Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết, trong năm nay, Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bà Lagarde cũng kêu gọi các nền kinh tế mới nổi chuẩn bị ứng phó với những bất ổn có thể xảy ra trong trường hợp Mỹ tăng lãi suất.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tại Bắc Kinh ngày 2/2. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo bà Lagarde, trong lúc phần lớn các nước đang ra sức khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm thì Ấn Độ lại đang phát triển nhanh chóng. Chính vì vậy, bà gọi Ấn Độ là “một điểm sáng” của nền kinh tế toàn cầu đang bị u ám.
Sự đánh giá lạc quan đó được đưa ra hồi đầu tuần này, khi bà Lagarde đến thăm Ấn Độ trong hai ngày. Bà đã hội kiến với Thủ tướng Narendra Modi, nói chuyện với các sinh viên và diễn thuyết tại Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Bà Lagarde nhận định: “Những chính sách cải cách thời gian gần đây của Ấn Độ và niềm tin của giới doanh nhân được cải thiện đã mang lại một sức đẩy cho các hoạt động kinh tế của đất nước này.
Dựa trên những số liệu mới về GDP của Ấn Độ, IMF dự kiến tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay sẽ ở mức 7,2%, và tỉ lệ này có thể lên tới 7,5% vào năm tới, giúp Ấn Độ vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trong số các nền kinh tế lớn, Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh nhất. Một tương lai tươi sáng hơn đang hình thành ở Ấn Độ. Đến năm 2019, nền kinh tế này sẽ lớn hơn gấp đôi so với năm 2009. Khi điều chỉnh sự khác biệt về giá mua giữa các nền kinh tế, GDP của Ấn Độ sẽ cao hơn GDP của Đức và Nhật Bản gộp lại”.
Mặc dù vậy, người đứng đầu IMF cũng cảnh báo giới hữu trách Ấn Độ rằng các biện pháp cải cách phải được thực hiện với tốc độ tối đa. Trong số đó có việc thực thi thuế suất đồng nhất cho hàng hóa và dịch vụ, thông qua những luật lệ lao động có tính chất linh hoạt hơn và giảm những chướng ngại của guồng máy hành chính, những chướng ngại thường làm cho các dự án đầu tư bị chững lại.
Các nhà kinh tế học ở Ấn Độ đã tán đồng nhận định của bà Lagarde. Nhà kinh tế chính của công ty xếp hạng tín dụng CRISIL Mumbai - ông D.K. Joshi - cho rằng những chính sách mới của chính phủ đã giúp cho nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm.
Ông nói: “Tôi nhận thấy chính phủ đang áp dụng một số biện pháp để làm cho công việc kinh doanh được dễ dàng hơn. Những biện pháp này sẽ giúp Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, nếu Ấn Độ không áp dụng các biện pháp cải cách khác, mức tăng trưởng này có thể không kéo dài được lâu, và Ấn Độ có lẽ sẽ không có khả năng để chuyển đổi sang mức tăng trưởng 9% hoặc 10%. Đó là mức tăng trưởng mà Ấn Độ cần đạt được”.
Trong khi ở thăm Ấn Độ, bà Lagarde đã kêu gọi các thị trường mới nổi chuẩn bị để ứng phó với khả năng Mỹ tăng lãi suất. Bà nói rằng điều đó có thể tạo ra những biến động trên thị trường tài chính và gây ra những rủi ro lớn như những gì đã từng xảy ra năm 2013. Lúc đó, những nước như Ấn Độ đã bị tác động sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt giảm chương trình nhiều tỉ USD để mua tài sản.
Các nền kinh tế đang phát triển trong vài năm qua đã chứng kiến một sự tăng mạnh của nguồn vốn đến từ các nước công nghiệp hóa, nhưng họ vẫn lo ngại rằng việc Mỹ tăng lãi suất có thể làm cho nguồn vốn rút khỏi nước họ. Mặc dù vậy, nhà kinh tế Joshi cho rằng so với các nền kinh tế mới nổi khác, Ấn Độ có nhiều khả năng hơn để ứng phó với một "chấn động" như vậy.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 18/3 đã phát đi những tín hiệu về khả năng tăng lãi suất trong năm nay, với điều kiện ngân hàng này có được những chỉ dấu kinh tế thuận lợi cho một quyết định như vậy.
TTK