Ai Cập - Lại một 'Mùa Xuân Arab' đẫm máu

Ít nhất 50 người thiệt mạng và gần 250 người bị thương là một con số đáng buồn nữa trong lịch sử hiện đại của nhà nước Ai Cập về những gì mà "Mùa Xuân Arab" mang lại.

Những người ủng hộ chính quyền được bảo vệ trong ngày kỷ niệm "Cách mạng 25/1". Ảnh: Reuters


"Báo Độc lập" (Nga) ngày 27-1 cho biết dịp kỷ niệm thứ ba cuộc "Cách mạng Ngày 25 tháng Một" ở đất nước của các Pharaon lại được đánh dấu bằng những tính mạng người dân vô tội. Thế mới biết không phải cuộc cách mạng nào cũng mang lại ấm no hạnh phúc, mang lại bình yên cho xã hội. Thực tế bất ổn hơn ba năm qua tại một loạt quốc gia Bắc Phi và Trung Đông- những nơi ngọn gió của "Mùa Xuân Arab" từng thổi qua đã minh chứng rõ điều đó. Rõ ràng, không phải cứ đỏ là chín, và không phải cứ xuống đường làm "cách mạng" là sẽ giải quyết được mọi vấn đề nội tại ở mỗi quốc gia.

Ba năm sau sự kiện 25-1-2011, Ai Cập vẫn đang loay hoay, vật vã tìm cách thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bạo lực và bất ổn triền miên do sự chia rẽ sâu sắc giữa những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và những người ủng hộ quân đội. Và đúng dịp kỷ niệm 3 năm thời điểm người dân Ai Cập làm cách mạng lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sau hơn 30 năm cầm quyền, người dân Ai Cập, gồm những người ủng hộ chính phủ hiện nay lẫn những người cùng chí hướng với tổ chức "Anh em Hồi giáo" và cả những người theo đường lối tự do - tự cho mình là nòng cốt của một cuộc "cách mạng thực sự" đã đổ ra khắp các đường phố ở quốc gia Bắc Phi này. Trong đó, hàng chục nghìn người ủng hộ Chính phủ hiện nay và Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah El-Sisi đã đổ về Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo. Nhiều quảng trường lớn khác trên khắp cả nước cũng chật kín những người biểu tình ủng hộ Chính phủ.

Trong khi đó cùng ngày, hàng loạt cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi cũng diễn ra tại các địa điểm trên toàn quốc, song đều bị lực lượng an ninh cũng như những người ủng hộ quân đội dùng vũ lực, hơi cay, đạn cao su để giải tán. Tại thủ đô Cairo, những người ủng hộ ông Mursi đã biểu tình tại 30 quận, huyện ở vùng ngoại ô, họ mang theo bom xăng, rất nhiều vũ khí tự chế và nguy hiểm hơn cả là một "ngọn lửa giận giữ" ngùn ngụt bốc trong đầu. Cảnh sát đã buộc phải nổ súng chỉ thiên nhằm vãn hồi trật tự. Gần 1.000 nhân vật quá khích cũng đã bị bắt giữ.

Các cuộc biểu tình của các lực lượng chính trị khác nhau đã được tổ chức một cách riêng rẽ. Các phương tiện thông tin đại chúng cho biết trước đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã đề nghị những người tự do phối hợp hành động, song họ đã không nhận được sự tán đồng, trong khi đó lực lượng cảnh sát cũng đã tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến nhằm kịp thời ứng phó những hành động quá khích chống phá chính quyền.

Ba năm đã trôi qua kể từ khi người dân Ai Cập tiến hành cuộc "Cách mạng Ngày 25 tháng Một", song mãi đến nay, quốc gia Bắc Phi này vẫn thất bại trong việc tạo ra một mô hình chính quyền làm việc có hiệu quả. Vị Tổng thống bị phế truất Mohammed Mursi, xuất thân là một nhân vật của Anh em Hồi giáo, ban đầu cũng là một tổng thống được dân bầu, song ông ta bị cáo buộc không những không giúp chấn hưng nền kinh tế đất nước, mà còn sớm thể hiện ý đồ thâu tóm quyền lực vào tay tổ chức Anh em Hồi giáo, vốn bị cấm hoạt động dưới thời của cựu Tổng thống Mubarak. Lập đổ Mohammed Mursi chính là nguồn cơn của cuộc cách mạng thứ hai mà người dân Ai Cập tiến hành- cuộc "Cách mạng tháng Bảy năm 2013". Người khởi xướng phong trào này chính là vị tướng quân đội- Bộ trưởng Quốc phòng El-Sisi.

Trong khi đó, ngày 26-1, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour cho biết giữa tháng 1 vừa qua, lực lượng quân đội đã thông qua bản Hiến pháp mới, theo đó ấn định tiến hành bầu cử tổng thống trước khi bầu cử Quốc hội và chậm nhất là vào mùa Hè tới, Cairo có thể hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm khôi phục nền kinh tế vốn bị đình trệ suốt thời gian qua.


Bất luận Ai Cập sẽ giải quyết các vấn đề của mình như thế nào, bất luận "Mùa Xuân Arab" sẽ đưa quốc gia này về đâu, song người dân, sẽ là những người hơn ai hết phải chịu thiệt thòi trong thời buổi loạn lạc. Có lẽ mỗi dịp kỷ niệm "Cách mạng Ngày 25 tháng Một" hay "Cách mạng tháng Bảy năm 2013" sẽ là một dịp để không chỉ Ai Cập mà cả những quốc gia khác cần suy ngẫm về tương lai phía sau những cuộc cách mạng này.


Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Lộ diện ứng cử viên tổng thống thứ 3 của Ai Cập
Lộ diện ứng cử viên tổng thống thứ 3 của Ai Cập

Nhật báo "Almasry Alyoum" ngày 27/1 dẫn một nguồn tin thân cận với cựu ứng viên tổng thống Mohamed Selim al-Awa cho biết ông này đã quyết định ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 17/2-18/4 tới.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN