Theo quyết định này, tỷ giá liên ngành tham chiếu hàng ngày giữa đồng NDT với đồng USD giảm 1,86% xuống còn 6.2298 NDT/USD. Mạng Phượng Hoàng ngày 11/8 đưa tin nhận định thậm chí đồng NDT còn tiếp tục giảm nữa… Liên tiếp sau đó trong hai ngày 12 và 13/8, Trung Quốc lại giảm thêm lần lượt là 1,6% và 1,11% tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Theo tỷ giá mới nhất ngày 13/8 của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, hiện 1 USD đổi được 6,4010 NDT.
Kiểm tiền NDT tại ngân hàng ở Lianyungang, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết: Lần điều chỉnh này là nhằm thúc đẩy, cải cách phương thức xác định tỷ giá hối đoái đồng NDT theo hướng thị trường hóa, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường trong bối cảnh đồng USD đang tiếp tục mạnh lên, đồng euro và đồng yen Nhật yếu đi, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi và các nước sản xuất các mặt hàng chủ lực mất giá, biến động của dòng vốn quốc tế càng tăng, cục diện phức tạp này trở thành một thách thức mới. Thặng dư thương mại cao của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì, tỷ giá thực tế của đồng NDT so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới tương đối mạnh, có độ chênh nhất định so với tính toán của thị trường. Vì thế, căn cứ vào nhu cầu phát triển của thị trường, cần phải hoàn thiện thêm một bước tỷ giá tham chiếu của đồng NDT.
Về quyết định nói trên của Trung Quốc, các nhà phân tích kinh tế cho rằng động thái này là một dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Trung Quốc ngày càng quan ngại về nền kinh tế nước này bị mất khả năng cạnh tranh khi đồng NDT ở mức cao so với các đồng USD và euro. Đồng thời, điều này cũng gây lo ngại sẽ kích động nạn phá giá tương tự từ các ngân hàng trung ương khác khi họ cố gắng duy trì cạnh tranh với Trung Quốc, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh tiền tệ. Mặt khác, trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc thời gian qua giảm mạnh và chỉ số PPI chạm mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.
Cục Hải quan Trung Quốc còn cho biết cụ thể là kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tháng 7 giảm 8,9%, nhập khẩu giảm 8,6%, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Trung Quốc 7 tháng đầu năm nay giảm 7,3% và nhiều khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% đề ra cho năm nay. Chỉ số PMI tháng 7/2015 cũng giảm xuống cho thấy triển vọng kinh tế và xuất khẩu cuối năm nay không có gì lạc quan. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng mục đích của lần phá giá này có lẽ là nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn khi bán ra các thị trường nước ngoài. Qua đó, nó sẽ giúp các nhà máy của Trung Quốc duy trì được sản xuất và việc làm cho người lao động, góp phần vực dậy nền kinh tế Trung Quốc.
Cú phá giá đồng NDT bất ngờ của Trung Quốc cũng đang làm dấy lên lo ngại ở Mỹ. Giới đầu tư Mỹ sợ rằng quyết định trên của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng tới các nhà máy tại Mỹ và công ăn việc làm tại nước này. Đồng thời, các đồng tiền của nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Philipines… đồng loạt giảm giá trong khi các đồng tiền tệ của khối ASEAN vẫn được coi là mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ đầu năm nay và kinh tế của các thành viên trong Hiệp hội đang giảm tốc.
Về ảnh hưởng của quyết định nói trên của Trung Quốc đối với Việt nam, một số chuyên gia kinh tế bước đầu đã có nhận xét rằng: Trước đây hàng hóa Trung Quốc đã rất rẻ và chúng đã tràn ngập khá nhiều vào Việt Nam, nước ta thường xuyên bị nhập siêu rất nhiều so với Trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc phá giá đồng NDT, chắc chắn hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước, hàng hóa của họ sẽ có sức cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa của nhiều nước khác, đặc biệt là hàng Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải có những biện pháp khôn ngoan để ứng phó kịp thời với tình hình mới này trước khi quá muộn.