1. Tiền và nhân lực
Theo liên minh chống IS, vẫn có khoảng 14.000 tay súng đang hoạt động ở Syria và Iraq mặc dù không ai biết tại sao lại có con số đó và con số đó cao hơn hay thấp hơn so với thực tế.
Theo tờ Politico, không ai biết chính xác số lượng thành viên IS, một phần là vì IS không chỉ điều hành những kẻ đánh bom liều chết và các tiểu đoàn chiến đấu. IS còn điều hành một mạng lưới khổng lồ gồm gián điệp, người báo tin, người vận chuyển, lực lượng hậu cần…
Việc trùm khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi có thể di chuyển từ nơi ẩn náu ban đầu ở Đông Syria sang tận Barisha, tỉnh Idlib, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 5km cho thấy hắn có cả một đội ngũ giúp đỡ, sẵn sàng chi hàng nghìn USD hối lộ cho bất kỳ ai ngáng đường hắn, cho dù đó là Lực lượng Dân chủ Syria, Chính phủ Syria, hay thậm chí cả binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thống kê tài chính của IS cũng rất mơ hồ. Tổng thống Trump đã quyết định đưa binh sĩ Mỹ trở lại Syria để bảo vệ các mỏ dầu Syria trước nguy cơ bị IS chiếm giữ. Mặc dù dầu là nguồn thu quan trọng của IS cách đây 5 năm, nhưng IS còn có nhiều cách khác để kiếm tiền. IS bắt hàng triệu người nằm trong khu vực chúng kiểm soát đóng thuế. IS còn bán ô tô và tham gia trao đổi ngoại tệ ở Iraq. Nói cách khác, IS đã hoàn toàn xâm nhập vào vùng kinh tế chợ đen và kinh tế xám ở Iraq.
Ông Amarnath Amarasingam, thành viên Viện Đối thoại Chiến lược ở London và là chuyên gia về khủng bố, nói: “IS có rất nhiều tiền. Khi ‘vương quốc’ đã sụp đổ, hiện không rõ IS kiếm tiền bằng cách nào. Một số bằng chứng cho thấy những người trung gian được sử dụng để đầu tư tiền vào các ngành kinh doanh hợp pháp như bất động sản. Đây là động thái khá điển hình mà các phong trào khủng bố trước đây thực hiện”.
Mặc dù IS không còn kiểm soát cả thành phố hay thị trấn nào nữa, nhưng IS vẫn còn đủ tiền để gây bất ổn. “Vương quốc” đã mất sẽ khiến IS tập trung tiền dành cho các dịch vụ hành chính để thực hiện những việc như đánh bom, phát động các cuộc tấn công khủng bố cơ hội. Một trong những chỉ thị cuối cùng mà al-Baghdadi đưa ra với thuộc hạ trung thành trước khi chết là giải phóng tù nhân IS trong tù, bổ sung những tay súng kinh nghiệm vào hàng ngũ thủ lĩnh.
Chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ở Đông Bắc Syria đầu tháng này có thể đã giúp trên 100 tù nhân IS trốn thoát.
2. Thế hệ tiếp theo
Kể cả không có tù nhân IS trốn ngục, IS cũng có thể bổ sung thành viên bằng cách tuyển mộ thế hệ tay súng thánh chiến Hồi giáo tiếp theo trong các trại tị nạn rải rác khắp Syria và Iraq.
Ví dụ như tại al-Hawl ở Đông Bắc Syria, có 68.000 người sinh sống, trong đó 94% là phụ nữ và trẻ em từng sống trong vùng bị IS kiểm soát. 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi, có nghĩa là các em sinh ra sau khi IS đóng chiếm các vùng đất và không biết cuộc sống nào khác ngoài “Vương quốc” IS. Al-Hawl ở trong tình trạng suy dinh dưỡng, rác thải ngập ngụa, bệnh dịch tràn lan.
Nhiều trẻ em bị mẹ - những người chưa từ bỏ tư tưởng IS - tiêm nhiễm suy nghĩ cực đoan. Khi nói chuyện với phóng viên phương Tây, những em này thề trung thành với al-Baghdadi và tuyên bố muốn làm người đánh bom liều chết khi lớn lên.
3. Nguy cơ nội chiến ở Iraq
Ở Iraq, IS còn đang chờ đợi nước này xảy ra khủng hoảng quốc gia, dẫn tới nội chiến.
Nhiều tuần qua, người Iraq đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ Iraq và Iran. Nguyên nhân liên quan tới vụ sa thải Tướng Abdul Wahab al-Saadi, cựu chỉ huy “Sư đoàn Vàng” chống khủng bố nổi tiếng của Iraq và là người có tư tưởng thân Mỹ. 240 người biểu tình đã thiệt mạng trong tháng trước. Chính phủ Iraq bác bỏ thông tin này, nói chỉ có một người chết.
Mới đây nhất, các tay súng che mặt đã giết chết 18 người và làm bị thương hàng trăm người ở thành phố Karbala, gây thêm hỗn loạn. Karbala là mục tiêu chính của IS từ khi tổ chức này thành lập.
Dường như IS sẽ tìm cách để lợi dụng tình hình lỗ hổng an ninh hiện nay ở Iraq để tìm thời cơ.
4. Mở rộng toàn cầu
Không chỉ giới hạn ở Iraq và Syria, vòi bạch tuộc của IS đã vươn ra nhiều nước, ngày càng mở rộng ở các nước châu Phi, đặc biệt là Mozambique và Congo và khu vực Nam Á. Khi vươn tới đâu, IS sẽ tiếp tục chỉ đạo các âm mưu khủng bố đẫm máu như vụ đánh bom ở Sri Lanka.
Các âm mưu đánh bom ở phương Tây đã giảm đáng kể nhưng xét về tham vọng khủng bố toàn cầu, IS vượt xa al-Qaeda.
5. Thủ lĩnh mới, “vương quốc” mới
Ngày 31/10, hãng tin Amaq của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thông báo Abi Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi đã được chọn làm thủ lĩnh mới, thay thế Abu Bakr al-Baghdadi. Al-Qurashi tuyên bố bản thân là hậu duệ thuộc bộ tộc của Nhà tiên tri Mohammed, hối thúc tín đồ hành động theo lời kêu gọi trong thông điệp cuối cùng đưa ra hồi tháng 9 của al-Baghdadi nhằm giải cứu các tay súng IS đang bị tù giam và tuyển mộ thêm nhiều thành viên mới. Ngoài ra, hắn có lời đe dọa Mỹ và tuyên bố IS sẽ tiếp tục cuộc chiến ở cả Trung Đông lẫn bên ngoài khu vực này.
Như nhiều nhà phân tích từng nhận, định thủ lĩnh IS chết đi không có nghĩa là tư tưởng của hắn cũng chết theo. Tư tưởng độc hại đó sẽ còn tồn tại lâu dài và sẽ tạo ra thế hệ tay súng IS tiếp theo, tiếp nối sự nghiệp tàn bạo của IS.