AU bế tắc trước mối đe dọa ở "lục địa đen"

Theo nhận định của tờ "Thời báo Kinh doanh Quốc tế" (Mỹ), Hội nghị Thượng đỉnh thường niên lần thứ 20 của Liên minh châu Phi (AU) vừa kết thúc, giới lãnh đạo các nước “lục địa đen” trở về nước với gánh nặng trên vai chưa được trút bỏ.


 

Binh sĩ Mali tại thị trấn Ansongo, miền nam thành phố Gao ngày 30/1/2013. Ảnh: AFP - TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh AU năm nay (từ ngày 21 - 29/1) được tổ chức tại thủ đô Ađi Abêba của Êtiôpi với 37/54 nhà lãnh đạo châu Phi tham dự và lần đầu tiên dưới sự chủ trì của bà Nkosazana Dlamini-Zuma, cựu Bộ trưởng Nội vụ Nam Phi và là phụ nữ đầu tiên trở thành Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi. Hội nghị kết thúc và không đạt được giải pháp nào cho các cuộc xung đột đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước như Mali, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Cônggô, Xuđăng, Nam Xuđăng và nhiều nước khác.


Chủ đề của hội nghị lần này là "Chủ nghĩa liên Phi và Phục hưng châu Phi”, nhưng trọng tâm chủ yếu vẫn là vấn đề an ninh. Các nhà lãnh đạo AU thẳng thắn tự phê bình và một số quan chức nhân cơ hội này đã lên án gay gắt hành động chậm trễ của các nước thành viên trước những mối đe dọa cấp bách của châu lục. Ví dụ tại Mali, các chiến binh chiếm giữ khu vực phía bắc của nước này cách đây một năm và xây dựng được một thiên đường trú ẩn cho các chiến binh Hồi giáo có quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda. Mặc dù chính phủ Pháp đã gửi quân tới đây và giành được những kết quả quan trọng ở miền trung Mali nhưng các chiến binh vẫn là mối đe dọa cho an ninh của các cộng đồng khác nhau trong khu vực. Tổng thống Bênanh kiêm Chủ tịch AU sắp mãn nhiệm Thomas Boni Yayi đã chỉ trích AU không can thiệp kịp thời. Ông nói: “Tại sao nguy hiểm đe dọa một nước thành viên mà các nước thành viên AU khác không hành động và cứ tiếp tục chờ đợi?”.


Trong khi đó, xung đột vẫn diễn ra dữ dội tại CHDC Cônggô. Các cuộc xung đột chết người tại nước này diễn ra trong nhiều thập kỷ với các nhóm chiến binh địa phương ngày càng phát triển. Đáng chú ý, tháng 11/2012, một nhóm phiến quân có tên M23 đã đánh chiếm thị trấn Goma khoảng một tuần và mặc dù hiện nay chúng đã rút đi nhưng triển vọng an ninh cho CHDC Cônggô vẫn còn xa vời.


Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU hy vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình tại Ađi Abêba, trong đó bao gồm các kế hoạch triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình ở miền đông CHDC Cônggô nhưng không đạt kết quả sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki- moon chỉ ra những khác biệt về thủ tục. Hội nghị thượng đỉnh cũng bỏ lỡ một cơ hội khác cần phải hành động với Xuđăng và Nam Xuđăng, hai nước chính thức tách ra năm 2011 song tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra và tranh chấp biên giới giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Mâu thuẫn giữa hai nước cũng cản trở việc khai thác và xuất khẩu dầu lửa, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của hai bên.


Rõ ràng AU là cơ quan lãnh đạo ít hiệu quả trên nhiều mặt trận ở châu Phi. Chủ tịch Ủy ban châu Phi Dlamini-Zuma khẳng định tổ chức này phải tiếp tục đoàn kết. Bà nói: “Mặc dù ít lạc quan nhưng chúng ta phải tiếp tục quan tâm đến các thách thức lớn hiện đang tồn tại. Chúng ta không thể coi nhẹ hòa bình và an ninh. Nếu không có hòa bình và an ninh, không nước nào hoặc khu vực nào có thể hy vọng đem lại thịnh vượng cho người dân của mình”.

 

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN