của họ từ mức 100 tỷ USD năm 2011 xuống khoảng 35 tỷ USD trong năm 2013". Việc suy giảm doanh thu từ dầu mỏ và mất khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng quốc tế đã khiến kinh tế của Iran suy giảm khoảng 5% trong năm 2013.
Iran càng khó khăn do sự sụt giảm giá dầu hiện nay từ mức trên 100 USD/thùng xuống khoảng 80 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 2010. Tháng trước, Tổng thống Iran Rowhani đã phải lên tiếng thừa nhận rằng doanh thu từ dầu mỏ của nước này giảm 30%. Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào ngày 27/11 sẽ rất quan trọng đối với Iran.
Nếu Saudi Arabia từ chối cắt giảm sản lượng như các chuyên gia dự đoán thì kinh tế Iran sẽ suy sụp nếu không đạt được một thỏa thuận hạt nhân để có thể được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Cuộc chiến chống IS tại Iraq Chiến dịch không kích quốc tế do Mỹ dẫn đầu vào các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria đang tiếp tục đạt được những tiến bộ đáng kể. Quan trọng hơn, Mỹ đã quyết định tăng gấp đôi số lượng binh sĩ được triển khai tới Iraq và đã mở rộng kế hoạch đào tạo và trang bị cho các lực lượng Iraq. Điều này khiến cho vai trò của Iran tại Iraq giảm sút.
Các nhà phân tích cho rằng sự liên kết mới nổi lên của ba xu hướng nói trên mang lại cho chính quyền Obama một đòn bẩy mạnh hơn trong việc kiến tạo một thỏa thuận mạnh mẽ hơn và lâu bền hơn với Iran, so với những gì mà cách đây chưa lâu người ta có thể hình dung. Tất nhiên, ảnh hưởng của các yếu tố phi hạt nhân đối với kết quả của các cuộc đàm phán P5 + 1 cho thấy mức độ khó khăn đối với cả hai bên trong việc thương lượng. Nếu bất cứ xu hướng nào trong ba xu hướng trên bị thui chột hoặc tự đảo ngược thì các cuộc đàm phán tiếp theo có thể gặp bế tắc, bất kể hai bên có mong muốn kéo dài thương lượng thêm bao lâu nữa.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn nguồn tin ngoại giao Iran cho biết các bên đã nhất trí ngày 10/12 tới sẽ bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo giữa Nhóm P5+1 và Iran.
Địa điểm diễn ra vòng đàm phán mới hiện vẫn chưa được quyết định. |
TTK (
Theo NI)