Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư G.V.C Naidu, giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thuộc Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nhận định rằng Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “cắt lát salami” chiếm dần Biển Đông.
Giáo sư Naidu trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. |
Theo Giáo sư Naidu, Trung Quốc bắt đầu chiến lược "cắt lát salami" từ năm 1974 với việc chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, và từ đó đến nay Trung Quốc đã tiến hành chiếm dần Biển Đông - vùng biển không những quan trọng về địa lý tại Đông Nam Á, mà còn chứa các nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là năng lượng. Mặc dù đã chiếm hầu hết các vùng của Biển Đông kể từ hành động đánh chiếm Hoàng Sa 40 năm trước, nhưng Trung Quốc vẫn đòi cái gọi là “đường chín đoạn” rất mơ hồ.
Giáo sư Naidu nhận định tiến trình công nghiệp hóa làm tăng nhu cầu năng lượng đã góp phần thúc đẩy các hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Vụ tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam rõ ràng trong vùng biển Việt Nam và việc Trung Quốc tự cho phép mình tiến hành các hoạt động thăm dò tại đây là hành động nghiêm trọng. Hành động tiếp theo có thể là lấy cớ bảo vệ lợi ích của mình, Trung Quốc thậm chí sẽ triển khai tàu chiến hải quân ở đó. Trung Quốc hành động như vậy trong khi vẫn tỏ vẻ quan tâm đến việc bắt đầu tiến hành thương lượng về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trước khi bất cứ bộ luật nào được nhất trí, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chiếm các đảo ở mức sao cho thành sự đã rồi. Những hành động này hoàn toàn bất hợp pháp, và đó là lý do Trung Quốc từ chối đưa vấn đề này ra một ủy ban trọng tài quốc tế.
Giáo sư Naidu cho rằng trong bối cảnh này, điều cần thiết là ASEAN giữ lập trường kiên định, buộc Trung Quốc chấm dứt tất cả hành vi chiếm dần các đảo và đơn phương áp đặt các chính sách tại các vùng tranh chấp, cố ý trì hoãn COC, từ chối đưa vấn đề lên một ủy ban trọng tài quốc tế. Theo Giáo sư Naidu, riêng Việt Nam cần phải tổ chức các hội nghị, tham vấn với các nhà lãnh đạo chính trị, giới chuyên gia, đồng thời nói rõ thực tế tình hình và huy động sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp đối với vấn đề này.
Minh Lý - Tiến Hiến(P/v TTXVN tại Ấn Độ)