4 yếu tố quyết định thành bại trong chiến dịch phản công của Ukraine

Trong tuyên bố bắt đầu cuộc phản công ở khu vực Kherson, miền nam Ukraine, Tổng thống Zelensky kêu gọi Nga rút quân.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị pháo ở tiền tuyến gần Kherson. Ảnh: Getty Images

Theo trang The Conversation, sự kiện Kiev bắt đầu phản công diễn ra sau nhiều tuần quân đội Ukraine và Nga dồn về xung quanh thành phố Kherson, thủ phủ của vùng, nơi Ukraine có lợi thế tương đối so với đối phương.

Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm lớn trên các phương tiện truyền thông Ukraine. Cựu lãnh đạo Cục Tình báo Hải ngoại Ukraine, tướng lục quân Nikolai Malomuzh thậm chí mô tả chiến dịch tấn công là một bước ngoặt của cuộc chiến. Tuy nhiên, các nhà quan sát phương Tây vẫn tỏ ra dè dặt hơn trong các nhận định của mình về triển vọng của chiến dịch.

Trong một cuộc họp nhanh của Lầu Năm Góc vào ngày 29/8, các quan chức Mỹ mô tả cuộc tấn công chỉ là một cuộc “gia tăng hỏa lực pháo”. Đánh giá này cũng được Bộ Quốc phòng Anh xác nhận trong bản cập nhật ngày 30/8, lưu ý rằng “vẫn chưa thể xác nhận mức độ tiến triển của Ukraine”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích có một sự nhất trí chung là Nga đã phải gia tăng phòng thủ chiến lược và các chiến tuyến đã tương đối ổn định trong vài tuần nay mà không bên nào đạt được bước tiến lãnh thổ đáng kể.

Họ cho rằng đây không phải là bước ngoặt trong một cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ bảy, song cho thấy Nga không còn hoàn toàn chủ động. Và đó là một thành tựu quan trọng với Ukraine, dù họ phải trả giá đắt về thương vong cả dân sự lẫn quân sự. Một lượng khổng lồ cơ sở hạ tầng của đất nước cũng bị phá hủy.

Chú thích ảnh
Bản đồ với vùng màu vàng xỉn do Ukraine kiểm soát, màu tím do Nga kiểm soát trước ngày 24/2/2022 và màu đỏ do Nga kiểm soát sau 24/2; các điểm màu vàng sáng hơn là khu vực do Ukraine giành lại gần đây.

4 yếu tố quyết định

Các nhà phân tích tại EU nhận định có 4 yếu tố góp phần quyết định thành bại của chiến dịch mà Kiev vừa phát động nhằm giành lại vùng Kherson ở miền nam.

Đầu tiên là quyết tâm bảo vệ đất nước của người Ukraine – một trong những lý do khiến những tiến triển ban đầu của Nga giờ đây chững lại. Nhưng vấn đề này cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn để đánh giá liệu việc chặn đứng không để cho Nga kiểm soát thêm vùng lãnh thổ có phải là điểm cuối của những gì Ukraine có thể đạt được, và liệu việc đẩy Nga khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát kể từ năm 2014 có phải là một lựa chọn thực tế hay không.

Ba yếu tố còn lại là rất quan trọng. Trước hết, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây mang ý nghĩa sống còn đối với nỗ lực quốc phòng của Ukraine. Chỉ riêng Mỹ cho đến nay đã cung cấp cho Kiev hỗ trợ quân sự trị giá 13 tỉ USD; tiếp theo là Anh với khoảng 3,4 tỉ bảng Anh, và EU với 2,5 tỉ euro – theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel.

Yếu tố tiếp theo là các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Theo một nghiên cứu gần đây của các học giả có trụ sở tại Đại học Yale (Mỹ), các biện pháp trừng phạt đã có tác động với kinh tế Nga. Chúng đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của Moskva trong việc sản xuất và sửa chữa vũ khí cũng như các loại đạn tiên tiến – vốn là những yếu tố quan trọng trong thành công ban đầu của Moskva ở Ukraine.

Yếu tố thứ tư rất đáng được quan tâm là khả năng quân sự của Nga. Ukraine đang ngày càng thành công trong việc làm gián đoạn các đường tiếp tế và gia tăng sức ép thông qua chiến thuật du kích. Nga đã phải hứng chịu những tổn thất về hậu cần.

Moskva đã tìm cách cải thiện hiệu suất chỉ huy để chuẩn bị đối phó với cuộc phản công của Ukraine. Nhưng điều này cho đến nay vẫn chưa được kiểm chứng hiệu quả. Việc tích hợp cơ cấu chỉ huy của hai tập đoàn quân – trong trường hợp này là Tập đoàn quân 49 thuộc Quân khu miền Nam và Tập đoàn quân 35 thuộc Quân khu miền Đông – là một công việc đầy thách thức kể cả trong thời điểm thuận lợi. 

Chú thích ảnh
Một binh sĩ Ukraine đưa súng máy cho đồng đội. ảnh:  SOPA Images

Triển vọng thành công của Kiev

Ngay cả khi cần thời gian để Ukraine có thể hiện thực hóa các bước tiến, và ngay cả khi những lợi ích này có thể không lớn về mặt lãnh thổ như mong đợi, cuộc phản công sẽ làm suy giảm thêm năng lực quân sự của Nga, và làm giảm khả năng đạt được một bước đột phá quyết định của Moskva trên chiến trường.

Khi đó, điều này sẽ làm tổn hại đến khả năng của Nga trong việc thu hút sự ủng hộ của các đồng minh.

Mặt khác, dù thành công khiêm tốn, cuộc tấn công của Ukraine cũng sẽ củng cố đáng kể quyết tâm của phương Tây trong nỗ lực ủng hộ Ukraine trong bối cảnh chính họ đang gánh chịu thiệt hại do trừng phạt Nga.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Conversation)
Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp phát biểu về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp phát biểu về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ VII (EEF-2022) đã chính thức khai mạc ngày 5/9 trong khuôn viên Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông (FEFU) ở thành phố Vladivostok của LB Nga và sẽ kéo dài đến ngày 8/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN