Theo các nhà phân tích, Arập Xêút - quốc gia đầy quyền lực và là nơi Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh đang điều trị vết thương - có thể là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Yêmen thông qua việc gây áp lực buộc nhà lãnh đạo kỳ cựu này chuyển giao quyền lực hoặc ít nhất là ngăn cản ông ta trở lại Yêmen.
Phe đối lập đã đổ ra đường ăn mừng tại thủ đô Sanaa (Yêmen)ngày 5/6. AFP-TTXVN |
Ibrahim Sharqieh, Phó Giám đốc Trung tâm Brookings ở Đôha, nhận định việc ông Saleh có mặt ở Riát "có thể là cơ hội để vương quốc này" khôi phục các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị tại quốc gia láng giềng Yêmen. Theo ông, sự ổn định của Yêmen là "lợi ích chiến lược đối với Riát".
Nhà báo Pháp Olivier Da Lage, tác giả của cuốn "Địa chính trị của Arập Xêút" cũng đồng quan điểm rằng Arập Xêút đang nắm giữ vai trò then chốt đối với chính trường Yêmen. Ông nói: "Tôi cho rằng Arập Xêút sẽ kịch liệt ngăn cản ông Saleh trở về Yêmen". Tuy nhiên, theo ông, mặc dù "nắm giữ hầu hết các chìa khóa để giải quyết vấn đề và có thể gây ảnh hưởng" tới chính trường của nước láng giềng nghèo đói Yêmen, song Arập Xêút không thể "kiểm soát những sự kiện diễn ra" ở đó. Nhà báo này tin rằng, Arập Xêút "có thể sẽ sử dụng thứ vũ khí mà họ biết rõ nhất, đó là tiền".
Mối quan hệ giữa chính phủ Yêmen và quốc gia vùng Vịnh theo chế độ quân chủ này đã được cải thiện trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, Arập Xêút - một quốc gia quan trọng tại Trung Đông - cũng duy trì mối quan hệ tốt với bộ lạc đối lập hùng mạnh Al-Ahmar ở Yêmen. Trong nhiều năm, Arập Xêút đã viện trợ tài chính cho bộ lạc được trang bị nhiều vũ khí này. Bộ lạc này đã bị ông Saleh buộc tội gây ra vụ tấn công vào dinh thự tổng thống.
Mối quan hệ của ông Saleh với các nước láng giềng vùng Vịnh đã trở nên lạnh nhạt sau khi ông liên tục từ chối ký vào thỏa thuận chuyển giao quyền lực buộc ông phải từ chức trong vòng 30 ngày, đổi lại ông sẽ được miễn trừ truy tố. Thỏa thuận này là sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 quốc gia, đứng đầu là Arập Xêút. Các quốc gia trong GCC đã ngừng các nỗ lực làm trung gian hòa giải tại Yêmen hôm 22/5 sau khi những người ủng hộ ông Saleh có vũ trang bao vây Tổng Thư ký GCC Abdullatif al-Zayani và các đặc phái viên phương Tây ở bên trong đại sứ quán của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất tại Xana, với nỗ lực ngăn ông này tới dinh thự của Tổng thống Saleh để ký thỏa thuận. Ngày 6/6, các thành viên GCC nói rằng, thỏa thuận mà họ đề xuất vẫn là "giải pháp thích hợp nhất".
Abdulaziz Sager, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh, hy vọng Arập Xêút sẽ "yêu cầu Tổng thống Saleh ký vào thỏa thuận mà GCC đưa ra trong thời gian ông này ở Riát", và việc ký kết này - được coi là lối thoát cho ông Saleh - "có thể diễn ra tại cuộc họp tiếp theo của GCC tại Riát".
Một quan chức cấp cao của Arập Xêút tiết lộ rằng ông Saleh đã được đưa tới Riát để điều trị vết thương theo yêu cầu của chính ông và "vì những lý do nhân đạo đơn thuần". Quan chức này, yêu cầu giấu tên, cho rằng giải pháp thích hợp sẽ là tìm một quốc gia đồng ý cho ông Saleh tị nạn để "bảo vệ ông khỏi bị truy tố".
Ông Sager cho rằng với việc tới Arập Xêút, Tổng thống Saleh đã tự động chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi và "trên thực tế đã bắt đầu thực hiện sáng kiến của GCC", theo đó ông Haid sẽ tiếp quản vị trí tổng thống sau 30 ngày.
TTK (theo AFP)