Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt với "bài test" đầu tiên trong quan hệ với nước láng giềng hùng mạnh Trung Quốc, chỉ một tháng sau khi ông lên nhậm chức. Ngày 29/6, tờ Daily India News (Ấn Độ) đã cho đăng tải bài viết của Rajeev Sharma, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quan hệ quốc tế, đánh giá việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới và những thách thức đặt ra cho Ấn Độ. Bài viết có một số nội dung đáng chú ý sau:
Bản đồ mới của Trung Quốc bao trọn bang Arunachal Pradesh và phần lớn diện tích Jammu và Kashmir. Ảnh: IBL |
Trung Quốc vừa cho phát hành bản đồ lãnh thổ khổ dọc mới, mà tác giả viết trên Daily India News cho rằng bao trọn toàn bộ bang Arunachal Pradesh và phần lớn diện tích Jammu và Kashmir. Đây quả thực là “cú đánh” đầu tiên mà Thủ tướng Modi “nhận được” từ phía Trung Quốc - nước mà ông đánh giá cao và mong muốn theo đuổi cạnh tranh để vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc, nhất là trong lĩnh vực chế tạo.
Những va chạm, cọ xát giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là điều xảy ra khá thường xuyên trong vài năm trở lại đây, nhất là những cáo buộc xâm phạm biên giới trên bộ. Nhưng lần này, hành động của Trung Quốc rất khác và rất đáng chú ý, bởi hai lý do:
Một là, việc phát hành bản đồ diễn ra ngay tại thời điểm Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc (26-30/6), dự lễ kỉ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định hòa bình Panchsheel, 60 năm Trung Quốc tuyên bố “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” - những nhân tố đặt nền tảng cho quan hệ Trung - Ấn ngày nay.
Hai là, Trung Quốc đã thể hiện quan điểm cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ đối với Ấn Độ. Thông tin chính thức được đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng, với bản đồ mới, “người dân Trung Quốc giờ đây đã có thể hiểu một cách đầy đủ, trực tiếp toàn bộ bản đồ Trung Quốc”.
Trước đây, bản đồ Trung Quốc thường có phần chú giải tách biệt đối với các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và Arunachal Pradesh là một trong những khu vực như vậy. Nhưng giờ đây Trung Quốc đã cho phát hành bản đồ khổ dọc cỡ lớn để thể hiện toàn bộ các vùng tuyên bố chủ quyền “người dân không còn phải băn khoăn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc” (trích đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo).
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin đã chỉ trích hành động trên của Trung Quốc, khẳng định “mọi mô tả trên bản đồ không thể thay đổi thực tế trên thực địa. Sự thực Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Vấn đề này đã được Ấn Độ truyền tải nhiều lần tới Trung Quốc, kể cả cấp cao nhất".
Câu hỏi đặt ra là: Liệu phản ứng như vậy đã đủ chưa? Ông Modi đã đưa ra những phát biểu cứng rắn nhằm vào Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử dưới tư cách là ứng cử viên của đảng BJP. Sự thực, Trung Quốc giờ không chỉ có các hành động khiêu khích va chạm “thông thường” nhằm vào Ấn Độ, mà họ khẳng định quan điểm cứng rắn, muốn chứng tỏ rằng Bắc Kinh không hề chùn bước trước ông Modi - người vẫn được xem là một nhà lãnh đạo quyết liệt, kiên định.
Theo tác giả, ngoại giao không phải là cuộc chạy đua nước rút 100m, mà là cuộc đua marathon và vượt chướng ngại vật. Nếu không thể có hành động để ông Ansari rút ngắn chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Modi vẫn có các lựa chọn khác, có thể là yêu cầu giới ngoại giao Ấn Độ thực thi quan điểm cứng rắn hơn nhằm vào Trung Quốc. Việc chính thức bày tỏ thái độ do dự đối với chính sách “Một Trung Quốc” có thể sẽ là một hướng.
Hoài Thanh (
Theo DIN)